Tổ quốc bên bờ sóng: Săn Sá Sùng trên biển Quan Lạn

Cập nhật: 12-07-2014 | 00:00:00

Kỳ 12: Săn Sá Sùng trên biển Quan Lạn

> Bài 1: Nam quốc sơn hà

> Bài 2: “Tắt muôn đời chiến tranh”

> Bài 3: Đất thiêng Trà Cổ

> Bài 4: Nước non vững bền

> Bài 5: Bến Vân Đồn - nhớ chiến công xưa

> Bài 6: Đưa những con tàu ra khơi

> Bài 7: Bạch Đằng Giang - Hào khí muôn đời

> Bài 8: “Chủ quyền lãnh thổ là bất biến”

> Bài 9: “Hãy tin tưởng ở chúng tôi”

> Bài 10: Tổ quốc bên bờ sóng: Vững vàng hậu phương

> Kỳ 11: Con rồng ngẩng đầu bên bờ biển

Biển nước ta không những đẹp mà còn giàu nguồn lợi. Sáng sớm ở xã đảo Quan Lạn thuộc huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) khi con nước rút để lộ ra những bãi cát dài. Chúng tôi bật dậy theo tiếng gọi của người chủ nhà trọ vì không đành lòng bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu nghề độc nhất vô nhị của những phụ nữ địa phương: Đi săn con Sá Sùng…

Món quà từ biển…

Sá Sùng là một loài trùn biển, thuộc họ sâu đất, dài khoảng 10cm, nặng từ 10 - 12g, thân thon tròn như ống, màu hồng nhạt, phần giữa thân có 30 sợi cơ dọc bao quanh. Loại to được gọi là Sá Sùng chuối, có thể nặng đến 120g, thân màu nâu nhạt, cơ dọc giữa thân dưới 30 sợi. Sá Sùng có nhiều ở các bãi cát pha bùn thuộc vịnh Bắc bộ và các tỉnh phía Nam như Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau. Tuy nhiên, nổi tiếng nhất và ngon nhất thì chỉ có Sá Sùng ở vùng biển Vân Đồn.

Sá Sùng không chỉ là sản vật thiên nhiên mà còn là “vũ khí” giúp người Quan Lạn giữ làng, bám biển

Từ tờ mờ sáng, hàng trăm phụ nữ Quan Lạn đã vác đồ nghề đổ về các Bãi Trước và Bãi Sau của xã đảo để đi săn Sá Sùng. Đồ nghề của họ cũng rất đơn giản, chỉ cần một chiếc mai đặc dụng và xô đựng. Vậy là xong, họ mang ủng lặng lẽ dò từng bước một trên bãi biển để kiếm Sá Sùng. Săn Sá Sùng, tuy nói có vẻ dễ nhưng thực ra rất khó. Khi nước triều lên, Sá Sùng bơi vào trong nước kiếm ăn, đến khi nước rút, chúng rúc sâu vào trong cát chỉ để lại những dấu vết rất khó phát hiện đối với người bình thường. Tìm ra tổ Sá Sùng đã khó, động tác đào phải nhanh và dứt khoát để Sá Sùng không bị đứt toàn thân và chui sâu vào trong cát.

Sá Sùng săn được có thể để tươi rồi nấu với lá lốt làm canh ăn rất mát và bổ. Vị ngọt của Sá Sùng trở thành thứ hương vị đặc trưng của rất nhiều quán phở ở Hà Nội và một số tỉnh vùng Đông Bắc. Tuy nhiên, Sá Sùng tươi không thể để lâu và có rất nhiều cát. Vì thế, ở Quan Lạn có hàng trăm lò chế biến và sấy Sá Sùng. Đây là loại sản vật rất đắt tiền, phải mất từ 5 - 7kg Sá Sùng tươi mới được 1kg sấy khô. Chính vì thế, dù đồng tiền có rớt giá thế nào chăng nữa thì mỗi kg Sá Sùng đều giữ ở mức 1 chỉ vàng. Hiện nay, Sá Sùng khô ở Quan Lạn được bán với mức trên dưới 4 triệu đồng/kg.

Tôi lặng lẽ đi theo chị Bùi Thị Hoa, một người săn Sá Sùng thuộc hàng giỏi nhất ở biển Quan Lạn. Chị sống bằng nghề này đã hơn 20 năm. Đôi tay thoăn thoắt, chị liên tục đào được những con Sá Sùng no tròn ẩn mình trong cát. Chỉ độ 1 giờ đồng hồ, Sá Sùng thu hoạch được đã kha khá, có thương lái đến cân mua tại bãi được 1,3kg và trao tiền luôn. Chị Hoa cho biết: “Săn Sá Sùng không cố định thời gian, phải tranh thủ nước rút, trời sáng tỏ mặt người thì đi bắt. Đến trưa, nước triều dâng lên thì không bắt được nữa. Trung bình mỗi ngày kiếm được 3 - 4kg, bán ra được từ 200.000 - 280.000 đồng/kg”. Theo lời chị Hoa, ở Quan Lạn có đến gần 1.000 phụ nữ sống bằng nghề đào Sá Sùng quanh năm. Tôi làm phép tính nhẩm đơn giản, thế thì nguồn lợi từ Sá Sùng mang lại cho Quan Lạn là hàng trăm tỷ đồng mỗi mùa. Thiên nhiên đã ban tặng cho biển Quan Lạn một nguồn lợi rất lớn!

Sá Sùng, một sản vật thiên nhiên ban tặng cho người Quan Lạn

… và Sá Sùng giữ biển

Tôi gặp lão ngư Vương Văn Tý trong một buổi trưa oi bức. Ông Tý chỉ tay ra ngoài bãi rồi trầm giọng kể lại chuyện ngày xưa. Năm 1945 nạn đói kinh hoàng xảy ra, người trong làng không có gì để ăn, tưởng chừng như không thể cầm cự nổi. Nhiều người bỏ làng, bỏ biển vào bờ kiếm cái ăn. Những người ở lại vất vả vô cùng vì trên đảo trồng được rất ít lương thực. May thay, trong thời điểm khó khăn đó, đàn bà trong làng xuống bãi đào Sá Sùng, còn đàn ông thì lên núi hái lá sung về nấu canh ăn qua ngày. Con Sá Sùng giàu dinh dưỡng trong những ngày đói kém đã cứu đói hàng ngàn người dân Quan Lạn, giúp họ trụ vững trên hòn đảo nằm chơi vơi giữa biển khơi. Thời chiến, Quan Lạn trở thành một trong những hòn đảo nuôi giấu cách mạng, Sá Sùng lại là món ăn nuôi quân quen thuộc.

Hòa bình lập lại, con Sá Sùng được người Quan Lạn khai thác rồi sấy khô, trở thành sản vật giúp dân làm giàu, trụ lại trên hòn đảo xa xôi này. Ông Tý kể rằng, vào năm 1970, đã có một đoàn các nhà khoa học đến nghiên cứu về Sá Sùng ở đây. Họ tìm đến khu bãi nhiều Sá Sùng rồi khoanh vùng, sau đó đào cả khoảnh đất đó sâu xuống 1m rồi mang đến vùng biển khác, hy vọng Sá Sùng sẽ đến sinh sống nhưng thời gian trôi đi mà vẫn chẳng có. Trong khi đó, ở khu đất đã được đào đi ấy, từ dưới độ sâu 1m lại trồi lên những tổ Sá Sùng mới... Rồi ông kết luận: “Không phải chỗ nào Sá Sùng cũng sống, dù có đào cả bãi Quan Lạn mang đi chỗ khác cũng vô ích! Trời đã đưa vị cứu tinh này đến cho đảo. Thời đói kém là để giúp dân chống đói, còn thời nay là để giúp dân làm giàu!”.

Trải qua bao biến cố và thăng trầm lịch sử, Sá Sùng như chiếc mỏ neo vững chắc, níu chân người Quan Lạn ở lại với đảo, phát triển hòn đảo ngày càng giàu đẹp hơn để giữ gìn từng tấc đấc do cha ông để lại. Bởi thế, Sá Sùng không chỉ là sản vật, là niềm tự hào của người dân Quan Lạn mà còn là “vũ khí” quan trọng để giúp cho người Quan Lạn đời này qua đời khác giữ làng, bám biển.

Kỳ 13: “Có chết cũng phải giữ biển”

KHÁNH VINH – KIẾN GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=896
Quay lên trên