Tổ quốc bên bờ sóng: Vững vàng hậu phương

Cập nhật: 10-07-2014 | 00:00:00

Kỳ 10: Vững vàng hậu phương

> Bài 1: Nam quốc sơn hà

> Bài 2: “Tắt muôn đời chiến tranh”

> Bài 3: Đất thiêng Trà Cổ

> Bài 4: Nước non vững bền

> Bài 5: Bến Vân Đồn - nhớ chiến công xưa

> Bài 6: Đưa những con tàu ra khơi

> Bài 7: Bạch Đằng Giang - Hào khí muôn đời

> Bài 8: “Chủ quyền lãnh thổ là bất biến”

>Bài 9: “Hãy tin tưởng ở chúng tôi”

Trong video clip dàn dựng cho bài hát “Nơi đảo xa” do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, có hình ảnh của một phụ nữ nén lòng tiễn người chồng lính biển lên tàu ra khơi làm chúng tôi rất xúc động. Họ - những người vợ của người lính biển thực sự là hậu phương vững chắc để các anh ngày đêm yên tâm bám biển, thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...

Những người vợ “thép”

Chúng tôi rời Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 1 với câu nói rất cảm động của thiếu tá Lê Huy, Phó Chủ nhiệm chính trị: “Những Cảnh sát biển như chúng tôi sẽ rất khó đương đầu với sóng dữ nếu không có một hậu phương vững chắc. Đó là những người vợ “thép” đang ngày đêm “gánh vác” gia đình với một ý chí vững vàng không lay chuyển”. Cầm trên tay danh sách dài dằng dặc những trường hợp gia đình gặp nhiều khó khăn của các cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 1, chúng tôi lần tìm đến từng gia đình để cảm nhận phần nào những hy sinh thầm lặng của các chị. Chị Trần Thị Huế (thứ 3, trái sang) âm thầm hy sinh để chồng chị vững tâm nơi đầu sóng ngọn gió

Đã hơn 2 tháng kể từ ngày Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, cô giáo Trần Thị Huế (thị trấn Thịnh Long, Hải Hậu, Nam Định) chưa một lần gặp mặt chồng. Chồng chị, anh Nguyễn Đức Thuận là chiến sĩ phụ trách máy động lực ở bộ phận kỹ thuật tàu Cảnh sát biển 8003. Dịp lễ 30-4 và 1-5, chưa kịp hết ngày phép anh đã được lệnh trở về đơn vị chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ. Mãi đến khi tàu nhổ neo, anh Thuận mới kịp nhắn tin cho vợ: “Anh đi Hoàng Sa thực hiện nhiệm vụ, em ở nhà lo cho các con…”.

Chị Huế bảo, cưới nhau từ năm 2001, anh liên tục lên đường thực hiện nhiệm vụ nên chị đã quá quen với những chuyến đi biển biền biệt của chồng. Kể cả khi còn ở trên bờ, cũng chỉ thi thoảng anh mới về nhà được vài hôm rồi lại đi. Để anh chuyên tâm làm nhiệm vụ, chị vun vén hạnh phúc gia đình, làm tròn nhiệm vụ một người vợ, người mẹ bằng tình thương dồn hết cho hai con nhỏ. Ngoài giờ đi dạy học ở trường, chị Huế làm tất cả công việc nhà, nuôi dạy hai con trở thành con ngoan, trò giỏi.

Thiếu tá Lê Huy, Phó Chủ nhiệm chính trị Cảnh sát biển Vùng 1 cho biết, hiện trong số các chiến sĩ trên tàu Cảnh sát biển 8003, có 9 trường hợp gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn. Trong số này đáng chú ý có trường hợp gia đình thiếu tá Nguyễn Văn Thuận có vợ là giáo viên dạy toán Trần Thị Huế. Con trai đầu của anh chị là cháu Nguyễn Vũ Thọ, SN 2001 bị tim bẩm sinh, lõm vùng ngực bẩm sinh nhưng gia đình thuộc diện kinh tế khó khăn nên đang thiếu kinh phí phẫu thuật. Thiếu tá Lê Huy cho biết, Bộ Tư lệnh đang cùng với chính quyền địa phương kêu gọi sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm để hỗ trợ gia đình chiến sĩ Thuận.

Chúng tôi tìm đến nhà riêng của trung úy Nguyễn Trọng Linh, thợ máy tàu CSB 8003 ở khu Phủ Thượng Đoạn, phường Đông Hải, quận Hải An. Trời đã nhá nhem tối nên chị Nguyễn Thị Sen, vợ anh đang tất bật lo việc nhà từ nấu ăn, giặt giũ, chăm con… Khó khăn, vất vả hằn in lên đôi vai gầy gò của người vợ, người mẹ trẻ xa chồng nhưng đôi mắt chị vẫn ánh lên những niềm tin mãnh liệt. Anh chị xây dựng tổ ấm đơn sơ, giản dị của mình từ năm 2004 và vấp phải nhiều khó khăn như bao đôi vợ chồng trẻ khác. Sự cực nhọc dường như nhân lên gấp bội khi anh Linh phải xa nhà làm nhiệm vụ. Mỗi tuần anh được về nhà 2 lần và mỗi lần chỉ được gặp con 3 giờ đồng hồ rồi lại về đơn vị. Cũng giống chị Huế và nhiều người vợ Cảnh sát biển khác, từ ngày biển Đông dậy sóng, chị Sen chưa một lần được gặp chồng. Niềm vui duy nhất của ba mẹ con chính là những câu chuyện bất tận về việc anh đang dũng cảm cùng với đồng đội kiên trì đấu tranh tại vùng biển Hoàng Sa, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

“Phải kiên cường anh nhé!”

Thật trùng hợp, khi chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Sen và chị Trần Thị Huế cũng là lúc bản tin thời sự của VTV phát đi những tin tức, hình ảnh thực địa về công tác thực thi pháp luật, đấu tranh của các anh trên vùng biển của Việt Nam mà Trung Quốc đang hạ đặt giàn khoan trái phép. Đối với họ, đây là thời gian vô cùng quý báu để mong ngóng về người chồng, người cha nơi khơi xa. Và mỗi lần anh Thuận hay anh Linh xuất hiện trên khung hình là mẹ con lại ồ reo vui sướng! Gia đình là thế, đã xa nhau vì nhiệm vụ chung, khó khăn, cực khổ bao nhiêu cũng chịu được nhưng cũng không thể nào khỏa lấp được tình cảm nhớ nhung, yêu thương ruột thịt.

Chị Huế kể, ngày 6-6 khi tàu 8003 cập cảng Đà Nẵng tiếp thêm lương thực sau một tháng làm nhiệm vụ trên biển, anh đã gọi điện thoại về nhà cho vợ con. Lúc đó, chị xốn xang trong lòng chực òa khóc nhưng đã vội kìm lại những giọt nước mắt của mình. Chị sợ, nước mắt sẽ làm cho anh mềm lòng và dao động, không yên tâm hoàn thành nhiệm vụ rồi dặn anh: “Phải kiên cường anh nhé!”. Chị bảo: “Khó khăn vất vả bao nhiêu mình cũng vượt qua được. Có đáng là bao so với cái lo chung của Tổ quốc. Dù rất khó khăn, vất vả nhưng ba mẹ con tôi vẫn không giấu được niềm tự hào vì anh vẫn ngày đêm kiên cường bám biển, kiên trì đấu tranh trước những hành động sai trái của Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền đất nước”.

Còn chị Sen cũng có chung nỗi niềm khi tâm sự với chúng tôi. Đối với chị, dù một thân một mình nuôi con vất vả thế nào vẫn không sánh bằng những khó khăn, hiểm nguy của chồng nơi biển xa. Và đối với chị, chồng còn là tấm gương sáng để cho các con noi theo và là niềm tự hào khôn xiết của gia đình. Cũng chính từ niềm tự hào về người cha là lính hải quân nên chị đã quyết định kết hôn với anh, một Cảnh sát biển dù đã biết hết nỗi vất vả, hy sinh của mẹ.

Rất đỗi tự hào khi có người thân đang ngày đêm bám biển bảo vệ chủ quyền đất nước. Nhưng đằng sau sự tự hào ấy là những hy sinh thầm lặng của những người vợ, người mẹ trẻ đang ngày đêm mong ngóng về biển xa. Sự hy sinh lớn lao ấy trở thành hậu phương vững chắc cho những người lính biển ngày đêm yên tâm bám biển, kiên trì đấu tranh trước những hành động hung hãn, ngang ngược xâm phạm chủ quyền hải đảo của Việt Nam từ phía Trung Quốc.

Kỳ 11: Quảng Ninh - con rồng ngẩng đầu bên bờ biển

KHÁNH VINH - KIẾN GIANG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=463
Quay lên trên