50 năm ký Hiệp định Paris: Xúc động chương trình 'Dấu mốc hòa bình'

Cập nhật: 14-01-2023 | 06:50:16

Hội nghị quốc tế về Việt Nam họp tại Paris từ ngày 26/2 - 2/3/1973, kết thúc bằng việc ký Định ước để bảo đảm hoà bình ở Việt Nam. Trong ảnh: Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam, ngày 2/3/1973.

Tối 13/1, tại Khu tưởng niệm Đại đội Thanh niên xung phong C283 (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch), Tỉnh đoàn Quảng Bình phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình tổ chức chương trình “Dấu mốc hòa bình” - kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973-27/1/2023).

Chương trình nhằm thể hiện đạo lý "đền ơn đáp nghĩa," "uống nước nhớ nguồn" của tuổi trẻ Quảng Bình đối với thế hệ cha anh đi trước, các anh hùng, liệt sỹ, những người con của quê hương, đất nước đã anh dũng hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc; tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm của tuổi trẻ trong thời đại mới.

Đây cũng là dịp tưởng niệm 50 năm ngày thảm sát tại thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (ngày 13/1/1973) - sự kiện khiến 156 người là thanh niên xung phong Hà Tĩnh, Hải Hưng 283, thanh niên xung phong Cù Chính Lan Nghệ An, công nhân Cảng Gianh 309, Binh trạm 16 bộ đội xăng dầu, Bộ đội thông tin và nhân dân thôn Quyết Thắng ngã xuống dưới làn mưa bom bắn phá cảng Gianh của đế quốc Mỹ. 

Hai ngày sau đó, 15/1/1973, Chính phủ Mỹ tuyên bố ngừng ném bom bắn phá miền Bắc để chuẩn bị cho việc ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Paris ngày 23/1/1973 và tiến tới ký chính thức Hiệp định Paris vào ngày 27/1/1973.

Tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Bình Đặng Đại Bàng nhấn mạnh 50 năm về trước, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao của Việt Nam ở thế kỷ 20; đánh dấu thắng lợi lịch sử của nhân dân ta sau hơn 19 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao chống Mỹ xâm lược.

Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Bình Đặng Đại Bàng khẳng định thắng lợi trên mặt trận ngoại giao mà đỉnh cao là Hiệp định Paris năm 1973 là hành trang quý giá để thế hệ trẻ hôm nay vững bước tiến vào giai đoạn hội nhập và phát triển toàn diện trên tất cả các mặt, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Cùng với tuổi trẻ cả nước, tuổi trẻ Quảng Bình sẽ không ngừng phấn đấu, nỗ lực, phát huy trí tuệ, bản lĩnh, nhiệt huyết, hoài bão để bảo vệ thành quả cách mạng và xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Ông Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình kêu gọi toàn Đảng bộ, cán bộ, chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân Quảng Bình tiếp tục phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; tiếp tục học tập và noi theo tấm gương kiên trung, bất khuất, anh dũng của các bậc tiền nhân và thế hệ cha anh đi trước; quyết tâm đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ.

Ông Trần Hải Châu cũng đề nghị Tỉnh đoàn và các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cách mạng cho đoàn viên thanh niên; nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với Tổ quốc, với nhân dân.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục chú trọng, quan tâm hơn nữa đến công tác “đền ơn đáp nghĩa," chăm lo, giải quyết thỏa đáng các chính sách, nhu cầu về đời sống, công ăn việc làm cho các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng; biết ơn và tri ân thế hệ cha anh đã hy sinh anh dũng để mang lại nền độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Trong khuôn khổ sự kiện diễn ra chương trình nghệ thuật “Dấu mốc hòa bình” xúc động, đầy ý nghĩa với 2 phần chính: "Sử thi - Dấu mốc hòa bình" và "Tuổi trẻ Quảng Bình ngời sáng tương lai."

Tại chương trình có những các ca khúc về Quảng Bình một thời khói lửa chiến tranh, về tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng, hoài bão của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, như: "Liên khúc 19 tháng 8," "Lá cờ tháng 8," "Hò chiến thắng," "Chiến thắng sông Gianh," "Quảng Bình đánh rất hay," "Quảng Bình chiến thắng," "Khát vọng tuổi trẻ," "Hát vang lý tưởng tuổi trẻ Việt Nam," "Tự nguyện," "Bước chân thanh niên," "Thanh niên Quảng Bình làm theo lời Bác"…

Chương trình nghệ thuật “Dấu mốc hòa bình” đã góp phần ngợi ca thắng lợi lịch sử của quân và dân ta, cũng là thắng lợi của lực lượng tiến bộ đấu tranh vì hòa bình, công lý trên toàn thế giới; qua đó gửi gắm thông điệp về tình đoàn kết giữa các dân tộc, về chủ nghĩa nhân văn sâu sắc, khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Tại chương trình, Ban tổ chức cũng đã trao tặng 60 suất quà, mỗi suất trị giá 1.200.000 đồng và 5 suất quà của Ban liên lạc C283, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng cho cựu thanh niên xung phong, cựu chiến binh, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thân nhân các gia đình trong vụ thảm sát thôn Quyết Thắng ngày 13/1/1973.

Trước đó, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tỉnh đoàn Quảng Bình và các sở, ngành, đoàn thể, đại diện thân nhân các gia đình bị thảm sát… đã tới đặt vòng hoa, dâng hương và dành phút mặc niệm trước Đài tưởng niệm Đại đội Thanh niên xung phong C283, tưởng nhớ hàng trăm thanh niên xung phong tử nạn trong vụ ném bom năm 1973./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=234
Quay lên trên