6 tháng năm 2018: Thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh tăng trưởng ổn định

Cập nhật: 25-06-2018 | 08:27:47

Mặc dù giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường tăng, song doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng qua vẫn tăng trưởng ấn tượng.

Tăng 17% so với cùng kỳ

Trong 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu thương mại - dịch vụ (TMDV) và tổng mức bán lẻ trên địa bàn tỉnh tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, TX.Thuận An là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao của tỉnh, hiện có 30.000 hộ hoạt động kinh doanh TMDV, 5 siêu thị, 7 trung tâm thương mại, 24 chợ theo quy hoạch đã đi vào hoạt động ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của thị xã trong 6 tháng qua ước đạt 26.230 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Theo lãnh đạo TX.Thuận An, nhờ vị trí địa lý thuận lợi, lại giáp TP.Hồ Chí Minh, TX.Dĩ An và TP.Thủ Dầu Một; bên cạnh đó thị xã có các tuyến đường giao thông huyết mạch đi qua, đã tạo ra cú hích cho địa phương phát triển bền vững. Riêng lĩnh vực TMDV, trên địa bàn thị xã đã hình thành các trung tâm mua sắm, ngân hàng… Trong thời gian tới, thị xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ để đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người dân.

 Khách hàng mua sắm tại siêu thị Lotte Bình Dương. Ảnh: TRÚC HUỲNH

Tương tự, TX.Dĩ An là địa phương phát triển năng động, dân cư đông đúc, sức tiêu dùng cao nên lĩnh vực TMDV và tổng mức bán lẻ tăng trưởng cao, với mức 33.948 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, đạt 50,16% kế hoạch năm.

Theo Sở Công thương, trong 6 tháng đầu năm 2018, hầu hết các chỉ tiêu như giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp các địa phương trong tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, riêng doanh thu TMDV đạt cao và tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương trong tỉnh đã tích cực phối hợp triển khai nhiều chương trình phát triển thị trường, kích cầu sức tiêu dùng, bình ổn giá, như tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đưa hàng Việt về nông thôn, các khu dân cư, khu công nghiệp và cụm công nghiệp… Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu TMDV toàn tỉnh 6 tháng qua ước đạt 92.211 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2017.

Nỗ lực bình ổn giá

Theo dự báo của các chuyên gia, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6 sẽ tăng nhẹ, ở mức 0,4 - 0,6%. Nguyên nhân trước hết là do giá thịt heo tăng. Cùng với đó, những bất ổn trên thị trường thế giới như Hoa Kỳ công bố biện pháp trừng phạt mới vào lĩnh vực dầu lửa và tài chính của Venezuela đã và đang khiến giá xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng đến giá trong nước. Tháng 6 lại là tháng nghỉ hè nên nhu cầu du lịch tăng cao, kéo theo dịch vụ ăn uống tăng, nhu cầu sử dụng điện nước cũng tăng.

CPI trên địa bàn tỉnh bình quân 6 tháng qua tăng 2,57% so với cùng kỳ năm trước; trong đó hàng hóa tăng 2,45%, dịch vụ tăng 2,74%.

Trước đó, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI tháng 5 đã tăng tới 0,55% so với tháng 4, trong đó mức tăng chủ yếu thuộc về nhóm giao thông và thực phẩm. Tính chung 5 tháng đầu năm, CPI cả nước bình quân tăng 3,01% so với cùng kỳ năm 2017 và đang có xu hướng tăng trong các tháng tiếp theo, gây áp lực lên công tác điều hành thị trường, giá cả của Chính phủ trong thời gian tới.

Theo Tổng cục Thống kê, mức tăng của CPI trong tháng 5 cao nhất từ năm 2012 trở lại đây. Trong 11 nhóm của rổ hàng hóa, đóng góp chính vào mức tăng CPI vẫn là các nhóm thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông, lương thực, thực phẩm, với mức tăng từ 4,22 - 20,87%. Do vậy, các đơn vị được giao nhiệm vụ điều hành giá, quản lý giá từ Trung ương đến địa phương, các ngành chức năng cần nỗ lực để bảo đảm CPI không tăng cao hơn con số Quốc hội cho phép.

Còn theo ý kiến của nhiều người dân trong tỉnh, hiện nay giá một số mặt hàng tại các chợ truyền thống đang tăng mạnh và hầu như không có xu hướng giảm giá bán. Chị Huỳnh Thị Thuận, ở phường Lái Thiêu, TX.Thuận An, cho biết giá thu mua heo hơi hiện đã giảm 1.000 đồng/kg so với 2 tháng trước, mua tại trại còn từ 48.000 - 50.000 đồng/ kg, nhưng giá bán lẻ vẫn chưa giảm sau thời gian tăng giá lên gần 20.000 đồng/kg tùy loại. Ngoài ra, giá một số loại hàng hóa tiêu dùng cơ bản khác vẫn có mức tăng nhất định, riêng giá xăng dầu liên tục tăng trong 2 lần điều chỉnh trong tháng 5. Theo chị Thuận, chưa có nhiều khách hàng phàn nàn về mức tăng giá một số mặt hàng như hiện nay. Hy vọng trong thời gian tới, sẽ không xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung thịt heo và các nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khác, gây ảnh hưởng đến giá bán và mức chi tiêu của các gia đình.

 TRÚC HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=319
Quay lên trên