Vụ nổ tại một vựa thu mua phế liệu trong khu dân cư ở tỉnh Bắc Ninh vào ngày 3-1 khiến nhiều người thương vong đã dấy lên một hồi chuông cảnh tỉnh về mối nguy của những vựa phế liệu nằm trong khu dân cư. Người ta ví những vựa phế liệu này như những “quả bom nổ chậm”. Nay thì thật sự có nhiều người giật mình vì lâu nay họ đang sống gần những “quả bom” ấy.
Một vựa phế liệu tại phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên bốc cháy vào sáng sớm khiến người dân hoảng hốt
Ảnh: MINH DUY
Không thể phủ nhận vai trò của những vựa phế liệu khi nó đáp ứng một nhu cầu rất lớn là xử lý, phân loại, tái chế các loại rác. Tuy nhiên, hoạt động của loại hình này cần phải có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương và cần phải xử lý mạnh tay, kiên quyết khi phát hiện sai phạm.
Tại Bình Dương, loại hình kinh doanh phế liệu khá phát triển, đặc biệt là ở các địa phương có kinh tế phát triển nhanh. Cụ thể như tại TX.Dĩ An, thống kê vào năm 2014 cho thấy địa phương này có khoảng 255 cơ sở, công ty hoạt động kinh doanh thu mua phế liệu. Nhận thấy hoạt động của các cơ sở này nằm xen lẫn trong các khu dân cư không bảo đảm môi trường, gây mất an toàn giao thông và an ninh trật trự, ngày 26-6-2013, UBND TX.Dĩ An ban hành kế hoạch về việc tổ chức kiểm tra, lập lại trật tự đối với ngành nghề kinh doanh phế liệu trên địa bàn. Đến nay đã có 196/255 cơ sở ngưng hoạt động hoặc chuyển đổi ngành nghề kinh doanh cho phù hợp.
Ngày 29-4-2016, UBND tỉnh cũng đã ban hành công văn về việc kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị, thành phố kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn; đồng thời xem xét những cơ sở có đủ điều kiện thì hướng dẫn thực hiện đầy đủ các thủ tục để được cấp phép. Ngoài ra, đối với những cơ sở kinh doanh phế liệu hoạt động không đúng theo quy định, sau thời gian vận động di dời, nếu cơ sở không được cấp phép hoạt động nhưng lại không chịu di dời sẽ tổ chức cưỡng chế.
Có thể nói từ tỉnh đến địa phương đã có sự quyết tâm lập lại trật tự đối với loại hình kinh doanh này, để nó không gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn tồn tại những vựa phế liệu nằm trong khu dân cư, khi xảy ra sự cố thì người dân sinh sống xung quanh phải gánh chịu. Điển hình như một số vụ cháy xảy ra trong thời gian qua khiến nhiều người lo lắng!
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan cần xử lý kiên quyết đối với các vựa phế liệu hoạt động sai quy định, để hoạt động này đi vào nề nếp, không gây ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng người dân.
L.T.P