Ân tình vùng biên…

Cập nhật: 05-08-2022 | 08:07:06

Một cảm xúc thật thiêng liêng, tự hào khi chúng tôi đến thăm từng cột mốc biên cương. Ở vùng biên, ngoài các chiến sĩ biên phòng ngày đêm canh giữ từng tấc đất của Tổ quốc còn có biết bao người dân bám đất, bám làng. Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng họ quyết tâm từng ngày để xây dựng quê hương nơi biên giới. Đồng hành với họ còn có nhiều tổ chức, cá nhân chung tay chia sẻ để cuộc sống của người dân nơi đây bớt đi nhọc nhằn…

 Đoàn đến thăm Đồn Biên phòng huyện Tuy Đức và chụp hình lưu niệm tại cột mốc số 55

 Cần lắm những tấm lòng

Những ngôi nhà gỗ gần Đồn Biên phòng Đak-Dang (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk-Nông) được dựng trên đồi đất đỏ, ẩn mình dưới rặng cây với khói lam chiều nhìn như một bức tranh thơ mộng và yên bình. Trong đó là những người dân ngày qua ngày bám đất, bám làng và đã được hỗ trợ vốn để trồng trọt, chăn nuôi; những đứa trẻ được hỗ trợ quần áo, sách vở để đến trường.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Thị Nhon (28 tuổi) cho biết chị có 2 con và hiện thu nhập chủ yếu là làm thuê tại các rẫy cà phê, mắc-ca. Chị Nhon nói “Mình nghe cán bộ báo có bác sĩ về khám bệnh, phát thuốc miễn phí và được nhận quà nữa nên mình rất vui. Mình bồng con đi theo tới đây luôn!”. Nhìn người phụ nữ dáng vóc nhỏ nhắn và già trước tuổi tay dắt đứa lớn, lưng gùi đứa nhỏ mà cảm thương cho mấy mẹ con nhà chị.

Ở đây còn những trường hợp như em Phan Thị Thu Ngọc, đang học lớp 11. Cha của em mới mất do bị đột quỵ, mẹ phải một mình làm việc nuôi 3 đứa con. “Hiện tại chị em con sống bằng tiền làm thuê của mẹ. Con mong muốn học hành tốt hơn để sớm giúp mẹ, lo cho em”, Thu Ngọc tâm sự. Hay như trường hợp của 2 chị em cùng mồ côi cha mẹ, chị lớn đã lấy chồng nên các em phải tự nương tựa nhau mà sống.

Thiếu tá Đỗ Văn Giang, Chính ủy viên, Phó Đồn Biên phòng Đăk-Dang, cho biết xã Quảng Trực hiện có 18 thành phần dân tộc, trong đó có các dân tộc như: Mơ Nông, Ê đê, Tày… Xã có hơn 10.000 nhân khẩu. Số hộ nghèo gần 65% theo tiêu chí mới. Đa số làm thuê làm mướn sống qua ngày. Thiếu tá Giang cũng cho biết khó khăn hiện tại là làm cách nào nâng cao nhận thức cho người dân, giúp họ biết tổ chức cuộc sống ổn định hơn, biết lo làm ăn…

“Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”

Đến với người dân nơi đây, chúng tôi cảm nhận được sự chân chất, mộc mạc của họ, đồng thời có sự đồng cảm sâu sắc, mong muốn có nhiều người cùng chung tay hỗ trợ, giúp phụ nữ vùng biên cương vươn lên trong cuộc sống. “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” là chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, khơi dậy ý chí vươn lên của phụ nữ, huy động sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng hướng về các xã đặc biệt khó khăn vùng biên giới.

Theo bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, đây là lần thứ hai chương trình này đến với người dân vùng biên cương thuộc xã Quảng Trực. Năm 2019, đoàn đã tặng 200 triệu đồng để bà con nghèo mua dê giống về chăn nuôi, phát triển đàn dê, ổn định cuộc sống. Cũng trong lần trước, chương trình đã tặng nhu yếu phẩm, khoan giếng để bà con thuận tiện hơn trong sinh hoạt. Sau 2 năm gián đoạn do dịch Covid-19, chương trình lại được tiếp tục thực hiện.

Đoàn công tác đến thăm hộ nuôi dê đã được cấp vốn từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” năm 2019

Lần này, với sự hỗ trợ của các y, bác sĩ Bệnh viện Medic Bình Dương, đoàn đã đến thăm, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho chị em phụ nữ, người dân xã Quảng Trực; trao 200 phần quà cho người dân. Các thành viên trong đoàn cũng đã trở lại thăm những hộ đã được hỗ trợ sinh kế trước đó làm ăn có hiệu quả không, từ đó có hướng điều chỉnh cho phù hợp. Trở lại Quảng Trực, các bên đã ký kết chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2021-2025 và tặng tập vở, xe đạp cho học sinh nghèo, nhu yếu phẩm cũng như đã trao sinh kế cho 12 hộ phụ nữ nghèo với trị giá 8 triệu đồng/ hộ, giúp các chị làm kinh tế gia đình, thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Trong hai ngày 31-7 và 1-8, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hội LHPN Đắk-Nông, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đắk- Nông đã tổ chức chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2021-2025 tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk-Nông. Tổng số tiền hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp lên đến gần 400 triệu đồng.

Thượng tá Rơ Lan Ngân, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk-Nông cho biết xã Quảng Trực còn nhiều khó khăn nên rất mong các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ để người dân thoát nghèo, trẻ em có điều  kiện đến trường…

Trong lần ký kết này, các đơn vị gồm Hội LHPN Bình Dương, Hội LHPN và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đăk-Nông đã thống nhất các nội dung phối hợp thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, hàng năm các bên tổ chức tuyên truyền kỷ niệm liên quan đến bộ đội biên phòng và Hội LHPN Việt Nam; phối hợp tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng chống mua bán người, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam... cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, nhân dân, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng. Bên cạnh đó, các đơn vị sẽ tập trung hỗ trợ Hội Phụ nữ xã, hội viên, phụ nữ, trẻ em, gia đình chính sách, gia đình có chồng, con là bộ đội đang công tác ở địa bàn biên giới, hải đảo, đồng hành cùng hội viên sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên phụ nữ khu vực biên giới.

Cảm nhận từ chương trình này, BS.Chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Hồng Phương, Trưởng ban từ thiện Bệnh viện Medic, cho biết hoạt động này thật sự ý nghĩa. Tập thể y, bác sĩ của bệnh viện ai cũng háo hức, phấn khởi khi làm nhiệm vụ, bởi đó là cách họ giúp đỡ cộng đồng, bày tỏ tình cảm của mình với chiến sĩ, người dân vùng biên giới. Các nữ doanh nhân (trước đây đã hỗ trợ sinh kế cho người dân nuôi dê) cho biết họ rất vui khi đồng vốn nghĩa tình của hội đến đúng nơi cần giúp đỡ và họ sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hội LHPN để thực hiện những chương trình thiết thực trong giai đoạn 2021-2025.

Tại các đồn biên phòng đã ghé thăm, chúng tôi cũng cảm nhận được tình cảm ân cần, thắm thiết của tình quân dân nơi đây. Các đơn vị đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp công tác biên phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội địa bàn phụ trách. Đối với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ luôn đề cao tính tích cực, chủ động trong các hoạt động với tinh thần trách nhiệm cao, bảo vệ chặt chẽ đoạn biên giới được giao. Cùng với đó đơn vị chủ động nắm chắc, kịp thời tình hình ngoại biên, thường xuyên duy trì tốt quan hệ đối ngoại với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn và tham mưu cho địa phương trong thực hiện công tác đối ngoại nhân dân, hỗ trợ người dân…

Chia tay với người dân xã Quảng Trực, chúng tôi mong rằng một ngày không xa, khi trở lại nơi đây trong chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, chúng tôi sẽ thấy sự đổi thay, vùng đất này sẽ giàu đẹp.

  QUỲNH NHƯ  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=671
Quay lên trên