Tạo việc làm cho phụ nữ với cách làm hay

Cập nhật: 08-07-2022 | 07:17:18

Nhiệt tình, chân chất và giản dị nên chị Trần Thị Phương Hảo, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) đan nhựa giả mây dễ gây thiện cảm kể cả với người mới tiếp xúc lần đầu. Người phụ nữ này không chỉ lo vun vén, thu xếp cho cuộc sống gia đình mình mà còn giúp được nhiều người cùng vượt qua khó khăn trong cuộc sống bằng việc tạo công việc cho họ.

 Nguyên liệu được đưa đến Tổ hợp tác đan nhựa giả mây tại phường Tân Bình để gia công

 Bắt nhịp cuộc sống nơi “quê hương thứ 2”

Ngồi trong ngôi nhà khang trang, chị Hảo kể rằng ban đầu chị “Nhất định không xa quê, không muốn đi Bình Dương bởi nghe xa xôi quá, nhưng sau đó quyết định vào thử cùng chồng con rồi yêu quê hương thứ 2 này hồi nào không hay. Nay thì quá gắn bó và thân thuộc rồi”.

Chị Hảo quê ở Hà Tĩnh. Trước đây khi còn ở quê làm kế toán cho trường mầm non. Gia đình bên ngoại ai cũng học hành và có công việc đàng hoàng nên khi chị nghỉ việc thì ai cũng cản và không muốn con gái mình phải vất vả mưu sinh xa nhà. Lần lữa mãi, đến năm 2011 chị vào Tân Bình, Dĩ An cùng chồng. Trước đó, chồng chị đã ở Bình Dương và theo nghề xây dựng, thỉnh thoảng anh mới về thăm nhà.

Là một đảng viên nên ngay buổi sinh hoạt chi bộ đầu tiên ở nơi mà chị gọi là “đất khách quê người”, chị ngạc nhiên vì mọi người đến đây từ khắp các tỉnh, thành. Hơn hết là chị cảm nhận được tình cảm ấm áp, chân thành của mọi người dành cho nhau khiến chị cảm thấy an tâm hơn. Sau khi đã quen người, quen đường và quen việc ở vùng đất mới, chị đã được đồng chí Bí thư Chi bộ khu phố phân công với rất nhiều nhiệm vụ mà người ta thường gọi là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Kể từ đó chị Hảo tham gia từ công tác điều tra dân số, chi hội phụ nữ, thành viên của Đội Công tác xã hội tình nguyện phường Tân Bình giúp các đối tượng cai nghiện ma túy trong cộng đồng, tổ an ninh và nay là THT giúp nhau làm kinh tế gia đình.

Những ngày này, khi chuyện trò cùng tôi và tranh thủ đan giỏ để kịp giao hàng, chị cũng tất bật lên kế hoạch cùng bà con khu phố phát quang bụi rậm, tuyên truyền người dân giữ gìn vệ sinh để phòng, chống sốt xuất huyết đang vào mùa cao điểm. “Với những nơi công cộng, chị em trong chi hội phụ nữ sẽ thu xếp cùng nhau phát quang, quét dọn đường sá, lấp những vũng nước đọng để diệt lăng quăng”, chị Hảo chia sẻ.

Hỗ trợ lao động nữ có việc làm

Nói về gia cảnh, chị Hảo cho biết ông xã làm bên ngành xây dựng, đã nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục tìm kiếm công việc vừa sức để làm. Hai con của chị thì một đứa đã tốt nghiệp đại học đi làm, con út đang học năm cuối đại học nên anh chị cũng “tạm yên tâm khi con chịu khó học, biết nghe lời ba mẹ”. Kinh tế gia đình ổn định, không còn quá lo lắng cho việc kiếm sống nên chị Phương Hảo toàn tâm toàn ý với công tác xã hội.

Mới đây, nằm trong chuỗi các hoạt động nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, các cấp hội đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, nâng cao thu nhập cho gia đình. Trong đó, điều khiến tôi chú ý là Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tân Bình, TP.Dĩ An cho ra mắt THT đan nhựa giả mây. Mô hình này có địa chỉ tại tổ 9B khu phố Tân Phú 2, với 5 thành viên do chị Trần Thị Phương Hảo làm tổ trưởng. Theo bà Phạm Kim Yến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tân Bình, các thành viên sẽ được hỗ trợ vay vốn, tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm nhằm giúp các chị có việc làm, tăng thu nhập.

 Chị Hảo đan hộp nhựa giả mây tại nhà

Cơ duyên đến với nghề đan giỏ nhựa giả mây của chị Hảo theo chị nói là khi vào Bình Dương, do lớn tuổi nên không thể xin làm công nhân. Hơn nữa đi làm công ăn lương thì không ai lo việc nhà. Thế là chị tự tìm tòi để có việc làm thích hợp. Tình cờ thấy Công ty Thanh Trúc chuyên về mây tre lá, giỏ nhựa giả mây ở TP.Dĩ An đăng tin tìm lao động thời vụ và làm hàng gia công nên chị lấy hàng về làm thử. Sau một thời gian ngắn học việc, chị thành thạo dần, tay nghề làm chắc hơn, nhanh hơn nên chị mạnh dạn nhận hàng về nhà làm. Từ công việc của mình, chị dạy nghề cho nhiều phụ nữ khác. Khi mọi người quen việc, chị nhận hàng về cho họ làm. Thu nhập bình quân của mỗi thành viên trong THT này khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Một số thành viên trong tổ như chị Trần Thị Hà (sinh năm 1981) đang cùng chồng bán cơm bình dân cũng nhận hàng làm khi rảnh rỗi. Chị Phạm Thị Nho (sinh năm 1986) đang là mẹ bầu cũng có thể nhận hàng về làm để có tiền chuẩn bị cho ngày sinh. “Những người có con nhỏ, thất nghiệp đang lo việc nhà, đưa đón con đi học rất phù hợp với công việc này. Chỉ cần các chị chịu khó là làm được. Tôi tập hợp chị em vào THT để làm chung chứ không nhận bất kỳ một đồng phần trăm nào từ sản phẩm làm ra nên ai cũng tin tưởng để cùng nhau hợp tác làm ăn. Cái được của chúng tôi là khi ngồi làm việc cùng nhau, các thành viên có thể tâm sự, chia sẻ với nhau những câu chuyện buồn vui trong cuộc sống. Làm đồ thủ công mỹ nghệ như thế này là rất thuận tiện, ai cũng có thể vừa ở nhà làm nội trợ, vừa đan giỏ lúc rảnh rỗi. Thời gian cũng không quá bó buộc lại có thu nhập ổn định nên phù hợp với phụ nữ mang thai, có con nhỏ, lao động lớn tuổi…”, chị Hảo cho biết thêm.

Điều đáng trân trọng nữa là các chị trong THT này rất nhiệt tình với công tác của hội, đoàn thể ở địa phương. Họ còn kêu gọi nhau giúp đỡ các trường hợp khó khăn, bệnh tật khác tại địa phương bằng việc làm nhường cơm, sẻ áo và giới thiệu việc làm cho nhau để kiếm thêm thu nhập. Nói về chị Hảo, nhiều người ở phường Tân Bình cười vui cho biết: Nhờ có người “vác tù và hàng tổng” dễ thương như chị nên họ mới có dịp gần gũi nhau, chia sẻ cùng nhau trong tình làng nghĩa xóm cũng như xóa bỏ những xích mích để sống với nhau nhân ái hơn!

Chia tay các chị, chúng tôi thấy rằng đây là mô hình cần nhân rộng để ngày càng có nhiều THT giúp đỡ nhiều phụ nữ lớn tuổi, người cai nghiện thành công có công việc ổn định. Bởi họ rất khó để xin vào làm việc ở các công ty, xí nghiệp trên địa bàn. Một khi vấn đề tìm việc khó khăn thì đây có thể là một giải pháp cho lao động nữ hiện nay.

Bà Phạm Kim Yến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tân Bình, TP.Dĩ An, cho biết tính đến nay toàn phường có 8 Tổ phụ nữ vay vốn làm kinh tế gia đình. Mỗi tổ có khoảng 60 thành viên. Tổng số tiền vay vốn hơn 26 tỷ đồng. Đa số các chị vay để làm hàng thủ công mỹ nghệ, kinh doanh buôn bán nhỏ, làm dịch vụ ăn uống giải khát…

Nói THT của chị Phương Hảo, theo bà Yến đây là một trong những THT làm việc hiệu quả của phường Tân Bình nói riêng và của TP.Dĩ An nói chung, các chị đã giúp nhau có thu nhập hàng tháng để ổn định cuộc sống, lo cho con cái học hành.

 QUỲNH NHƯ  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1252
Quay lên trên