An toàn giao thông năm học mới: Vấn đề cần quan tâm 

Cập nhật: 26-08-2015 | 09:58:49

Năm nay, ngày khai giảng năm học mới sẽ thống nhất tổ chức vào ngày 5-9. Không bao lâu nữa, các trường học trong cả nước sẽ bước vào năm học mới 2015-2016. Tuy nhiên, trước đó (kể từ giữa tháng 8), hầu hết các trường đã tập trung học sinh (HS), tổ chức sắp xếp lớp học... để sớm đi vào ổn định, chuẩn bị chính thức bước vào năm học mới. Cùng với nhiều việc phải lo toan vào mỗi đầu năm học, việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) mùa tựu trường cũng là vấn đề đáng quan tâm.

 Lực lượng dân phòng được điều động để hỗ trợ điều tiết giao thông trước cổng trường THCS Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một

Những dấu hiệu tích cực

Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi đã đi khảo sát một số trường học trú đóng trên địa bàn thì nhận thấy tình hình trật tự ATGT ở các cổng trường và khu vực xung quanh bớt lộn xộn, thông thoáng hơn những năm học trước, do nhiều trường trung, tiểu học tổ chức lớp bán trú và nội trú nên việc đưa rước HS thường chỉ tập trung vào mỗi buổi sáng, chiều hoặc những ngày cuối tuần, còn buổi trưa thì thưa vắng hơn.

Thực tế cho thấy, trường nào có hành lang vỉa hè rộng rãi, hoặc có cây xanh nhiều thì tình hình đưa rước HS trật tự, an toàn hơn, do phụ huynh dựng xe trên vỉa hè hoặc cặp sát lề đường để đón con nên ít làm ảnh hưởng đến trật tự ATGT, mỹ quan đường phố. Điển hình như trường Tiểu học Lê Hồng Phong (phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một) nhờ có hành lang vỉa hè trước trường rộng rãi, có nhiều bóng cây xanh, nhà trường cũng dán thông báo nhắc nhở trước cổng trường nên phụ huynh dừng đỗ xe một cách trật tự để đợi con mình. Trường Trung - Tiểu học Pétrus Ký được xây dựng trong phạm vi khu dân cư Hiệp Thành 3 sạch đẹp, có hành lang vỉa hè thông thoáng nên phụ huynh thuận tiện đưa đón con em mà ít làm ảnh hưởng đến trật tự ATGT…

Tuy nhiên, vẫn còn đó hình ảnh không đẹp, như trường Tiểu học Nguyễn Du (phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một) do nằm ngay trung tâm ngã sáu, nơi có đông đúc xe cộ lưu thông, trong khi số HS nhiều, hành lang vỉa hè hẹp nên vào giờ cao điểm đưa rước HS, trước cổng trường vẫn còn lộn xộn, mất trật tự, ảnh hưởng mỹ quan đường phố vì phụ huynh nào cũng tranh thủ tìm chỗ dừng xe sao cho tránh được nắng, dễ thấy con em mình, dễ quay xe về nên họ dừng xe mọi hướng. Có nhiều phụ huynh rước con bằng xe ô tô đã đỗ xe một cách tùy tiện, thậm chí đỗ ngay đoạn cua vào cổng trường gây mất ATGT, trong khi gần đó có quy hoạch chỗ đỗ xe cho ô tô hẳn hoi nhưng nhiều người không quan tâm.

Tại các cổng trường khác như Tiểu học Hiệp Thành, THPT Võ Minh Đức cũng cùng chung tình trạng: Giờ vào học cũng như giờ tan học, cổng trường lúc nào cũng nhộn nhịp, nhốn nháo, phụ huynh đưa rước con lấn tràn ra lòng đường gây ảnh hưởng đến việc lưu thông và ATGT cho người đi đường. Tại trước một đoạn đường Phạm Ngọc Thạch, nơi có con hẻm rẻ vào trường Tiểu học Hiệp Thành, phụ huynh đỗ xe ô tô đón con lấn chiếm lòng đường, có người từ bên này đường điều khiển xe máy băng qua bên kia đường để rẽ vào trường mà bất chấp nguy hiểm cho mình và cho người khác...

Nâng cao nhận thức về văn hóa giao thông

Thực trạng nói trên tồn tại là do nhiều nguyên nhân: Trước đây khi quy hoạch xây dựng trường học chúng ta chưa quan tâm đến việc trường nên cách xa khu dân cư, hoặc không được cặp sát đường lộ, có sân, bãi đậu xe cho phụ huynh HS để đưa, đón con em... Do đó, khi quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế mạnh mẽ của các địa phương trong tỉnh, hạ tầng cơ sở được đầu tư mở rộng, nâng cấp, phương tiện giao thông ngày càng gia tăng đã làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự ATGT trên các tuyến đường nói chung và tại khu vực trước các cổng trường nói riêng.

Bên cạnh đó, cũng có một nguyên nhân đáng nói nữa là do nhận thức về việc bảo đảm trật tự ATGT của một bộ phận phụ huynh HS chưa cao, có người còn thiếu hiểu biết, còn xem nhẹ tính mạng, sức khỏe của mình và người khác, do đó việc tuyên truyền, vận động, nhắc nhở họ là chuyện cần làm.

Được biết, những năm học qua, ngành giáo dục đều có kế hoạch hướng dẫn các đơn vị, trường học tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục ATGT trong đoàn viên, HS; đồng thời chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức ATGT, văn hóa giao thông trong trường học. Hàng năm, sở đã phối hợp với Ban ATGT, Phòng Cảnh sát giao thông, Sở Giao thông - Vận tải và Đài Phát thanh - Truyền hình tổ chức thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ quy mô cấp tỉnh cho các đối tượng; hoặc tổ chức các hoạt động như: “Chạy xe đạp vì ATGT”; thi vẽ tranh về ATGT; tổ chức chương trình “Vui học ATGT”, chương trình giáo dục “ATGT cho nụ cười trẻ thơ” tại các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh...

Riêng phòng giáo dục các huyện, thị, thành phố đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về ATGT ở các cấp học. Các đơn vị, trường học các huyện, thị, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATGT trong nhà trường thông qua các hình thức như sinh hoạt dưới cờ; đưa thông tin về trật tự ATGT lên website của trường; thực hiện chương trình phát thanh học đường; cho phụ huynh học sinh ký cam kết không lấn chiếm lòng, lề đường khi đưa rước con; tổ chức treo băng rôn, trưng bày hình ảnh, chiếu phim tuyên truyền về ATGT...

Nhà trường và HS, sinh viên đã có các mô hình hoạt động, việc làm thiết thực và phong phú để vận động mọi người cùng nhau bảo đảm trật tự ATGT và kéo giảm tai nạn giao thông như vậy thì giới phụ huynh cần phải đi đầu, làm gương cho con em mình trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Thiết nghĩ việc nâng cao nhận thức này trước nhất phải xuất phát từ ý thức của chính mỗi người cùng với sự tác động, vận động, nhắc nhở của các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể... đừng để tình trạng nói trên cứ tái đi tái lại vào mỗi đầu năm học..

 BÌNH MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=866
Quay lên trên