Anh Cao Đăng Hưng (Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh): Luôn sẵn sàng xách túi lên đường khi có ca nghi nhiễm Covid-19

Cập nhật: 08-12-2020 | 07:37:24

Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, mặc dù không phải là những người trực tiếp tham gia khám và điều trị nhưng các bác sĩ, nhân viên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thật sự là những “người hùng” khi không ngại nguy cơ bị lây nhiễm cao, góp phần công sức vì cộng đồng trong cuộc chiến chống dịch.

Anh Hưng tại phòng làm việc của mình

Làm việc bất kể ngày đêm

Gặp anh Cao Đăng Hưng, nhân viên của khoa phòng bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong một buổi sáng đầu tháng 12. Tất bật với công việc, anh Hưng vẫn thu xếp để gặp chúng tôi, chia sẻ đôi điều về cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mà trước đây, dù trong mơ anh cũng chẳng thể nghĩ tới.

Anh Hưng sinh ra và lớn lên tại Nghệ An, năm 2015, sau khi tốt nghiệp ngành y tế dự phòng, anh về công tác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho đến nay. Đối với anh, những ngày tháng là cán bộ dịch tễ của đội Đáp ứng nhanh tuyến tỉnh là những ngày tháng khó quên trong đời. Anh Hưng chia sẻ: “Đầu tháng 4, khi có thông tin một người Hàn Quốc làm việc tại Bình Dương khi trở về nước nghi nhiễm Covid-19, chúng tôi đã phải làm việc hết công suất để điều tra dịch tễ đối với những người tiếp xúc gần với trường hợp này. Mỗi ngày làm việc với cường độ cao, có khi phải làm việc tới 24 giờ đêm mới xong việc. Chúng tôi lúc nào cũng phải sẵn sàng tâm thế có ca nghi nhiễm là xách túi lên đường, dù đó là lúc 22 giờ đêm hay 0 giờ sáng. Có ngày, thông tin dịch tễ quá nhiều, chúng tôi phải làm việc bất kể ngày đêm để lấy thông tin và tổ chức chống dịch tại cộng đồng với quyết tâm “không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng”. Làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm, gia đình tôi cũng rất lo lắng nhưng bản thân tôi đã phải làm công tác tư tưởng, phân tích, động viên để cho cha mẹ yên tâm”.

Như “một nhà thám tử”

Từ khi có ca nghi nhiễm Covid-19 đầu tiên trên địa bàn tỉnh, anh Hưng đã luôn nỗ lực làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, luôn cố gắng hoàn thành tốt các công việc được giao. Công việc chính của anh là hỗ trợ lập kế hoạch; phối hợp, đánh giá và phân tích thông tin, số liệu từ nhiều nguồn; thường xuyên ghi nhận thông tin từ điện thoại, thư điện tử, văn bản phản hồi, rồi phân tích thông tin, trả lời các nội dung liên quan cho các cá nhân, đơn vị cung cấp thông tin; điều tra xác định tiền sử dịch tễ, yếu tố nguy cơ, chỉ số nhân khẩu, xã hội học... liên quan. Sau khi nhận thông tin về các trường hợp nghi ngờ, anh cùng đồng nghiệp tiến hành điều tra thực tế các trường hợp trên để xác định yếu tố dịch tễ liên quan, từ đó chỉ định lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Đồng thời, sau khi điều tra dịch tễ các trường hợp nghi ngờ mắc, tùy vào tình hình thực tế đưa ra hướng xử lý ổ dịch tại nơi cách ly y tế/cộng đồng; kiểm soát nhiễm khuẩn trong quá trình lấy mẫu, vận chuyển mẫu bệnh phẩm và các yếu tố nguy cơ tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, anh còn tham gia triển khai các biện pháp dự phòng khác và truyền thông nguy cơ; đưa ra những giải pháp phòng, chống dịch bệnh đề nghị địa phương và cơ sở y tế thực hiện để dự phòng các tình huống phòng, chống dịch bệnh có thể xảy ra; thực hiện điều tra dịch tễ các trường hợp trong khu cách ly tập trung, hướng dẫn các hoạt động chuyên môn y tế trong khu cách ly...

“Công tác điều tra dịch tễ đòi hỏi chúng tôi như “một nhà thám tử” - lần mọi dấu vết, đường đi, địa điểm, người tiếp xúc của bệnh nhân… thật chi tiết từ không gian, thời gian và cả con người; đồng thời cũng phải nhẹ nhàng, tâm lý để khai thác hết được các thông tin bởi vì chỉ cần một người tiếp xúc không được lấy mẫu, cách ly không kịp thời thì họ có thể lây bệnh theo cấp số nhân trong cộng đồng. Bị cách ly là việc không ai muốn, nhưng thực hiện tốt việc cách ly để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có ý nghĩa quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh, chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng”, anh Hưng nói thêm.

Học tập, làm theo Bác “Cán bộ y tế cần phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt. Cần phải tận tâm, tận lực phụng sự nhân dân”, anh Cao Đăng Hưng cùng với nhiều cán bộ y tế khác đã và đang nỗ lực hết mình trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19. Những đóng góp thầm lặng này luôn được cộng đồng ghi nhận và trân trọng.q

‘‘Công tác điều tra dịch tễ đòi hỏi chúng tôi như “một nhà thám tử” - lần mọi dấu vết, đường đi, địa điểm, người tiếp xúc của bệnh nhân… thật chi tiết từ không gian, thời gian và cả con người; đồng thời cũng phải nhẹ nhàng, tâm lý để khai thác hết được các thông tin bởi vì chỉ cần một người tiếp xúc không được lấy mẫu, cách ly không kịp thời thì họ có thể lây bệnh theo cấp số nhân trong cộng đồng...”.
(Anh Cao Đăng Hưng, nhân viên của khoa phòng bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

HUỲNH THỦY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên