Áo: Bầu cử sớm vì bê bối chính trị

Cập nhật: 28-05-2019 | 14:35:32

Thủ tướng trẻ tuổi nhất châu Âu Sebastian Kurz vừa tuyên bố bầu cử sớm sau khi chính phủ non trẻ của ông tan rã vì một vụ bê bối chính trị mang tên “Ibiza”. Dư luận báo chí nghi ngờ vụ việc được các cơ quan báo chí dàn dựng nhằm làm mất uy tín đảng Tự do (FPO) cực hữu trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu cuối tuần này.

Theo truyền thông châu Âu, vào tối Thứ sáu 17-5, một đoạn video nhạy cảm được hai tờ báo lớn của Đức là Der Spiegel và Suddeutsche Zeitung đồng loạt công bố. Nội dung đoạn video cho thấy Phó Thủ tướng Áo Heinz-Christian Strache, đồng thời là Chủ tịch đảng FPO, nói chuyện với một người phụ nữ được cho là cháu gái của một tài phiệt Nga tại một khu nghỉ dưỡng sang trọng ở thành phố nghỉ mát Ibiza (do đó có tên gọi “bê bối Ibiza”).

Khi người phụ nữ tỏ ý muốn mua lại tờ báo lá cải Kronen Zeitung có số lượng phát hành lớn nhất tại Áo, ông Strache đã nhanh chóng đưa ra gợi ý rằng ông có thể trao cho người phụ nữ này những hợp đồng béo bở của chính phủ nếu bà chịu ủng hộ chiến dịch tranh cử của đảng FPO bằng cách tài trợ tiền mặt cũng như đăng tải những bài viết mang tính quảng bá cho đảng FPO. Cuộc gặp được cho là do lãnh đạo đảng FPO trong Quốc hội Johann Gudenus đề xuất.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz tuyên bố ông Strache nên từ chức vì đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh nước Aáo.

Sau khi đoạn video được công bố, ông Strache đã từ chức. Mặc dù Thủ tướng Kurz không trực tiếp đưa ra yêu cầu ông Strache từ chức nhưng phát biểu ngay sau đó đã thể hiện quan điểm của ông là không muốn Strache và những người liên quan tiếp tục tại vị trong Chính phủ Áo, cho rằng họ đã làm hoen ố hình ảnh của nước Áo. Bản thân ông Strache trong phát biểu từ chức đã thừa nhận hành động của mình là “ngu ngốc, vô trách nhiệm và là một sai lầm”.

Hai tờ báo Der Spiegel và Suddeutsche Zeitung cho biết, đoạn video được thực hiện có tính toán kỹ lưỡng hơn là một vụ việc ngẫu nhiên và việc công bố đoạn video vào thời điểm này cũng mang động cơ chính trị nhằm vào đảng FPO. Hai tờ báo không tiết lộ ai đã thực hiện đoạn video để bảo vệ nguồn tin nhưng cho biết nó được thực hiện vào tháng 7-2017, thời điểm tranh cử tại Áo. Khi tiếp nhận, hai tờ báo đã thuê phiên dịch tiếng Nga và chuyên gia công nghệ thông tin để thẩm định tính chân thực trước khi công bố.

Trong tuyên bố từ chức hôm 18-5, ông Strache cho rằng đoạn video là “một cái bẫy mỹ nhân kế được đạo diễn bởi các cơ quan tình báo” nhưng đồng thời ông cũng bóng gió ám chỉ có bàn tay của người Israel có sự câu kết của đảng Dân chủ Xã hội (SPO).

FPO được thành lập vào cuối Thế chiến II bởi hai cựu thành viên Đức Quốc xã. Năm 2000, đảng này từng trở thành đảng cực hữu đầu tiên tham gia thành phần chính phủ ở châu Âu. FPO thăng tiến vượt bậc tại cuộc bầu cử năm 2017, giành vị trí thứ ba sau hai đảng lớn là OVP và SPO. FPO lại bắt tay với OVP hình thành chính phủ liên hiệp, trong đó người của FPO được giao một số vị trí quan trọng như Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao.

Ông Heinz-Christian Strache.

Về đối ngoại, nước Áo nói chung thường tự xem mình là “cầu nối” giữa hai cực chính trị Đông và Tây, trong đó Vienne có quan hệ thân thiết với nước Nga. Dưới sự dẫn dắt của ông Strache, FPO đặc biệt thúc đẩy quan hệ hữu nghị với nước Nga. Bộ trưởng Ngoại giao Karin Kneissl đã mời Tổng thống Nga Vladimir Putin đến dự đám cưới của bà vào tháng 8-2018 và tại đó bà thậm chí đã khiêu vũ với ông. Sự kiện đó từng khiến giới chính trị EU phát “sốt” vì nó phát đi tín hiệu trái ngược với chính sách của EU đối với nước Nga.

FPO là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới các đảng cực hữu dân túy ở châu Âu, dẫn đầu là đảng Liên đoàn phương Bắc của Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini, cùng với các đảng cực hữu lừng danh khác như đảng Dân tộc của bà Marine Le Pen (Pháp) và AfD ở Đức.

Trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu trong 2 ngày 25 và 26-5, giới chính trị trung và tả ở châu lục này rất lo lắng với việc các đảng cực hữu dân túy liên minh với nhau tạo ra sức mạnh rất đáng kể, có thể giành tỉ lệ phiếu cao trong Nghị viện châu Âu. Vì vậy, vụ việc đoạn video “bê bối Ibiza” được xem là một cơ hội để họ công kích các đảng cực hữu dân túy.

Giới quan sát khá ngạc nhiên khi ông Strache lại có khuynh hướng tham nhũng, hối lộ trong khi các đảng cực hữu cấm kỵ điều này. Mặc dù Strache không thừa nhận mình làm gì phi pháp nhưng đoạn video như một liều thuốc độc đối với các đảng cực hữu trong giai đoạn nước rút trước bầu cử.

Các lãnh đạo chính trị trung tả khắp châu Âu ngay lập tức bày tỏ hy vọng sự sụp đổ của Strache tạo nên những đợt sóng lan ra ngoài biên giới nước Áo, đồng thời lên tiếng cảnh báo các đảng chính trị bảo thủ ở châu Âu “thận trọng” trong việc hợp tác với các đảng cực hữu dân túy. Đây có vẻ là đòn thế chính trị trong kỳ bầu cử hơn là lời cảnh báo thật sự vì nó cũng chẳng giúp giải quyết được gì.

Vài giờ sau khi Phó Thủ tướng Strache từ chức, Thủ tướng Kurz đã tuyên bố tổ chức bầu cử sớm. Tổng thống Áo Alexander Van de Bellen đề xuất cuộc bầu cử nên được tổ chức vào tháng 9 năm nay. Vấn đề còn lại là ông Kurz phải thành lập chính phủ lâm thời để điều hành đất nước từ nay cho đến ngày bầu cử.

Trong khi đó, các đảng phái đối lập yêu cầu chính phủ mở một cuộc điều tra và đòi Bộ trưởng Nội vụ Herbert Kickl rời khỏi chức vụ để cuộc điều tra được diễn ra một cách khách quan, trung thực. Để xoa dịu dư luận và các chính đảng đối lập, Thủ tướng Kurz có thể sẽ chọn những nhà kỹ trị để thành lập chính phủ lâm thời.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=997
Quay lên trên