Những thông tin mới tiết lộ trên báo chí đã cung cấp thêm cái nhìn chi tiết hơn về việc 3 hoàng tử lưu vong có quan điểm chống đối Chính phủ Hoàng gia Arập Xêút bị bắt cóc đưa về nước rồi sau đó bặt vô âm tín.
Cả ba vị hoàng tử này đều tham gia vào guồng máy chính quyền hoàng gia hiện tại trước khi lưu vong ở nước ngoài. Họ đã tham gia vào các hoạt động chính trị chống chính phủ Riyadh một cách ôn hòa, sau đó bị bắt cóc đưa về nước trong hoảng thời gian từ tháng 9-2015 đến tháng 2-2016. Câu chuyện của 3 vị hoàng tử này đã được đưa vào một phim tài liệu trong chương trình tiếng Arập của Đài BBC phát sóng hồi tháng 8-2017.
Người lớn tuổi và có địa vị cao nhất là Hoàng tử Sultan bin Turki, bị bắt cóc ngày 1-2-2016 cùng đoàn tùy tùng gồm 20 người, trong đó có nhiều người phương Tây. Vào thời điểm bị bắt cóc, Hoàng tử Saultan đang theo đuổi vụ kiện tại tòa án Thụy Sĩ, trong đó ông kiện Chính phủ Hoàng gia Arập Xêút vì một vụ “bắt cóc” khác xảy ra vào năm 2003, đưa ông từ châu Âu về nước “trái với ý muốn” của ông.
Trong đơn kiện, Hoàng tử Sultan cho rằng, vụ bắt cóc đó đã để lại di chứng nghiêm trọng cho sức khỏe của ông. Hồ sơ bệnh án lưu trữ tại Bệnh viện King Faisal ở Riyadh cho biết, vị hoàng tử đã bị đánh thuốc mê và đặt ống thở trước khi đưa lên một chiếc máy bay trực thăng cấp cứu chuyên dùng và bay thẳng từ Geneva về Arập Xêút.
Trước khi bị đánh thuốc mê, Hoàng tử Saultan bị 5 người đàn ông dùng vũ lực để bắt cóc nhưng ông chống trả quá quyết liệt nên họ đã phải dùng phương án đánh thuốc mê để khống chế ông.
Khi vụ kiện đang diễn ra thì một tình huống có tính “gài bẫy” đã dẫn đến vụ bắt cóc thứ hai, diễn ra trên chuyến bay từ Paris đến Cairo ngày 1-2-2016. Hoàng tử Sultan sống lưu vong ở Paris, có kế hoạch đến Cairo để thăm bố, là anh của Vua Salman và hiện đang sống tại Cairo.
Những người trong đoàn tùy tùng trong vụ bắt cóc mới này cho biết, trước khi bay đi Cairo theo kế hoạch, Hoàng tử Sultan nhận được 3 cuộc gọi điện thoại từ Hoàng gia Arập Xêút. Một giọng nói của một vị hoàng thân lớn tuổi trấn an Hoàng tử Sultan rằng “cứ yên tâm, chúng ta sẽ sắp xếp cho Hoàng tử”. Lời trấn an này khiến Hoàng tử yên tâm.
Hoàng tử Sultan bin Turki.
Một người bạn của Hoàng tử Sultan ở Paris cho biết, ông và đoàn tùy tùng đã lên một chiếc máy bay của Hoàng gia Arập Xêút để đi Cairo. “Đó chính là sai lầm khiến Hoàng tử Sultan phải trả giá” - người bạn này nói. Chuyến bay đã không đáp xuống Cairo như dự định ban đầu mà bay thẳng đến Riyadh.
Theo lời kể của một người trong đoàn tùy tùng, Hoàng tử Sultan đã phản ứng quyết liệt với phi hành đoàn bao gồm toàn người của an ninh Arập Xêút. Họ xúm vào khiêng ông xuống máy bay, tống ông vào một chiếc ôtô đặc dụng chờ sẵn. Người ta không còn nhìn thấy ông kể từ đó. Những người phương Tây trong đoàn tùy tùng bị giam 3 ngày rồi được thả ra và đi đâu tùy ý muốn.
Hai hoàng tử khác cũng bị bắt cóc đưa về nước là Hoàng tử Turki bin Bandar bin Mohammed bin Abdurahman al-Saud và Hoàng tử Saud bin Saif al-Nasr bin Saud bin Abdulaziz al-Saud. Hai vị hoàng tử này cũng có quan điểm chống đối Chính phủ Arập Xêút. Hoàng tử Turki bin Bandar trước đây là một sĩ quan cảnh sát. Ông bị thua kiện trong một vụ tranh chấp quyền thừa kế trong nội bộ Hoàng gia dẫn đến việc ông phải đào thoát sang Pháp.
Ở Paris, Hoàng tử Turki nộp đơn xin tị nạn chính trị và vào năm 2009 bắt đầu chiến dịch kêu gọi cải tổ chính trị trong nước. Tháng 3-2011, Hoàng tử Turki xuất hiện trên truyền thông Iran và bắt đầu xuất bản một loạt video trên YouTube mang nội dung chống đối chính quyền Arập Xêút, hứa hẹn sẽ viết một quyển sách “kể hết mọi chuyện” để đưa ra trước công luận những chuyện “thâm cung bí sử” của Hoàng gia Arập Xêút.
Cũng như các vị hoàng tử chống đối khác, Hoàng tử Turki không chủ trương dùng bạo lực mà chủ trương cải cách chính trị ôn hòa. Lần cuối cùng người ta thấy ông xuất bản video tuyên truyền cải cách chính trị Arập Xêút là vào tháng 7-2015. Sau đó thì bị bắt cóc. Vụ bắt cóc Hoàng tử Turki diễn ra cũng ly kỳ như trong điện ảnh Hollywood.
Một đối tác kinh tế chào mời Hoàng tử Turki một thương vụ hấp dẫn ở Morocco, kèm theo lời giới thiệu rằng Morocco đảm bảo “an toàn” để ông đến giao dịch làm ăn. Tin lời “đối tác” này, Hoàng tử Turki đến Morocco, và ông bị nhà chức trách Morocco bắt giao cho chính quyền Arập Xêút. Sau đó thì không ai còn thấy Hoàng tử Turki đâu nữa.
Vị hoàng tử thứ ba Saud bin Saif al-Nasr bin Saud bin Abdulaziz al-Saud bắt đầu chống đối Chính phủ Hoàng gia từ đầu năm 2014. Tháng 3-2014, ông mở một tài khoản cá nhân trên trang Twitter và nhanh chóng khẳng định mình là một nhà phê bình ồn ào, kêu gọi truy tố, xét xử các quan chức Arập Xêút tham gia ủng hộ cuộc đảo chính ở Ai Cập năm 2013 (lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi) và cáo buộc rằng hàng tỉ USD trong số tiền viện trợ của Arập Xêút dành cho Ai Cập đã bị biển thủ trong những năm cuối triều đại cai trị của Vua Abdullah.
Ông công khai kêu gọi phế truất Hoàng thái tử đương nhiệm và Phó Thủ tướng thứ hai của Chính phủ Arập Xêút. Và ngày 5-9-2015, khi một hoàng tử “vô danh” của Hoàng gia Arập Xêút đăng phát một bức thư kêu gọi phế truất vị vua đương triều, thì Hoàng tử Saud là thành viên Hoàng gia duy nhất lên tiếng ủng hộ “sáng kiến” này.
Đó chính là đỉnh điểm của những hành động gây nên “tội” của Hoàng tử Saud. Chỉ vài ngày sau, ngày 9-9-2015, tài khoản Twitter của ông bỗng đột ngột bị khóa, bản thân ông cũng biến mất một cách bí ẩn. Trên các phương tiện truyền thông xuất hiện những lời đồn đoán ông đã bị mật vụ Arập Xêút bắt cóc đưa về nước xử lý.
Theo những người bạn của Hoàng tử Saud, ông bị bắt cóc trong tình huống cũng giống như Hoàng tử Turki: Một tổ hợp kinh tế Nga-Italia cử người đến tiếp cận Hoàng tử Saud để thảo luận việc hợp tác làm ăn. Họ cử một chiếc máy bay riêng đón ông đến dự cuộc họp tại một nơi mà ông nghĩ là Italia. Tuy nhiên, khi chiếc máy bay hạ cánh, ông mới nhận ra rằng mình vừa đáp chuyến bay trở về nước (Arập Xêút) chứ không phải đi Italia.
Các nguồn tin Arập Xêút cho biết, Hoàng tử Saud hiện đang ở trong nước và đang chịu sự quản thúc của Hoàng gia.
Theo CAND