Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng tham dự các Hội nghị cao cấp trong khuôn khổ ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN. (Nguồn: TTXVN)
Trong các ngày 6-7/6, tại Singapore đã diễn ra các Hội nghị quan chức cao cấp trong khuôn khổ ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), với sự tham dự của quan chức cao cấp các nước ASEAN và đối tác.
Các Hội nghị đã tập trung thảo luận tình hình hợp tác trong các khuôn khổ ASEAN+3, EAS và ARF thời gian qua và phương hướng thời gian tới, công tác chuẩn bị cho các Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao dự kiến diễn ra đầu tháng Tám tới, cũng như trao đổi những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng dẫn đầu đã tham dự hội nghị.
Trong thảo luận tại các Hội nghị, các nước đều nhất trí đánh giá hợp tác trong khuôn khổ ASEAN+3, EAS và ARF tiếp tục đạt những kết quả quan trọng.
Với tiến trình ASEAN+3, phát huy đà tiến triển đã đạt nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập (1997-2017), hợp tác đang có những phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính, lương thực, y tế, giáo dục, giao lưu văn hóa và nhân dân…
Trước những biến động trong tình hình kinh tế khu vực và thế giới, các nước nhất trí tiếp tục đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, đặc biệt sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đồng thời nỗ lực triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác hiện có, trong đó có Kế hoạch công tác ASEAN+3 giai đoạn 2018-2022, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên như hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển thương mại điện tử, xây dựng thành phố thông minh…
Về tiến trình Cấp cao Đông Á (EAS), các nước tái khẳng định tầm quan trọng của EAS với vai trò là diễn đàn của các lãnh đạo để đối thoại về những vấn đề chiến lược lớn cùng quan tâm.
Để triển khai thỏa thuận cấp cao, các nước sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác trong những lĩnh vực ưu tiên đã nhất trí như năng lượng, giáo dục, tài chính, y tế, môi trường, ứng phó thiên tai, kết nối…
Đặc biệt, các nước đánh giá cao việc Kế hoạch hành động Manila giai đoạn 2018-2022 được thông qua tháng 4/2018, trong đó bổ sung những lĩnh vực ưu tiên mới như hợp tác biển, và nhất trí bảo đảm triển khai hiệu quả kế hoạch này.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng xem xét một số đề xuất thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như thành phố thông minh, chống khủng bố, ngăn ngừa rác thải nhựa trên biển và an ninh hạt nhân.
Tại Hội nghị Quan chức cao cấp Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), các nước đã thảo luận và đạt nhất trí về nhiều biện pháp xây dựng lòng tin, thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa và tăng cường hợp tác để ứng phó với những thách thức nổi lên, trong đó có an ninh mạng, an ninh biển, khủng bố, cứu trợ thảm họa và thiên tai, an ninh hàng không…
Các biện pháp này sẽ được tổng hợp để đưa vào kế hoạch công tác của ARF trong năm giữa kỳ sắp tới (8/2018-8/2019).
Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, các nước đánh giá cao những tiến triển tích cực gần đây trên Bán đảo Triều Tiên, trong đó có các Hội nghị thượng đỉnh liên Triều; khẳng định ủng hộ hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên; đặc biệt trông đợi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên dự kiến vào ngày 12/6 tới tại Singapore sẽ có kết quả tốt đẹp.
Về tình hình Biển Đông, các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, cho rằng đây là lợi ích chung của tất cả các nước.
Nhiều nước bày tỏ lo ngại trước những diễn biến vừa qua trên thực địa, trong đó có hành động tập trận quy mô lớn, triển khai tên lửa, cho máy bay ném bom diễn tập cất-hạ cánh…, cho rằng những hành động này đã gây phương hại cho hoà bình, ổn định, làm xói mòn lòng tin giữa các nước, ngoài ra còn có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tiến trình thương lượng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Các nước yêu cầu các bên liên quan kiềm chế, không có các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình, không quân sự hoá và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Các nước kêu gọi ASEAN và Trung Quốc tiếp tục cùng nhau bảo đảm thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được COC có ý nghĩa và hữu hiệu.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian trao đổi về những thách thức đang nổi lên ở khu vực, trong đó có nạn di dân bất thường, an ninh mạng, khủng bố và bạo lực cực đoan, biến đổi khí hậu…
Phát biểu tại các Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đề cao tầm quan trọng của các cơ chế hợp tác đối với hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển ở khu vực.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đề nghị các nước tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh hợp tác về kinh tế, thương mại, tài chính, kết nối, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hẹp khoảng cách phát triển, giao lưu văn hóa-nhân dân… cũng như ứng phó với những thách thức nảy sinh; đi đôi với tiến hành những biện pháp nhằm củng cố, cải tiến và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế này.
Về tình hình khu vực và quốc tế, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng lưu ý về những chuyển dịch trong cục diện địa chính trị khu vực đang có những tác động to lớn tới ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, trong đó có các sáng kiến, chiến lược hợp tác khu vực, liên khu vực do một số nước lớn đưa ra.
Trong tình hình đó, ASEAN càng cần phải giữ vững vai trò trung tâm, phối hợp chặt chẽ cùng nhau, phát huy vai trò các cơ chế hiện có để đóng góp cho đối thoại, hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực.
Về vấn đề Biển Đông, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đã chia sẻ về những diễn biến đáng quan ngại trên thực địa, trái với DOC và có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tiến trình thương lượng COC.
Thứ trưởng kêu gọi các bên kiềm chế, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982, không có các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và trái với luật pháp quốc tế, qua đó bảo đảm môi trường thuận lợi cho hoà bình và ổn định ở Biển Đông.
Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với các Trưởng đoàn Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ để trao đổi về những vấn đề cùng quan tâm./.
Theo Vietnam+