Các diễn giả tham dự thảo luận. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Trước thềm Diễn đàn Kinh tế thế giới ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018), ngày 21/8, Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức Hội thảo "ASEAN 4.0: Phát huy tinh thần doanh nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0."
Hội thảo có sự tham dự của Đại sứ, đại diện Đại sứ quán các nước tại Hà Nội, đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế hàng đầu và lãnh đạo một số doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đi đầu trong phát triển công nghệ cao.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi sâu sắc nhiều mặt của đời sống xã hội.
Đánh giá đúng tầm vóc và nhận thức được tác động của cuộc cách mạng này đối với mỗi nền kinh tế, mỗi tổ chức và mỗi người dân là điều rất quan trọng.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị cũ và mô hình kinh doanh cũ. Những quốc gia đang phát triển như các nước ASEAN nếu tạo dựng được môi trường thuận lợi cho cái mới nảy nở và lan tỏa, khuyến khích mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới đến từ đổi mới sáng tạo, hoàn toàn có cơ hội phát triển nhanh, bền vững và bao trùm hơn trong Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra những cơ hội phát triển đầy hứa hẹn, song cũng đặt ra nhiều thách thức. Tự động hóa sâu rộng, thay đổi mô hình kinh doanh gây xáo trộn, chuyển dịch thay thế lao động quy mô lớn, nhất là trong các ngành thâm dụng lao động, đặt ra yêu cầu cấp bách đối với giáo dục, đào tạo nghề ở nhiều nước ASEAN.
Để thích ứng và phát triển thịnh vượng trong một thế giới đang chuyển động nhanh dưới tác động của công nghệ mới, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng từng Chính phủ của ASEAN và doanh nghiệp các nước ASEAN cần phát huy tự cường tìm các hướng đi và giải pháp mới như Singapore đã đưa ra sáng kiến quốc gia thông minh, Indonesia có chính sách phát triển các vườn ươm công nghệ, Thái Lan có tầm nhìn Thái Lan 4.0...
Việt Nam đang nỗ lực hướng tới tăng tưởng bền vững trên cơ sở nâng cao chất lượng tăng trưởng và tranh thủ thời cơ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh nhằm tiến lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam đang quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, chấn hưng giáo dục, phát huy tinh thần khởi nghiệp, khả năng sáng tạo, sự năng động của cả quốc gia.
Tại Phiên thảo luận, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi cho biết Chính phủ Indonesia đã đưa ra sáng kiến phát triển Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tập trung vào các lĩnh vực chủ chốt, tận dụng công nghệ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư áp dụng với một số ngành như: dệt may, ôtô, điện tử, hóa học, nông nghiệp...
Theo Đại sứ Ibnu Hadi, hiện nay, cả Indonesia và ASEAN tiến tới Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có cả cơ hội và thách thức, do đó các chính phủ cần xây dựng, đưa ra những chính sách phù hợp, tiếp theo là giáo dục và đào tạo để chuẩn bị cho thời đại mới cần có nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, Cộng đồng ASEAN là thị trường thống nhất, cần phải có sự hợp tác điều phối tương đồng, mang lại lợi ích chung cho các quốc gia.
Đánh giá tác động của cuộc Cách mạng số hóa đối với các doanh nghiệp ASEAN, ông Dennis Brunetti, Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho rằng cần thiết phải có cơ chế kết nối cho tất cả mọi người. Việt Nam phải có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Việt Nam tập trung đầu tư hệ thống viễn thông rộng, ổn định, có cơ sở dữ liệu để số hóa nền kinh tế, phát triển giáo dục, giao thông, kết nối mọi người.
Tại hội thảo, ông Lê Quốc Hữu, Kiến trúc sư trưởng về Smart City, Tập đoàn Viettel cho rằng để phát triển kinh tế số, doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức đầy đủ và đúng đắn về những tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và về Kinh tế số. Cập nhật xu hướng công nghệ mới, thay đổi phương thức quản trị, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, đổi mới sáng tạo trong mô hình tổ chức và cách thức kinh doanh là vấn đề mấu chốt quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.
Các doanh nghiệp cần phải xây dựng Chiến lược chuyển đổi trong 3-5 năm để chuyển dịch dần sang Doanh nghiệp 4.0, xây dựng thế mạnh và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp dựa trên nhân tố đột phá là đổi mới sáng tạo, xây dựng văn hóa kỹ thuật số, tạo không gian sáng tạo...
Nhân dịp này, các đại biểu đã tập trung thảo luận cơ hội, những vấn đề Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cho doanh nghiệp các nước ASEAN, gợi mở các ý tưởng, kiến nghị chính sách về khơi dậy tinh thần doanh nghiệp, nâng cao năng lực thích ứng và tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 của các quốc gia và doanh nghiệp ở các nước ASEAN nhằm nhằm duy trì sự phát triển năng động của các nước ASEAN.
Từ ngày 11-13/9, Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới sẽ đồng tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới ASEAN (WEF ASEAN) 2018 tại Hà Nội. Đây là một trong những sự kiện đối ngoại lớn nhất của Việt Nam trong năm nay, thu hút hơn 1000 đại biểu trong nước và quốc tế.
Với chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4," hội nghị sẽ là nơi thúc đẩy đối thoại, chia sẻ tầm nhìn, ý tưởng, định hướng chính sách liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại ASEAN và trên thế giới./.
Theo Vietnam+