Tiếp chúng tôi trong khuôn viên của trang trại nấm Tấn Hưng, ấp Long Thọ, xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng, bà chủ Nguyễn Thị Minh Tấn (Hai Tấn) nở nụ cười rắn rỏi ở tuổi 71 hào hứng kể về những ngày đầu khởi nghiệp với nghề nấm. Theo lời Bà Tấn, vào những năm 1998, nông thôn Long Hòa nói riêng và huyện Dầu Tiếng nói chung còn khá hoang sơ. Để tìm ra được một mô hình làm kinh tế nông nghiệp hiệu quả là điều khá khó khăn.
Bà Hai Tấn bên những bọc mạt cưa chờ hấp tiệt trùng trước khi cấy meo tạo phôi nấm
Nỗ lực thoát nghèo
Với niềm đam mê làm kinh tế và ý chí vươn lên, bà Tấn khăn gói đi khắp nơi tìm kiếm mô hình làm kinh tế hiệu quả để học tập. Sau chuyến tham quan tới trại nấm ở huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh), bà Hai Tấn về bàn với gia đình thử nghiệm mô hình trồng nấm. Cố gắng gom góp, vay mượn thêm vốn của người thân để nhập 500 phôi giống nấm bào ngư xám về trồng thử. 10 ngày sau khi nhập phôi về, trại nấm bào ngư nhỏ bé của bà Hai Tấn bắt đầu mọc ra những cây nấm đầu tiên.
Dù rất vui khi những phôi nấm có tỷ lệ đậu 100% nhưng bà Hai Tấn vẫn còn một nỗi lo khác đó là phải tìm ra thị trường tiêu thụ. Thời điểm trước năm 2000, người dân còn khá xa lạ với các món ăn từ nấm nên việc chào hàng tương đối khó khăn. Để giải quyết vấn đề, bà Hai Tấn cùng con trai lớn đi chào hàng cho các tiểu thương ở những chợ lớn như Chơn Thành, Dầu Tiếng, Bến Cát. Theo đó, để thuyết phục những tiểu thương bà Hai Tấn nỗ lực tìm tòi những kiến thức về chế biến món ăn từ các loại nấm.
Thời điểm đó, nấm bào ngư xám được bán ra với giá 3.000 đồng/kg, để bán được hàng, bà phải chạy chiếc xe máy mượn của người quen đi 30 - 40km để giao hàng. Những lần giao hàng đầu tiên, bà Hai Tấn phải vừa bán vừa tặng cho tiểu thương ăn thử. Sau khoảng 2 tháng, số lượng hàng mà các tiểu thương đặt mua đã tăng lên gấp 10 lần với mức hàng hóa yêu cầu phải cung ứng hàng ngày ước đạt 150 - 200kg.
Khơi nguồn cảm hứng
Dù rằng tại thời điểm những năm 1998-2000 lợi nhuận từ nghề trồng nấm chưa thật sự cao, nhưng bà Hai Tấn nhận định rằng đây sẽ là một trong những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao trong tương lai. Với suy nghĩ đó, từ những năm đầu khởi nghiệp, bà đã “cử” cậu con trai cả Nguyễn Ngọc Hưng đi học nghề trồng nấm từ các trại nấm lớn ở TP.Hồ Chí Minh. Sau gần nửa năm học thành thạo, Hưng háo hức trở về tiếp tục phụ giúp gia đình đưa trại nấm lên một tầm cao mới với quy mô, số lượng và phương pháp chuyên nghiệp hơn trước.
Sau khi thoát nghèo với mô hình trồng nấm thương phẩm, gia đình bà Hai Tấn đã mở lòng đón tiếp nhiều lượt khách tham quan, học tập về phát triển mô hình này. Bà Hai Tấn cũng được nhiều người biết đến như một tấm gương để noi theo trong việc khởi nghiệp. Đến năm 2005, sau khi tham quan trang trại nấm Tấn Hưng, lãnh đạo huyện Dầu Tiếng đã chỉ đạo thực hiện chương trình hành động giúp người dân thoát nghèo với mô hình trồng nấm. Nhận được sự đề nghị của huyện, trại nấm Tấn Hưng đẩy mạnh khâu nghiên cứu, phát triển khâu tạo phôi nấm và hoàn thiện tài liệu hướng dẫn trồng các loại nấm linh chi, bào ngư, nấm mèo… để chuyển giao cho bà con nông dân.
Đến năm 2006, khi số lượng khách hàng đặt mua phôi nấm các loại tăng cao, bà Hai Tấn quyết định giảm dần quy mô trồng nấm thương phẩm và tập trung tối đa nguồn lực vào khâu sản xuất, cung ứng phôi nấm. Trao đổi với chúng tôi, bà Hai Tấn cho biết, bà rất vui khi nhìn thấy thị trường nấm phát triển mạnh. Vui hơn nữa là những người nông dân vốn kham khổ với nghề nông truyền thống hiệu quả thấp nay đã có thêm một nghề mới với mức thu nhập tương đối cao. Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng hiện số lượng phôi nấm mà trại nấm Tấn Hưng bán ra trung bình hàng tháng vẫn đạt trên 100.000 phôi với mức giá bán ra trung bình từ 3.400 - 3.600 đồng/phôi. Đây có lẽ là con số biết nói để minh chứng cho sự đổi thay, phát triển của nghề trồng nấm.
Mỗi phôi nấm khi mua về, những người trồng nấm chỉ việc canh thời gian để tưới nước, mở nắp và đóng nắp theo chu kỳ ra nấm của phôi. Sau từ 4 - 6 tháng thu hoạch liên tục, mỗi 1.000 phôi nấm mang về lợi nhuận ước tính khoảng 10 - 12 triệu đồng. Theo thời giá bán sỉ nấm bào ngư xám trên thị trường hiện nay khoảng 40.000 đồng/kg và giá bán lẻ khoảng 60.000 đồng/kg. Một gia đình nông dân nếu trồng 10.000 phôi (quy mô trung bình của một nhà nấm đơn) sẽ thu về ước lượng 100 - 120 triệu đồng sau 6 tháng.
ĐÌNH THẮNG