Bác sĩ Trương Hữu Khanh: "2 vạch" nhưng có triệu chứng lạ, đừng quên bệnh khác

Cập nhật: 01-04-2022 | 08:27:29

Omicron gây ra những triệu chứng giống bệnh cảm thông thường, nhất là ở người đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, song cũng có khả năng khi đang mắc Covid-19 thì bệnh nền "trỗi dậy" hoặc vô tình mắc thêm một bệnh khác cùng lúc.

Hiện nay, những bệnh nhân mắc Covid-19 nhẹ nhưng phải nhập viện vì bệnh nền chiếm tỉ lệ lớn. Vì vậy, kiểm soát tốt bệnh nền trong làn sóng Omicron này rất quan trọng để có thể vượt qua giai đoạn F0.

Lời khuyên dành cho người có bệnh nền, dù cao tuổi hay còn trẻ, là khi phát hiện mình mắc Covid-19 thì nên báo với y tế địa phương và bình tĩnh. Bởi lẽ, người bệnh nền hay không thì đến nay, hầu hết đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đủ mũi rồi.

Sau khi bác sĩ đánh giá sức khỏe, người bệnh nền thường được cấp thuốc kháng virus Molnupiravir. Thuốc được cấp thì nên uống, không nên sợ ảnh hưởng đến bệnh nền. Thậm chí, người càng có bệnh nền càng nên uống thuốc này để giảm nguy cơ phải nhập viện.

Thường thì người uống Molnupiravir sẽ "bị hành" khoảng 3 liều đầu (1,5 ngày đầu) vì thuốc kháng virus là vậy, ai cũng gặp chứ không riêng gì người bệnh nền. Sau đó, khi cơ thể quen thuốc, dung nạp tốt là hết tình trạng này. "Bị hành" cũng chỉ là cảm giác đầy bụng, hơi biếng ăn.

Bệnh nhân phải duy trì nghiêm ngặt thuốc điều trị bệnh nền đang uống. Các thuốc này không ảnh hưởng xấu tới bệnh Covid-19, cũng không tương tác bất lợi với Molnupiravir. Ngược lại, ngưng thuốc thì mới dễ trở nặng cả bệnh nền lẫn Covid-19, mới dễ nhập viện.

Triệu chứng của người mắc Covid-19 biến chủng Omicron là những triệu chứng bệnh hô hấp thông thường, giống như cảm. Vì vậy, nếu thấy có triệu chứng gì khác lạ, nhất là giống với những lần trước bệnh nền "trỗi dậy", thì phải đi khám ngay, tuyệt đối không chờ hết Covid-19 mới đi khám bệnh nền.

Ngoài ra, việc "mắc cùng lúc 2 bệnh" còn có thể là vừa mắc Covid-19 vừa "xui xẻo" mắc thêm một bệnh nhiễm khác. Ví dụ, ở trẻ con đã có những trường hợp vừa mắc Covid-19 vừa bị sốt xuất huyết.

Sốt ở người mắc Omicron thường rất mau hết, trong khoảng 36 giờ đầu, dù có sốt cao. Nếu thấy sốt cao khó hạ trên 2 ngày thì coi chừng bệnh khác. Những người đã hết sốt mấy ngày, khỏe rồi nhưng tự nhiên sốt cao trở lại thì cũng coi chừng. Nên đi khám bởi bệnh khác đó có khi mới là bệnh nguy hiểm, vì Omicron ở người đã chích ngừa vắc-xin Covid-19 rất nhẹ, ở trẻ con thì càng nhẹ dù chưa chích ngừa.

Tất nhiên, vừa mắc Covid-19 vừa mắc thêm bệnh khác hay bị bệnh nền "hành" thì sẽ mệt hơn. Vì vậy, ngoài vắc-xin ngừa Covid-19, một trong những điều quan trọng để giúp đi qua thời kỳ F0 nhẹ nhàng là kiểm soát tốt bệnh nền, tái khám đúng lịch.

Với trẻ nhỏ, phụ huynh cần cho tiêm đủ các mũi vắc-xin cơ bản, thực hiện các biện pháp phòng sốt xuất huyết tại nhà. Mùa này, trẻ con cũng bắt đầu đối diện bệnh tay chân miệng. Bệnh này cũng phòng ngừa bằng cách rửa tay. Nếu phòng ngừa Covid-19 tốt thì cũng sẽ phòng ngừa luôn được bệnh tay chân miệng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Cố vấn khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1)

Theo NLĐ

Chia sẻ bài viết
Tags
Covid-19

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1288
Quay lên trên