Bài 2: Điểm nhấn thành phố mới Bình Dương

Cập nhật: 31-10-2012 | 00:00:00

Bài 1: Hiệu quả bước đầu của công trình ích nước lợi dân

Bài 2: Điểm nhấn thành phố mới Bình Dương

Nằm ở vị trí trung tâm Khu Liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị, thành phố mới Bình Dương (TPM) với quy mô 1.000 ha đang được xây dựng nhằm phục vụ tiến trình phát triển công nghiệp bền vững của tỉnh. Sau 2 năm khởi công, đến nay TPM đã hoàn thành nhiều hạng mục công trình tạo lực và bước đầu cho thấy, đây là điểm nhấn quan trọng góp phần tạo nên diện mạo cho một thành phố hiện đại...

Bóng dáng một đô thị hiện đại

Được Chính phủ phê duyệt để trở thành một khu đô thị văn minh, hiện đại, TPM bao gồm các hạng mục: Trung tâm chính trị - hành chính tập trung; Trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế; khu công nghệ kỹ thuật cao Mapletree (Singapore); trường Đại học Quốc tế Miền Đông; trường Quốc tế do Tập đoàn giáo dục Kinderworld đầu tư; trung tâm thương mại - tài chính - ngân hàng, văn phòng làm việc loại A, khu ở cao cấp (các loại căn hộ, phố liên kế, biệt thự sinh thái)... nhằm phục vụ cho 125.000 người định cư và hơn 400.000 người thường xuyên đến làm việc. Theo lãnh đạo tỉnh, đây là công trình trọng điểm trong thời kỳ đổi mới, đáp ứng nguyện vọng của chính quyền và nhân dân trong tỉnh, góp phần đưa Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020.  

Bộ trưởng Bộ Quản lý Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản Hata Yuichiro đánh giá cao TPM khi được tận mắt nhìn thấy

Đến nay, TPM đang dần hiện hữu với hàng loạt các công trình đã được đưa vào sử dụng, giúp bộ mặt đô thị của Bình Dương thay đổi từng ngày. Trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) được xem là bước đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của Bình Dương đã đi vào hoạt động năm thứ 2; trường Quốc tế do Tập đoàn giáo dục Kinderworld đầu tư cũng đã hoàn thành đang phát huy hiệu quả. Kế đó, trường TH, THCS & THPT Ngô Thời Nhiệm, thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực giáo dục cũng đã đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, Trung tâm hội nghị, công viên hồ nước và Trung tâm thể thao đạt chuẩn quốc tế cũng đã hoạt động phục vụ người dân. Các dự án bất động sản như căn hộ cao cấp dành cho chuyên gia IJC Aroma, Phố thương mại Gold Town đã hoàn thành và được bàn giao cho khách hàng; dự án Đông Đô Đại Phố đang đón những công dân đầu tiên; dự án Sunflower Villas đang thu hút khách hàng... Ngoài ra, các dự án thành phần như căn hộ cao tầng, phố thương mại, biệt thự sinh thái, trung tâm tài chính ngân hàng, văn phòng thương mại, công nghệ thông tin, khách sạn, nhà hàng, siêu thị cao cấp... cũng đang được đồng loạt xây dựng khẩn trương.

Mới đây, Tập đoàn Tokyu Nhật Bản cũng đã tiến hành khởi công xây dựng khu đô thị quy mô với tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD. Ông Toshiaki Koshimura, Chủ tịch Tập đoàn Tokyu, cho biết: “Vận dụng những kinh nghiệm mà tập đoàn đã đúc kết được trong suốt thời gian 60 năm về lĩnh vực phát triển đô thị, chúng tôi sẽ rút ngắn được thời gian và góp phần cho TPM phát triển để trở thành một trung tâm đô thị tuyệt vời”.

Đột phá từ tòa nhà trung tâm

Nổi bật tại TPM là công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính tập trung của tỉnh. Dự án có quy mô xây dựng trên diện tích 20 ha với kiến trúc hiện đại, thân thiện với môi trường do Tập đoàn thiết kế CPG (Singapore) thực hiện và được Hội đồng kiến trúc sư Việt Nam bình chọn đã được khởi công xây dựng vào cuối năm 2010. Trung tâm Chính trị - Hành chính tập trung là nơi làm việc của các cơ quan Đảng, chính quyền tỉnh, là đỉnh cao của bước đột phá trong công cuộc cải cách hành chính, tiến tới một nền hành chính minh bạch, nhanh chóng và hiện đại. Đây sẽ là nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ cho các hoạt động kinh tế, giao lưu quốc tế ở trình độ cao. Hiện nay, Trung tâm Chính trị - Hành chính đang được đẩy nhanh tiến độ để đưa vào hoạt động trong năm 2014.

Trong tổng thể, toàn cảnh trung tâm là những văn phòng liên hoàn, bao gồm: Tòa nhà trung tâm cao 21 tầng và 2 tầng hầm đậu xe, các cơ quan trực thuộc Trung ương gồm 6 công trình riêng biệt có chiều cao 4 - 5 tầng, nhà khách cao 4 tầng, trung tâm hội nghị cao 3 tầng... với tổng diện tích sàn 242.000m2. Nằm chính giữa trung tâm khu phức hợp mang tính tiêu điểm là tòa nhà trung tâm, nơi làm việc của các cơ quan Đảng, chính quyền và các cơ quan của tỉnh được bố trí khoa học như Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Bảo hiểm xã hội, Cục Thống kê, Cục Thuế... Nói về tòa nhà này, ông Lye Kuan Loy - CEO của Tập đoàn CPG, cho biết: “Chúng tôi thật sự ấn tượng bởi tầm nhìn và sự sáng tạo của lãnh đạo tỉnh Bình Dương về nơi làm việc hiện đại và hiệu quả của chính quyền để phục vụ nhân dân. Đây là công trình tiêu biểu nằm trong trung tâm TPM, một mô hình kiểu mẫu cho các ý tưởng, thiết kế mới với công nghệ tiên tiến, qua đó phản ánh mong muốn của Bình Dương trong việc thu hút và khuyến khích các loại hình dịch vụ mới, cũng như các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

Có thể nói, TPM là công trình tầm cỡ của đất nước hiện nay, không chỉ tạo ra diện mạo mới cho thành phố Bình Dương trong tương lai mà còn là điểm nhấn đô thị quan trọng góp phần thúc đẩy chung vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo hướng gắn kết công nghiệp với đô thị. Nhận xét về TPM, Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn, nói: “Đây là công trình được quy hoạch bài bản, khi hoàn thành chắc chắn sẽ là điểm nhấn cho trung tâm công nghiệp - đô thị hiện đại của cả khu vực”.

Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Becamex IDC Nguyễn Văn Hùng:

Xây dựng TPM là nhằm đáp ứng cho mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững của tỉnh. Trung bình hàng năm, Bình Dương tăng trưởng công nghiệp từ 30 - 40%; tăng trưởng GDP cũng rất cao, bình quân trên 15%, nên nhu cầu tiếp tục đáp ứng cho một giai đoạn mới về phát triển công nghiệp cũng như phát triển kinh tế thì cần phải xây dựng trung tâm TPM này. TPM có vị trí chiến lược quan trọng, nằm ở trung tâm những trục vành đai của TP.HCM, trên trung tâm trục nối liền phía nam và phía bắc Bình Dương để phát triển công nghiệp trong tương lai; xa hơn nữa là đóng góp quan trọng để thúc đẩy chung vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục phát triển.

Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam:

Quan sát thực tế, TPM Bình Dương được xây dựng trên cơ sở ý tưởng kiến trúc hiện đại, thân thiện với môi trường. Đây là công trình lớn và được quy hoạch bài bản, khi hoàn thành chắc chắn sẽ là trung tâm công nghiệp - đô thị hiện đại và tiện ích, tạo thuận lợi cho tỉnh chào đón các loại hình dịch vụ công nghệ cao và quảng bá thương hiệu Bình Dương hiệu quả hơn. Rút tỉa được kinh nghiệm ở nhiều nơi, nhiều nước, Bình Dương xây dựng đô thị hiện đại theo lối mở, tạo sự dễ gần và thoải mái cho người dân sinh sống.

Ông Kwek Su Ngi, đại diện Ban Quản lý kiến trúc và xây dựng TPM:

Nằm trong TPM, Trung tâm Chính trị - Hành chính tập trung Bình Dương lần đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam trên cơ sở ý tưởng kiến trúc hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường; được thiết kế theo lối mở, tạo sự dễ gần, thoải mái cho người dân. Tại đây, hội trường tiếp khách quốc tế, phòng họp của tỉnh đều được bố trí trên cao của các tòa nhà với tầm nhìn thông thoáng, bao quát trung tâm thành phố, kiến tạo cho khách giây phút thư giãn, suy ngẫm về một thành phố Bình Dương thân thiện và tươi đẹp. Bên cạnh đó, khu vực tiếp dân, nhận trả hồ sơ của các ban ngành đều được thiết kế thân thiện và tiện lợi cho người dân...

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=296
Quay lên trên