Tham gia bảo hiểm nông nghiệp: Mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi

Cập nhật: 31-10-2012 | 00:00:00

Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) là một trong những chính sách có ý nghĩa thiết thực đối với sản xuất nông nghiệp của nông dân (ND). Tham gia BHNN mang lại nhiều lợi ích cho ND, đặc biệt là đối với người chăn nuôi. Tuy nhiên, qua hơn 1 năm thực hiện, Bình Dương vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận động ND tham gia BHNN. Nguyên nhân do đâu?

  Kết quả chưa cao

Tại Bình Dương, bò sữa và con heo là 2 đối tượng vật nuôi được chọn thí điểm tham gia BHNN. Ba huyện có nghề chăn nuôi phát triển là Bến Cát, Dầu Tiếng và Tân Uyên được chọn để triển khai thí điểm BHNN. Mỗi huyện chọn ra 3 xã để thực hiện. Ngân sách địa phương hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm cho hộ nghèo, 80% kinh phí cho hộ cận nghèo. Các hộ dân còn lại chỉ đóng 40% chi phí bảo hiểm và các đơn vị doanh nghiệp chỉ phải đóng 80% chi phí. Tuy nhiên, do BHNN còn khá mới mẻ nên công tác triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế. Điều này được thể hiện sau hơn 1 năm triển khai chỉ có 10 hộ dân (8 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo) tham gia chương trình với số lượng vật nuôi là 15 heo nái và 54 heo thịt; tổng số phí bảo hiểm là 11.345.000 đồng.  

Người chăn nuôi sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn khi tham gia BHNN trong thời gian tới

Theo số liệu thống kê, Bình Dương có tổng đàn heo trên 460.000 con, trong đó chăn nuôi nhỏ, lẻ là trên 80.000 con và trang trại là trên 380.000 con; số lượng đàn bò sữa là trên 2.000 con.

 

Khó khăn của việc triển khai thực hiện BHNN tại Bình Dương có thể dễ dàng nhận thấy là trong năm qua người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn về giá, doanh thu không bù đắp được chi phí nên người chăn nuôi chưa mấy mặn mà với BHNN. Một đặc điểm nữa là trong thời gian đầu các sản phẩm BHNN do Bộ Tài chính ban hành vẫn chưa sát với nhu cầu thực tế sản xuất chăn nuôi của người ND nên số lượng người tham gia thí điểm BHNN chưa cao. Bên cạnh đó, người ND vẫn chưa xác định được quyền lợi khi tham gia bảo hiểm. Còn với các trang trại chăn nuôi lớn, do chi phí đầu tư xây dựng chuồng trại theo mô hình trại lạnh cao nên bắt buộc họ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh nên khả năng xảy ra dịch bệnh tại các trang trại này là rất thấp. Với tâm lý “an toàn” như vậy, các chủ trang trại chăn nuôi không mấy quan tâm đến vấn đề bảo hiểm cho đàn gia súc đang nuôi.

Cùng với những khó khăn nói trên, chương trình BHNN còn gặp khó khăn do Quyết định 62/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Để hỗ trợ người chăn nuôi, trước đó UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định 62/QĐ-UBND về định mức kinh phí hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Theo quyết định này, người chăn nuôi sẽ được hỗ trợ 38.000 đồng/kg hơi đối với heo; 45.000 đồng/kg đối với trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai khi phải tiêu hủy do dịch bệnh, nên ND không cần tham gia BHNN vẫn được hỗ trợ khi buộc phải tiêu hủy vật nuôi. Điều này vô tình làm hạn chế việc triển khai thực hiện BHNN.

Gỡ khó cho BHNN

Để khuyến khích ND tham gia BHNN, mới đây, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã ban hành các văn bản hướng dẫn, bổ sung, sửa đổi Quy tắc bảo hiểm, biểu phí bảo hiểm và mức trách nhiệm bảo hiểm rõ ràng, nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho ND khi tham gia mô hình này. Cụ thể, trong lĩnh vực chăn nuôi, các bệnh được tham gia BHNN được mở rộng hơn. Với trâu, bò có 3 bệnh là lở mồm long móng, tụ huyết trùng và nhiệt thán. Với heo có 6 bệnh là lở mồm long móng, tai xanh, đóng dấu, phó thương hàn, tụ huyết trùng, dịch tả. Với gia cầm có 4 bệnh là cúm gia cầm, niuatxơn, dịch tả vịt, gumboro. Đối tượng vật nuôi tham gia bảo hiểm cũng được mở rộng gồm trâu, bò, bò sữa, heo thịt, heo nái, heo đực giống, gà thịt và gà đẻ.

Về mức phí bảo hiểm, đối tượng vật nuôi được giảm mức phí từ 5% đến 50% (áp dụng cụ thể với từng đối tượng được bảo hiểm). Bỏ quy định về điều kiện số lượng vật nuôi tham gia bảo hiểm nhằm tạo điều kiện cho tất cả các hộ ND, cá nhân chăn nuôi trâu, bò, heo, gia cầm đều được tham gia BHNN khi có nhu cầu. Bỏ quy định về mức miễn thường không khấu trừ đối với rủi ro dịch bệnh (10%) nhằm tạo điều kiện cho người tham gia bảo hiểm khi xảy ra thiệt hại về vật nuôi do thiên tai, dịch bệnh gây ra và thuộc phạm vi bảo hiểm đều được xem xét, giải quyết bồi thường. Đối với bò sữa, số tiền bảo hiểm mới là 60 triệu đồng thay cho mức 35 triệu đồng như quy định trước đây. Về tỷ lệ phí bảo hiểm vật nuôi, điều chỉnh giảm phí bảo hiểm đối với tất cả các vật nuôi. Cụ thể đối với trâu, bò là 3,6%/ năm; heo nái, heo đực giống là 4%/năm; heo thịt 2,5%/chu kỳ nuôi; gà thịt, vịt thịt 3%/chu kỳ nuôi; gà đẻ, vịt đẻ 4%/năm.

Cùng với những sửa đổi nói trên, để hạn chế tâm lý “ỷ lại” vào Quyết định 62/QĐ-UBND của ND, cần lồng ghép cả 2 chính sách để thực hiện hiệu quả hơn. Với sự quyết tâm của các ngành, các cấp hy vọng việc thực hiện thí điểm BHNN tại Bình Dương trong thời gian tới sẽ khởi sắc hơn và người ND sẽ được lợi hơn khi tham gia BHNN.

 CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=321
Quay lên trên