Bài tập thở để phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Cập nhật: 30-11-2021 | 09:22:52

Trong nội dung này, chúng tôi xin giới thiệu cách tập thở để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của bác sĩ Quách Trung Nguyên (Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh).

Lựa chọn các phương pháp tập thở theo y học cổ truyền phù hợp nhằm tăng thông khí phổi. Thở bụng: Thở theo nhịp điệu “êm, nhẹ, đều, chậm, sâu, dài”. Êm, nhẹ có nghĩa là không khí qua mũi vào phổi, từ phổi ra ngoài một cách nhẹ nhàng, người đứng bên không nghe thấy hơi thở, bản thân cũng không nghe thấy hơi thở của mình.

Đều có nghĩa là: Thở theo một nhịp điệu nhất định từ lúc tập đến lúc thôi tập luyện ở tư thế, không có hiện tượng lúc nhanh lúc chậm, lúc mạnh lúc yếu, lúc ngắn, lúc dài. Phải dùng ý để điều chỉnh hơi thở cho đạt yêu cầu trên.

Chậm, sâu, dài, có nghĩa là khi hít vào phải sâu, khi thở ra phải dài, tốc độ chậm. Có chậm mới bảo đảm được êm, nhẹ. Khi thở đạt êm đều nhẹ chậm sâu dài rồi, số lần thở trong một phút sẽ giảm xuống còn 6 - 10 lần. Có thể ít hơn nữa tùy theo sức.

Khi thở ra bụng dưới lép xuống, khi hít vào bụng dưới phồng lên. Đây là biểu hiện bên ngoài của thở. Muốn đạt tiêu chuẩn này, vấn đề căn bản là cơ thể dãn cho tốt. Lúc đó các bắp thịt ở bụng mới phồng theo sự thay đổi áp lực ở bụng do vận động của cơ hoành gây nên. Nếu dãn chưa tốt có thể chỉ bụng trên phồng, bụng dưới không động đậy.

Điều cần nhớ và làm cho tốt là mỗi lần tập đều bắt đầu bằng thở dài ra và tóp bụng lại, sau đó mới hít vào để bụng phồng lên. Nếu bắt đầu bằng hít vào cho bụng phồng lên trước sau đó mới thở dài ra để bụng tóp lại thì thường không đạt yêu cầu và ta sẽ lúng túng. Mỗi lần tập 3 - 5 phút, ngày tập 2 - 3 lần.

Phương pháp thở ngực: Sau một thời gian luyện thở, một số người có thể từ thở tự nhiên có điều chỉnh chuyển dần thành thở ngực. Cũng có người cố tập để đạt thở ngực. Tiêu chuẩn của thở ngực là thở theo nhịp điệu “êm, nhẹ, đều, chậm, sâu, dài”. Hít vào ngực nở, bụng lép, thở ra ngực lép, bụng hơi phồng.

Cần chú ý,thở sâu có tác dụng chung là làm tinh thần dễ đi vào yên tĩnh, thông qua sự thay đổi áp lực ở bụng và ngực để xoa bóp nội tạng một cách nhịp nhàng, trong một thời gian tương đối dài làm tăng sức khỏe của nội tạng và cải thiện tuần hoàn trong ổ bụng. Càng làm dãn tốt tinh thần càng yên tĩnh, càng dễ đạt yêu cầu của thở sâu. Do đó vấn đề quan trọng trong luyện thở vẫn là làm dãn tốt và đạt yên tĩnh tốt.

Người bị bệnh đường tiêu hóa, sa nội tạng... đều có thể dùng thở sâu để chữa bệnh. Nếu trong khi tập mà bụng dưới đầy trướng thì tạm nghỉ thở sâu và chuyển sang thở tự nhiên. Khi thở sâu, hết sức tránh gò bó, tránh việc điều khiển các bắp thịt bụng, ngực tham gia vào việc thở, vì như vậy dễ mệt mỏi. Mỗi lần tập 3 - 5 phút, ngày tập 2 - 3 lần.

Ngoài ra, bệnh nhân tự xoa bóp, tập thể dục tùy theo sức của mình, phơi nắng khoảng thời gian từ 8 - 10 giờ, lúc đó có nhiều tia UV làm cho cơ thể tổng hợp VTMD tốt nhất. Bên cạnh đó là uống nhiều nước, ăn đủ chất dinh dưỡng và thường xuyên theo dõi mạch nhiệt độ huyết áp và đặc biệt là chỉ số SPO2.

HƯƠNG CẦN (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên