Bàn giải pháp khai thác lợi thế từ cách mạng công nghiệp 4.0

Cập nhật: 01-11-2017 | 08:21:40

 Để có thể bắt kịp với những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và biến nó thành cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Bình Dương cần đầu tư mạnh vào nguồn lực con người, lực lượng trí thức... Đây là một trong những nội dung được các chuyên gia nhấn mạnh tại hội thảo Vai trò của trí thức tỉnh Bình Dương trong cách mạng công nghiệp 4.0 vừa được Liên hiệp Các hiệp hội khoa học và kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức.

 

 Tại nhà máy Vinamilk Bình Dương, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đã mạnh dạn đưa robot, máy móc tự hành điều khiển toàn bộ quá trình từ nguyên liệu dùng để bao gói tới thành phẩm, giúp kiểm soát tối ưu về chất lượng và bảo đảm chi phí ở mức thấp nhất. Ảnh: THANH HỒNG

 Nhận diện cơ hội và thách thức

Theo các chuyên gia, CMCN 4.0 đang thâm nhập và tác động đến các hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, đời sống xã hội tại Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, tác động của cuộc CMCN 4.0 sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho khách hàng. Chẳng hạn như làm cho các sản phẩm và dịch vụ mới tăng lên mà khách hàng gần như không mất thêm chi phí như đặt taxi, tìm chuyến bay, mua sản phẩm, thanh toán…; tất cả đều được thể hiện từ xa qua internet, thiết bị thông minh...

Thực tế cũng cho thấy, tại Bình Dương, Công ty TNHH Gốm sứ Minh Long I đã ứng dụng công nghệ in 3D vào sản xuất sản phẩm, sử dụng robot tham gia vào quá trình vận hành sản xuất. Một số doanh nghiệp da giày, gỗ, dệt may trên địa bàn tỉnh cũng đang chuyển dịch từ kinh doanh truyền thống sang xuất khẩu trực tuyến để tối ưu hóa hoạt động của doanh nghiệp, hoặc doanh nghiệp thực hiện giao dịch thương mại điện tử… Theo đánh giá của các doanh nghiệp, việc áp dụng công nghệ thông tin - truyền thông vào hoạt động thương mại giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí đầu vào như thời gian, nhân lực, phương tiện di chuyển.

Nói về cơ hội và thách thức đối với trí thức trong lĩnh vực công nghệ sinh học ở Bình Dương, ông Hoàng Ngọc Cương, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ sinh học của trường Đại học Bình Dương cho biết, tại Bình Dương, công nghệ và nguồn nhân lực trí thức là 2 yếu tố then chốt nhất để phát triển mô hình tăng trưởng nội sinh. Khác với yếu tố đầu vào khác (vốn, lao động, đất đai, tài nguyên thiên nhiên) luôn bị ràng buộc bởi trần giới hạn thì 2 yếu tố này có thể tăng lên không bị chặn bởi trần. Do vậy, đây cũng là chìa khóa để cho các quốc gia nắm bắt cơ hội mà cuộc CMCN 4.0 mang đến, từ đó có thể vực dậy nền kinh tế và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Với ý nghĩa này, Bình Dương cần tạo môi trường sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, ưu tiên cho các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật nhằm phát huy tính sáng tạo; hỗ trợ các trường đại học trên địa bàn có đào tạo các chuyên ngành này; hỗ trợ các chính sách kết nối giữa các trường đại học và doanh nghiệp công nghệ cao…

Ông Cương cho rằng, dưới tác động của cuộc CMCN 4.0, một số công việc đơn giản sẽ được tự động hóa và do vậy nguồn nhân lực cần được đào tạo bổ sung những công việc phức tạp hơn. Điều này rất khó thực hiện nếu các cơ sở đào tạo và người học không được tiếp xúc thực tập với các công nghệ hiện đại, trong khi trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều công ty công nghệ cao đầu tư sản xuất… Hiện nay, công nghệ thay đổi với cấp số nhân, do đó nguồn nhân lực trí thức cần được chú trọng bồi dưỡng các kỹ năng nhận thức cấp cao như giải quyết vấn đề, suy luận logic, làm việc theo nhóm và kỹ năng thích nghi nhanh. Trong đó, việc học qua internet với các nguồn tư liệu mở và các khóa học trực tuyến sẽ cập nhật nhanh chóng những công nghệ hiện đại. Ngoài ra, trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) cũng cần được quan tâm đúng mức để nguồn nhân lực sẵn sàng nắm bắt cơ hội dưới tác động của cuộc CMCN 4.0.

Phát huy vai trò trí thức

Sau nhiều năm thực hiện chính sách phát triển công nghiệp, Bình Dương đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hiện nay, trong giai đoạn mới, tỉnh đang đặt ra mục tiêu trở thành thành phố thông minh. Để thực hiện mục tiêu này, Bình Dương đã xây dựng một chương trình hành động khá chi tiết nhằm phát triển 4 yếu tố cốt lõi của thành phố thông minh gồm: Con người, công nghệ, doanh nghiệp và hạ tầng kỹ thuật. Trong 4 yếu tố này, yếu tố con người là trước tiên và trên hết để Bình Dương có thể bắt kịp với những thay đổi của cuộc CMCN 4.0 và biến nó thành cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Rõ ràng, phát triển đội ngũ trí thức đông đảo, cao về chất lượng phải là ưu tiên hàng đầu, là yếu tố quyết định thành bại đối với Bình Dương trong giai đoạn mới. Chính vì vậy, đứng trước cuộc CMCN 4.0, lực lượng trí thức của Bình Dương đóng vai trò rất quan trọng. Theo phân tích của tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường, trong mọi thời kỳ lịch sử phát triển của thế giới cũng như của nước ta, đội ngũ trí thức luôn là lực lượng quyết định trong sáng tạo, truyền bá tri thức - thứ có vai trò vô cùng to lớn trong việc tạo ra giá trị tinh thần cũng như vật chất của nhân loại. Do vậy, đội ngũ trí thức của Bình Dương cần phải tiếp thu và truyền bá tri thức, vì họ có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận sớm nhất, nhiều nhất, nhanh nhất những thông tin xã hội, hiểu biết đầy đủ, rõ ràng của CMCN 4.0. Họ cũng chính là những người nghiên cứu, phân tích để đưa ra dự báo về xu thế phát triển của địa phương mình.

Bên cạnh đó, không chỉ hiểu đúng, truyền đạt lại mà nội dung đội ngũ trí thức cần phải đi đầu trong thực hiện vai trò, nhiệm cụ của mình trong việc thích ứng những tác động của cuộc CMCN 4.0, từ đó vận dụng đưa những thành tựu và phát minh tiên tiến của nước phát triển về địa phương mình, trong đó có chiến lực phát triển thành phố thông minh. Ngoài ra, đội ngũ trí thức cần tham mưu, đề xuất, phản biện một cách độc lập về các chủ trương, chính sách và những biện pháp giải quyết vấn đề của địa phương. Họ phải trực tiếp tham gia và giữ vai trò quan trọng, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Họ cũng chính là người sáng tạo ra các giá trị mới, sản phẩm dịch vụ chất lượng không chỉ phục vụ cho địa phương, cho thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường toàn cầu.

“Từ những yếu tố trên, Bình Dương cần thiết lập và thúc đẩy những chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho trí thức phát huy tối đa khả năng của mình, biến cuộc CMCN 4.0 trở thành cơ hội cho tất cả mọi người”, tiến sĩ Cường khẳng định.

 Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cho biết, trên phương diện vi mô, CMCN 4.0 dẫn đến sự định hình lại các ngành công nghiệp, dịch vụ, do đó mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam chen chân vào các chuỗi giá trị toàn cầu của các ngành công nghiệp, dịch vụ mới. Nắm bắt được thời cơ do CMCN 4.0 mang lại có thể giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách, thậm chí sớm bắt kịp các nền kinh tế tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Ở góc độ vĩ mô, ứng dụng thành công các tiến bộ của CMCN 4.0 sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, ông Thi cho rằng nếu chậm hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư và kinh doanh, tiếp thu ứng dụng công nghệ mới, chuyển dịch cơ cấu, ngành nghề đào tạo đáp ứng yêu cầu của các ngành công nghiệp mới… sẽ dẫn đến nguy cơ Việt Nam “lỡ hẹn” với những cơ hội của cuộc CMCN 4.0 và tụt hậu xa hơn về kinh tế, tiềm lực quốc phòng - an ninh, đặc biệt là chủ quyền số so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1116
Quay lên trên