Ban hành 9 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý biển đảo

Cập nhật: 19-12-2016 | 15:40:15

Âu tàu đảo Song Tử Tây - điểm tựa của ngư dân Trường Sa. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Năm 2016, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã xác định công tác xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm.

Tổng cục đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành chín văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; đồng thời tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật, thông tin, tuyên truyền về biển và hải đảo.

Với vai trò là đầu mối Văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã đề xuất kiện toàn Ban Chỉ đạo; xây dựng Chương trình công tác; chuẩn bị các nội dung phục vụ kỳ họp lần thứ 10 của Ban Chỉ đạo; đôn đốc, theo dõi tiến độ quá trình thực hiện các dự án, nhiệm vụ thuộc Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển đến 2010, tầm nhìn đến 2020 (Đề án 47); tham mưu với Bộ và thực hiện các thủ tục để Bộ cấp phép cho Viện Hóa sinh hữu cơ Thái Bình Dương (Cộng hòa Liên bang Nga) sử dụng Tàu Viện sỹ Oparin và Viện nghiên cứu công nghệ Georgia (Hoa Kỳ) sử dụng Tàu Falkor vào nghiên cứu khoa học tại vùng biển của Việt Nam.

Tổng cục cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương có biển hoàn thành và trình Chính phủ xem xét Đề án Quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2017-2025; xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật về quản lý tổng hợp vùng bờ cho các địa phương có biển; Tổng cục đã tham mưu, trình Bộ ban hành Quyết định về việc công bố Danh mục các điểm có giá trị đặc trưng mực nước triều của vùng ven biển Việt Nam. Đây là cơ sở để tổ chức giao khu vực biển và thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

Về công tác kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, Tổng cục tích cực tổ chức các đoàn quan trắc nước biển xa bờ tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế phục vụ việc đánh giá chất lượng môi trường biển tại các tỉnh nói trên; tổng hợp hiện trạng môi trường biển của các địa phương có biển; xây dựng và triển khai kế hoạch phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển trong công tác bảo vệ môi trường biển; tổ chức đoàn công tác đi khảo sát, nắm bắt tình hình việc chấp hành pháp luật trong quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; hiện trạng môi trường biển tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị.

Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 10/12/2015 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết số 27/2007NQ-CP ngày 30/5/2007 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (Nghị quyết 84), Tổng cục đã thành lập Tổ công tác thực hiện Nghị quyết 84. Đến nay, đang tập trung xây dựng Khung báo cáo để phục vụ xây dựng Báo cáo kết quả thực hiện năm 2016. Dự kiến hoàn thành và trình Bộ trình Chính phủ trong quý 1/2017.

Bên cạnh đó, Tổng cục tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án của Chính phủ giao như Đề án “Tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển đến 2010, tầm nhìn đến 2020” (Đề án 47); Đề án “Hợp tác quốc tế về biển đến năm 2020” (Đề án 80); Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam” (Đề án 373); Chương trình “Thực hiện Tuyên bố chung và Chương trình khung giữa Việt Nam, Campuchia, Thái Lan về hợp tác sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu vùng vịnh Thái Lan” (Chương trình 1278); Kế hoạch “Thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước Cộng hòa Philippines về hợp tác trong lĩnh vực ứng phó sự cố tràn dầu trên biển” (Kế hoạch 1864); Chiến lược “Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (Chiến lược 1570); Chiến lược “Quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030” (Chiến lược 2295)...

Đặc biệt, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã đẩy mạnh cải cách hành chính, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới trong công tác điều hành, tác phong, lề lối làm việc của lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động các đơn vị trực thuộc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển trong năm 2016 và giai đoạn 2016-2020./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=648
Quay lên trên