Bài 4: Báo chí và nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam
Tối 22-1-2013, mặc dù sức khỏe không được tốt nhưng ông Nguyễn Trung Hiếu, nguyên phóng viên chiến trường, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương (BTV) vẫn dành cho chúng tôi cuộc trao đổi ngắn. Ông Hiếu khẳng định: “Vai trò của báo chí và nhân dân thế giới ủng hộ ta cách đây 40 năm là cực kỳ quan trọng, góp phần vào thắng lợi trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris, tiến tới chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.
>> Đấu trí trên bàn đàm phán
>> Cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử
>> Đàm phán Paris là tổng hợp sức mạnh ngoại giao
Nhân dân tiến bộ trên thế giới biểu tình ủng hộ Việt Nam, phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ, góp phần buộc Mỹ đặt bút ký kết Hiệp định Paris
Đại thắng trên “sân nhà”...
Nhớ lại 40 năm trước, khi Mỹ chấp nhận nối lại đàm phán với ta, ông Hiếu kể: Lúc đó, tôi là phóng viên, kiêm trưởng phân xã thông tấn xã (TTX) giải phóng, điện báo viên, kiêm trưởng đài vô tuyến điện thuộc Phân khu 10 nên lúc nào tôi cũng thường trực tại Thủ phủ của CP CMLT CHMNVN ở Lộc Ninh. Thời đó, tôi được trang bị một chiếc máy vô tuyến điện 15W, mỗi lần có sự kiện gì ở chiến trường hay trên mặt trận ngoại giao, binh vận thì tôi trực tiếp đánh lên máy và truyền về phát sóng trên VN TTX (nay là TTXVN) và TTX Giải Phóng (LPA) lúc bấy giờ, cùng lúc đó, tôi điện và truyền trực tiếp cho Đài Tiếng nói VN, Đài Phát thanh Giải Phóng. Đây là những đài phát sóng rất mạnh thời bấy giờ ở khu vực miền Nam và cả khu vực phía Bắc. Tin tức cập nhật hàng ngày về chiến sự, chiến trường, chiến thắng vang dội của quân và dân ta. Chính nhờ sự tác động tích cực của báo chí nên đã cổ vũ mạnh mẽ các phong trào đấu tranh vũ trang, chính trị, ngoại giao, làm lung lay ý chí của quân Mỹ - ngụy lúc bấy giờ.
Nếu so với các đài như: Đài Phát thanh Sài Gòn, UPI, VOA của Mỹ, BBC, Reuters của Anh hay đài AFP của Pháp thì thông tin chiến sự, ngoại giao của ta nhanh hơn nhiều. Đài của ta phát 3 - 4 tiếng đồng hồ rồi thì các đài này mới phát lại sự kiện đó. “Theo tôi, sự nhanh nhạy của thông tin thời đó đã giúp cho đại cuộc trên trận chiến thông tin chúng ta thắng ngay “sân nhà”, góp phần làm nên chiến thắng trên chính trường (cổ vũ đấu tranh chính trị) và chiến trường (cổ vũ đấu tranh vũ trang). Hầu hết binh sĩ Mỹ - ngụy đều nghe đài của ta nên đã bị lung lay ý chí, cách mạng ta đã thu phục nhiều binh sĩ ngụy. Sự kiện phi công Nguyễn Thành Trung là một điển hình cụ thể đã làm cho tình hình Sài Gòn náo loạn, báo chí đưa tin liên tục để kêu gọi binh sĩ ngụy về với cách mạnh”, ông Hiếu nhớ lại.
Còn ở Hà Nội và khu vực phía Bắc thì vai trò báo chí thế nào? Ông Đỗ Phượng, nguyên Phó Tổng biên tập VN TTX lúc bấy giờ (sau này là Tổng Giám đốc TTXVN) cho biết: Thời đó, chúng tôi làm báo có một câu là được 10 nói 10, thua 10 nói 7. Tức là nguyên tắc có tin chiến thắng là đưa, tin về tổn thất có nói nhưng sự thật là chiến thắng làm mờ đau thương, đưa tin tiếng Việt thế nào thì tin đối ngoại thế ấy. Lúc đó, TTX như ngày hội. Anh em đi làm hăng say thật sự và vui lắm, đi hiện trường về, mang ảnh, mang tin, mang tài liệu về và kể chuyện chiến đấu, hy sinh. “Chúng tôi thuận lợi là có nguồn tin nước ngoài, có phóng viên nằm vùng báo tin về sớm và nhanh lắm. Do vậy, cuộc chiến thông tin của chúng ta đã thắng ngay tại “sân nhà”, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu, tăng gia sản xuất, tự lực cánh sinh của quân và dân ta”, ông Đỗ Phượng nói.
…đến sự ủng hộ của thế giới
Chính từ sức mạnh báo chí trong nước đã nhanh chóng lan truyền cuộc chiến đòi hỏi chính nghĩa của người Việt Nam ra nước ngoài. Qua đó tố cáo tội ác cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ gây ra tại Việt Nam. Nhiều nhân chứng cho rằng, chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ của báo chí và nhân dân thế giới. Ngay cả những người dân Mỹ và cả những người trung lập, đối lập cũng ủng hộ Việt Nam kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình. Ông Nguyễn Khắc Huỳnh, nguyên Đại sứ, thành viên đoàn đàm phán CP VNDCCH, khẳng định: “Ở Pháp là điều kiện thuận lợi để báo chí và dư luận thế giới ủng hộ ta. Trong suốt quá trình đàm phán, tất cả các thành viên đoàn đàm phán của ta đều tích cực làm công tác vận động dư luận thế giới thông qua các phương tiện thông tin ở Pháp và các nước khác trên thế giới”.
Nhìn lại toàn cục Hội nghị Paris, có thể khẳng định, con số trên 200 cuộc họp báo của Việt Nam, hàng ngàn cuộc tiếp xúc với bạn bè quốc tế, sự ủng hộ chí tình của Đảng Cộng sản Pháp, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đã giúp cho công tác tuyên truyền cuộc chiến chính nghĩa của Việt Nam thành công trên đấu trường ngoại giao quốc tế. Chính nhờ sự chỉ đạo tài tình của Đảng ta là luôn nêu cao vai trò báo chí, tạo dư luận thế giới ủng hộ ta và cả làn sóng biểu tình chống đối chiến tranh phi nghĩa tại VN trên toàn thế giới lúc bấy giờ đã góp phần vào thắng lợi chung của cuộc đàm phán, buộc Mỹ - ngụy phải đặt bút ký kết Hiệp định Paris kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam.
Bài 5: Tạo thế và lực giải phóng miền Nam
Nhà báo Nguyễn Trung Hiếu, nguyên Giám đốc BTV: “Các anh đưa tin nhanh quá, thế là các anh đã chiến thắng toàn diện”
Sự kiện mà tôi nhớ nhất trong cuộc đời mình của 40 năm trước là thời điểm trao trả tù binh tại sân bay Lộc Ninh. Lúc đó, tôi là phóng viên duy nhất của Việt Nam có mặt. Sau khi truyền trực tiếp bài viết: “Những hình ảnh đáng ghi nhớ tại sân bay Lộc Ninh”, trong đó có vài chi tiết đầy tính chiến đấu và tinh thần chiến thắng của quân và dân ta như: Nụ cười chiến thắng của chị Võ Thị Thắng và các đồng đội, cũng như đồng bào Lộc Ninh chạy ào ào ôm chặt lấy người thân trở về, nước mắt ràn rụa. Trong khi đó, lính Mỹ - ngụy thì cúi đầu. Khoảng 1 tiếng sau, khi bài viết của tôi phát trên sóng Đài Phát thanh Giải Phóng được trực tiếp qua hệ thống loa công cộng của ta thì một trung úy tên Thịnh - PV của chính quyền Sài Gòn cùng đi trên chiếc máy bay này đã đi lại vỗ vai tôi nói: “Các anh đưa tin nhanh quá, thế là các anh đã chiến thắng toàn diện”.
Nhà báo Chu Chí Thành, nguyên phóng viên ảnh TTXVN: Ngày nào cũng có ảnh gửi ra nước ngoài
40 năm trước, ngày nào tôi cũng chụp ảnh chiến đấu và chiến thắng gửi ra nước ngoài theo đường telephoto, tức là radiophoto mà chủ yếu mình gửi sang hãng TASS của Liên Xô cũ và gửi sang hãng thông tấn Cộng hòa Dân chủ Đức. Họ đăng báo bên đấy, đồng thời giới thiệu sang các nước phương Tây khác. Nhiệm vụ chính của báo chí lúc đó là tuyên truyền về chiến đấu và chiến thắng của quân và dân ta. Cũng có một mảng tuyên truyền nữa là tố cáo tội ác của địch, chụp những nơi bị trúng bom, có người dân bị thương, hy sinh để truyền tải lại. Những tấm ảnh này về sau, chúng tôi đã cung cấp cho Ủy ban Điều tra tội ác đế quốc Mỹ ở VN để họ lấy làm tư liệu. Ủy ban này họ có chương trình và phương pháp riêng để đấu tranh ngoại giao.
• HỒ VĂN