Bảo đảm chuỗi cung ứng hàng tết

Cập nhật: 05-01-2022 | 08:46:36

Nhu cầu mua sắm của người dân dịp cuối năm vẫn tăng dù bị ảnh hưởng dịch bệnh. Thời điểm này, nguồn hàng cung ứng tết đã bắt đầu chuyển động nhằm bình ổn thị trường, phục vụ tốt cho nhu cầu của người dân.

 Người dân mua sắm tại Siêu thị Citi Mart Bình Dương

 Nhu cầu tiêu dùng tăng

Tuy có sự ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 nhưng tết là dịp đặc biệt và là văn hóa truyền thống của người Việt, nên nhu cầu mua sắm so với năm 2021 sẽ không giảm. Phân tích của ngành chức năng tỉnh, cho thấy dự kiến nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của khoảng 2,6 triệu người trên địa bàn tỉnh bình quân trong một ngày, bao gồm lương thực 780 tấn, lương thực khác (mì, bún, phở…) 520 tấn, thực phẩm tươi sống 208 tấn, thịt gia cầm 182 tấn, rau củ quả 1.170 tấn... Như vậy nhu cầu tiêu dùng bình quân một ngày khoảng 3.536 tấn, tương đương khoảng 130 tỷ đồng. Nhu cầu tiêu dùng bình quân 7 ngày là 24.752 tấn, tương đương khoảng 910 tỷ đồng…

Như vậy, nhu cầu tiêu dùng thiết yếu trong tháng cuối năm tăng lên khoảng 20 - 30% ở các nhóm ngành hàng. “Dù dịch bệnh xảy ra, thu nhập giảm, khiến nhiều khách hàng có tâm lý dè dặt, thắt chặt chi tiêu, nhưng nhu cầu mua sắm vẫn có xu hướng tăng trong thời gian cuối năm. Chỉ tính riêng trong 2 tuần gần đây đã có rất nhiều sản phẩm thời trang, hàng trang trí gia đình… được bán ra rất nhanh. Tình hình trực quan phản ánh sức mua đã gia tăng trở lại của người tiêu dùng trong quý cuối cùng của năm 2021 và tháng tiếp theo”, ông Phạm Phú Hiển, Giám đốc siêu thị Lotte Mart Bình Dương nhận xét.

Đại diện chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart tại Bình Dương, (Dĩ An, Mỹ Phước) cho biết, với nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng và tâm lý tập trung thu nhập tích lũy trong năm vào việc chi tiêu mua sắm hàng tết của người dân, siêu thị đã dành nguồn tài chính 45 tỷ đồng, tham gia vào việc bình ổn giá và cung ứng hàng tết các mặt hàng thực phẩm. Hiện sức mua đã tăng nhẹ, tập trung vào nhóm mặt hàng quà biếu tết. Vì vậy, siêu thị cam kết bảo đảm đủ hàng hóa cho người dân trong dịp tết.

Bảo đảm khả năng cung ứng

Do nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao, ngành công thương đang triển khai nhanh chương trình bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và ứng phó với dịch bệnh trong giai đoạn “bình thường mới” trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch đề ra. Trong đó, hàng hóa dự trữ bình ổn thị trường phải bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với việc thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Kiểm soát, giữ vững mặt bằng giá các mặt hàng thiết yếu; bảo đảm chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cửa hàng cung ứng và chế biến lương thực thực phẩm phải được vận hành liên tục ổn định trong thời gian từ 1-12 đến hết ngày 1-3-2022, sau đó tiếp tục triển khai trong các tháng còn lại của năm 2022.

Mối quan tâm của người dân hiện nay là giá thịt heo trên thị trường vẫn đang đứng ở mức cao, trên 180.000 đồng/kg. Song theo đánh giá của ngành công thương, Bình Dương có khả năng tự cung cấp khoảng 7.800 tấn/tháng, do đó mặt hàng này được bảo đảm phục vụ nhu cầu người dân và khả năng mức giá bình ổn sẽ tiếp tục giữ vững trong những ngày tới. Cũng theo dự báo của Sở Công thương, ngành đã đề nghị các doanh nghiệp phân phối lớn trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch nhằm đa dạng nguồn cung thịt heo, tham gia thực hiện bình ổn thị trường mặt hàng thịt heo trên địa bàn tỉnh cam kết bảo đảm số lượng và thực hiện bán theo đúng giá bình ổn đã đăng ký thấp hơn thị trường từ 5% - 10 %.

Đối với các mặt hàng khác như thịt trâu, bò có khả năng cung ứng khoảng 2.340 tấn/ tháng, thịt gia cầm 3.750 tấn/ tháng, trứng gia cầm 41.600.000 quả/tháng. Đó là chưa kể đến các mặt hàng khác như rau, củ quả, trái cây… đều được các doanh nghiệp tham gia giữ bình ổn giá thị trường mùa tết, với tổng giá trị hàng hóa dự trữ khoảng 5.671 tỷ đồng (không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh và khẩu trang y tế, thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh, sinh phẩm test nhanh). Với các kế hoạch cung ứng như trên, những doanh nghiệp bán lẻ, tham gia bình ổn giá thị trường năm 2022 cân đối giải pháp và linh hoạt sản xuất kinh doanh, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa, bình ổn giá hàng hóa phục vụ tết năm nay.

 Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh có 64/97 chợ truyền thống, 11/11 siêu thị, 221/221 cửa hàng tiện lợi hoạt động, dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các siêu thị tổng hợp và cửa hàng tiện lợi đang nỗ lực duy trì khả năng cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân. Cùng với đó, hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ đã khởi động các chương trình bình ổn thị trường tết. Hiện, 14 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa tết cũng dành phần lớn kinh phí để dự trữ nhóm hàng bình ổn thị trường gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thực phẩm chế biến thủy hải sản. Đồng thời tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa trong giai đoạn kinh doanh cao điểm này, nhất là nhóm thực phẩm thời vụ mùa tết.

 THANH HỒNG  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên