Nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp (DN), nhà phân phối, các chợ trên địa bàn tỉnh đã chủ động dự trữ nguồn hàng với số lượng lớn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Hàng hóa phong phú
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Công thương đã có kế hoạch cụ thể về công tác bảo đảm hàng hóa và thực hiện bình ổn giá để phục vụ người dân trong mọi tình huống. Theo đó, Sở Công thương đã xây dựng nhiều kịch bản, đồng thời làm việc với các DN đầu mối kinh doanh, thực hiện phương án dự trữ mặt hàng thiết yếu, sẵn sàng cung ứng theo sự điều tiết của cấp có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.
Sở Công thương đề nghị các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các ban quản lý, DN kinh doanh khai thác và quản lý chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh thực hiện hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh về việc bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch bệnh trong giai đoạn mới. Đồng thời Sở Công thương yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác quản lý, nắm tình hình cụ thể, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân, không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Hàng hóa đầy ắp tại các siêu thị, người dân không nên mua sắm ồ ạt, tập trung đông người. Trong ảnh: Người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa tại siêu thị Co.opMart Thủ Dầu Một
Cùng với đó, Sở Công thương cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lýnghiêm theo quy định đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có các hành vi tích trữ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để bán sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm ra thị trường. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Công thương cũng khuyến cáo người dân yên tâm thực hiện phòng, chống dịch, không mua đồ dự trữ với khối lượng lớn gây lãng phí và mất cân đối cung - cầu, tránh tình trạng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Mỗi người dân hãy trở thành người tiêu dùng thông thái để góp phần ổn định thị trường, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo các đơn vị cung ứng hàng hóa trên địa bàn khẳng định đã tăng lượng dự trữ nhằm bảo đảm cung cấp đều đặn với giá cả bình ổn ra thị trường trong tối thiểu 6 tháng tới cho các mặt hàng nhu yếu phẩm, đặc biệt là các mặt hàng chống dịch. Tất cả mặt hàng đã tăng dự trữ gấp 3 - 5 lần so với bình thường. Do đó, người dân có thể yên tâm không bao giờ thiếu hàng hóa trong suốt thời gian giãn cách, phòng chống dịch bệnh. Hàng hóa phong phú. Siêu thị, trung tâm thương mại hoạt động xuyên suốt nên người dân không nên mua sắm dồn dập, tụ tập quá đông sẽ đẩy nguy cơ bệnh dịch lên cao và có thể gây tắc nghẽn các kênh mua sắm.
Lý giải về việc một số mặt hàng rau củ quả tăng trong vài ngày qua, ông Nguyễn Phương Đông, Phó cục Trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết những ngày gần đây do các chợ đầu mối của TP.Hồ Chí Minh tạm ngưng hoạt động, một số mặt hàng rau củ quả tại một số chợ truyền thống bị thiếu hụt, có hiện tượng tăng giá cục bộ. “Qua theo dõi, đánh giá nhu cầu tiêu dùng của người dân, khả năng cung ứng hàng hóa của các hệ thống phân phối trên địa bàn tiếp tục duy trì ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu, không có tình trạng thiếu hụt. Đối với các trường hợp cố tình tăng giá, Cục Quản lý thị trường tỉnh sẽ có những chế tài, xử lý.
Bảo đảm an toàn
Cùng với việc chuẩn bị tốt lượng hàng hóa, các đơn vị cung ứng từ chợ dân sinh đến siêu thị đã nghiêm túc thực hiện quy định phòng tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh trong hoạt động mua bán. Ban quản lý các chợ thông báo, hướng dẫn người dân đi mua sắm thực hiện đúng các quy định, bố trí nhân viên đo thân nhiệt, hướng dẫn người dân sát khuẩn tay khi vào mua sắm, thường xuyên tổ chức dọn dẹp vệ sinh, phun thuốc khử khuẩn các khu vực có nhiều người qua lại. Nhằm hỗ trợ khách hàng thuận tiện mua sắm, đồng thời cùng chống dịch hiệu quả, các siêu thị, cửa hàng còn tăng cường áp dụng chính sách giao hàng tận nơi cho cả khách hàng mua trực tiếp và trực tuyến. Việc nhập hàng hóa cũng được quan tâm, bảo đảm các thủ tục an toàn từ khâu kiểm dịch, vận chuyển…
Về phương thức phân phối hàng hóa, nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp, bảo đảm các biện pháp an toàn trong giao dịch hàng hóa, Sở Công thương đã triển khai đến các quận, huyện tăng cường tuyên truyền vận động người dân sử dụng các phương thức đặt hàng trực tuyến, đặt hàng qua điện thoại…, đồng thời đề nghị các DN phân phối hàng hóa qua kênh thương mại điện tử, đẩy mạnh các hoạt động đặt hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà, thực hiện các biện pháp an toàn trong giao nhận.
TIỂU MY