Với 28 khu công nghiệp, trên 2.000 dự án đầu tư nước ngoài cùng trên 30.000 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, những năm qua đã có hàng trăm ngàn lao động ngoài tỉnh đến Bình Dương lao động và lập nghiệp. Thực tế này vừa tạo ra cơ hội phát triển kinh tế vừa đặt ra không ít khó khăn về kiến tạo hạ tầng, bảo vệ môi trường (BVMT)… cho tỉnh.
Thực hiện đồng bộ
Nhằm bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và BVMT, từ lâu các cấp lãnh đạo tỉnh đã quan tâm đến nhiệm vụ phát triển kinh tế phải đi đôi với BVMT. Cụ thể, trong quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp, UBND tỉnh đều bắt buộc chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp phải có hệ thống thu gom xử lý nước thải riêng biệt và phải thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường như đã được duyệt. Nhờ đó, vấn đề ô nhiễm ở Bình Dương đã được kiểm soát tốt nhờ hệ thống quan trắc tự động hoạt động 24/24 giờ tại các cửa xả thải và những điểm được quản lý, giám sát về môi trường.
Hoạt động tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương. Ảnh: DUY CHÍ
Đối với các địa phương phía Nam của tỉnh như TX.Thuận An, TX.Dĩ An đang phát triển mạnh về dân cư đô thị, nhu cầu thu gom xử lý nước thải sinh hoạt trở nên cấp thiết nhằm bảo đảm chất lượng cuộc sống, sức khỏe cộng đồng và mỹ quan đô thị. Tỉnh đã vận dụng mọi nguồn lực, chủ động tìm kiếm nhà tài trợ và công nghệ hiện đại, đồng thời kiến nghị Chính phủ cho phép địa phương thực hiện dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương. Năm 2002, Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cho phép tỉnh được đầu tư hệ thống thu gom xử lý nước thải sinh hoạt khu vực Nam Bình Dương theo Văn bản số 370/CN-CP ngày 9-4-2002, với 7 nhà máy xử lý nước thải cùng hệ thống thu gom đồng bộ; diện tích thu gom trên 10.000 ha, công suất trên 100.000m3/ ngày - đêm.
Phát huy cách làm hay
Đến thời điểm này, Bình Dương đã triển khai được trên 70% kế hoạch dự án nói trên. Nước thải sinh hoạt được thu gom xử lý đạt tiêu chuẩn loại A theo Quy chuẩn Việt Nam: QCVN 40:2011/BTNMT. Kết quả này đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ chất lượng nguồn nước các dòng sông chạy qua tỉnh Bình Dương như sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. Việc làm này của tỉnh đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan khen ngợi là địa phương thực hiện tốt nhất chương trình BVMT nước lưu vực sông Đồng Nai của quốc gia.
Với tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, dân cư cơ học tăng trưởng nhanh, rác thải công nghiệp, sinh hoạt cũng phát sinh khối lượng lớn và nhanh chóng, lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ xây dựng khu xử lý rác thải tập trung bảo đảm vệ sinh, văn minh, an toàn. Thực hiện cam kết, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương đã ra đời. Công trình được đầu tư đáp ứng yêu cầu về tính khoa học và công nghệ, giải quyết tốt nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài là tiếp nhận tất cả các loại rác trên địa bàn, từ rác thải sinh hoạt đến rác thải công nghiệp, rác thải công nghiệp nguy hại, rác thải y tế…
Rác sau khi tiếp nhận được Khu liên hợp xử lý khoa học với công nghệ tiên tiến và tái chế tối đa, hạn chế chôn lấp nhằm giảm hao phí đất đai cũng như tái ô nhiễm nguồn nước dưới đất. Rác thải sau khi được xử lý sẽ được tái chế thành nhiều sản phẩm hữu ích phục vụ cuộc sống như phân bón hữu cơ sinh học, vật liệu xây dựng, chất đốt… Quy trình xử lý tích cực này đã được các bộ, ngành và các tỉnh, thành bạn đến tham quan, nghiên cứu đều đánh giá cao, là mẫu hình tiên tiến, khép kín, văn minh, rất phù hợp với điều kiện BVMT ở Việt Nam.
DUY CHÍ