Tương Bình Hiệp là một trong những làng nghề sơn mài thủ công truyền thống lâu đời ở TP.Thủ Dầu Một. Mặc dù vậy, hiện số hộ gắn bó với nghề này ngày một ít. Các cấp, các ngành đang có nhiều giải pháp duy trì, phát triển làng nghề này.
Ông Nguyễn Hoàng Thao (giữa), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy vừa đi khảo sát các cơ sở làng nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG
Hộ tham gia sản xuất giảm mạnh
Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp có sự kết hợp tinh hoa văn hóa vùng phía Bắc với thổ nhưỡng, nguyên liệu, lực lượng lao động cần cù, sáng tạo ở phía Nam đất nước, tạo lập nên những sản phẩm mang nét đặc trưng, có tính riêng biệt, được lưu truyền và phát triển thành các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp độc đáo, được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin dùng. Với những giá trị văn hóa quan trọng đó, làng nghề được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo số liệu thống kê, năm 2001 làng nghề có gần 2.000 hộ tham gia sản xuất với gần 4.000 lao động, hiện chỉ còn vài chục cơ sở và doanh nghiệp sản xuất hàng sơn mài, chủ yếu giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi và lớn tuổi tại địa phương.
Ghi nhận cho thấy, cái khó của làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp hiện nay là thế hệ trẻ không còn đam mê với nghề này. Vì vậy, muốn bảo tồn và phát triển làng nghề cần đào tạo lực lượng kế cận, những người trẻ yêu nghề. Ông Trương Quan Tịnh, chủ doanh nghiệp sơn mài Định Hòa, cho rằng các ngành, địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các học viên đang ký học nghề vẽ tranh sơn mài tại trường Trung cấp Mỹ thuật tỉnh; có khu trưng bày sản phẩm sơn mài tại các khu làm việc của cơ quan Nhà nước để thu hút khách hàng…
Theo ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài, điêu khắc Bình Dương, chủ doanh nghiệp sơn mài Tư Bốn, hiện nay các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nhiều mặt như môi trường, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm…Để duy trì và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp cần thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra; có những chính sách ưu đãi riêng để doanh nghiệp phát triển sản xuất, thu hút khách hàng đến tham quan, mua sắm, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.
Sớm thực hiện đề án
Để làng sơn mài không bị mai một, những năm qua tỉnh đã có nhiều hỗ trợ làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp phát triển, như hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, triển khai dự án phát triển du lịch liên kết với phát triển làng sơn mài, hỗ trợ vốn để các cơ sở sản xuất bảo đảm môi trường… Bên cạnh đó, nhằm tôn vinh và quảng bá, tạo cơ hội cho làng nghề tiếp tục phát triển, UBND TP.Thủ Dầu Một đã xây dựng Đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch trên địa bàn thành phố và các vùng lân cận.
Theo đó, đề án tập trung xây dựng các dự án, giải pháp chi tiết về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kết hợp các hoạt động phong phú, đa dạng của ngành du lịch. Đề án hỗ trợ tạo sự gắn kết, liên kết giữa các cơ sở sản xuất, tổ chức điều tra thực tế hiện trạng hoạt động sản xuất sơn mài ở Tương Bình Hiệp; đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ về nguồn vốn, đầu tư thiết bị mới bảo đảm môi trường khi sản xuất. Cũng theo đề án, các bên liên quan phối hợp đào tạo dạy nghề để có nguồn lao động ổn định để làng nghề sản xuất, duy trì, tạo được chỗ đứng trên thị trường, qua đó góp phần nâng cao đời sống người làm nghề, phát triển làng nghề.
Theo lãnh đạo UBND TP.Thủ Dầu Một, sau khi đề án được phê duyệt thành phố sẽ triển khai tuyên truyền, công bố công khai đề án; thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng cổng chào làng nghề; triển khai các bước đầu tư cần thiết để xây dựng khu đất làng nghề như điều chỉnh quy hoạch phân khu, lập quy hoạch chi tiết 1/500, kiểm kê đất đai, lập phương án sử dụng đất, cắm mốc, bồi thường hỗ trợ… Cùng với đó, thành phố sẽ phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh đầu tư tín dụng, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học - công nghệ, kết nối các loại hình du lịch tham quan đặc thù của địa phương.
Tại buổi khảo sát các cơ sở làng nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, cho biết đây là làng nghề truyền thống lâu đời của TP.Thủ Dầu Một và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là si sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chính vì vậy, việc triển khai đề án trong thời gian sớm nhất là cần thiết nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống này.
Sau khi đề án được phê duyệt, UBND TP.Thủ Dầu Một nhanh chóng triển khai các nội dung cụ thể của đề án, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền đề án sâu rộng, liên tục. Đồng thời, thành phố cần phối hợp với các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất, kinh doanh nắm bắt kịp thời thông tin về thị trường, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng tiêu thụ cũng như tiếp cận các chính sách của Nhà nước...
THOẠI PHƯƠNG