bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai: Cần sự nỗ lực chung

Cập nhật: 14-10-2016 | 09:50:40

Hiện lưu vực sông Đồng Nai (gồm 11 tỉnh, thành) có hơn 120 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, trong đó có 105 KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khu vực, địa phương là điểm nóng về môi trường. Chính vì thế, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông Đồng Nai đang cần có sự chung tay, góp sức của các tỉnh, thành liên quan.

Thời gian qua, Bình Dương đã có nhiều nỗ lực trong công tác BVMT lưu vực sông Đồng Nai. Trong ảnh: Quỹ BVMT tỉnh hỗ trợ một doanh nghiệp ở TX.Tân Uyên vay vốn xây dựng hế thống nước thải Ảnh: PHÙNG HIẾU

Áp lực lớn

Thực hiện yêu cầu của Ủy ban BVMT lưu vực sông Đồng Nai tại Công văn số 07/UBSĐN ngày 2-4-2014, UBND các tỉnh, thành nằm trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã tăng cường chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương mình xây dựng kế hoạch hàng năm và tổ chức triển khai các đợt ra quân khai thông dòng chảy và vệ sinh môi trường nước. Từ đó tạo tiền đề cho việc triển khai công tác này được diễn ra thường xuyên, đạt hiệu quả cao nhất trong việc ngăn ngừa tắc nghẽn dòng chảy, cản trở hoạt động giao thông đường thủy, khả năng tiêu thoát nước và tác động tiêu cực đến chất lượng nước sông, cảnh quan và môi trường.

Phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban BVMT lưu vực sông Đồng Nai vào tháng 10-2015 đã thống nhất đề cử ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai giữ chức vụ Chủ tịch luân phiên Ủy ban BVMT lưu vực sông Đồng Nai. Việc luân phiên chức danh Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Đồng Nai cũng như nơi diễn ra cuộc họp định kỳ sẽ giúp cho 11 tỉnh, thành trong khu vực nâng cao ý thức và trách nhiệm của địa phương đối với công tác BVMT tại lưu vực sông Đồng Nai.

Tại phiên họp này cũng đã chọn TX.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước là nơi diễn ra phiên họp lần thứ 10 của 11 tỉnh, thành thuộc lưu vực sông Đồng Nai. Dự kiến, phiên họp lần thứ 10 diễn ra vào tháng 10-2016. Nhiều vấn đề nóng về môi trường xảy ra trên địa bàn 11 tỉnh, thành thuộc lưu vực sông Đồng Nai trong thời gian gần đây sẽ được đem ra bàn thảo và tìm cách giải quyết.

Theo đánh giá của Ủy ban BVMT lưu vực sông Đồng Nai, giai đoạn 2011-2015, phần lớn các địa phương đã hoàn thành xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) nghiêm trọng. Các địa phương cũng đang tích cực triển khai Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng đến năm 2020; đồng thời xây dựng danh mục và phê duyệt kế hoạch xử lý các cơ sở gây ÔNMT theo hướng dẫn tại Thông tư số 04/2012/ BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, do đây là khu vực rộng lớn và là trọng điểm của cả nước về phát triển công nghiệp và đô thị, nên một số chỉ tiêu về môi trường đến nay vẫn chưa được hoàn thành.

Chỉ tiêu quan trọng mà hầu hết các địa phương nằm trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai không đạt là tỷ lệ khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải. Nguyên nhân là do các dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải (đi kèm với hạ tầng thoát nước và thu gom nước thải đô thị) cần nguồn kinh phí rất lớn. Thời gian qua, một số địa phương đã chủ động tìm nguồn kinh phí khác ngoài ngân sách Nhà nước (như tỉnh Bình Dương), nhưng tiến độ thực hiện vẫn còn chậm so với yêu cầu. Trong khi đó, các chỉ tiêu về thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, y tế… phần lớn các địa phương đều đạt tỷ lệ khá cao, tuy nhiên vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra tại Quyết định số 187/2007/QĐ- TTg. Cụ thể, về thu gom chất thải sinh hoạt, công nghiệp có 4/11 tỉnh, thành đạt mục tiêu; thu gom rác thải y tế có 3/11 tỉnh, thành đạt mục tiêu; xử lý chất thải nguy hại có 3/11 tỉnh, thành đạt mục tiêu.

Với dân số gần 20 triệu người cùng hàng trăm KCN và hàng chục ngàn doanh nghiệp đang hoạt động trên lưu vực sông Đồng Nai đang tạo áp lực rất lớn cho các tỉnh, thành trong công tác BVMT. Chính vì thế, các địa phương cần nỗ lực hết sức mình mới hoàn thành các chỉ tiêu nêu trên trong giai đoạn 2016-2020.

Cố gắng của Bình Dương

Là tỉnh có hơn 23.000 doanh nghiệp, Bình Dương đã sớm ý thức được việc BVMT trên lưu vực sông Đồng Nai. Từ năm 2007 đến nay, tỉnh Bình Dương đã triển khai một số đề tài, dự án như: Quy hoạch chất thải rắn; Đề án kiện toàn hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đô thị; Đề án nghiên cứu đánh giá hoạt động khai thác đá xây dựng thuộc địa bàn 2 TX.Dĩ An và Tân Uyên; Dự án quan trắc nước thải tự động… Qua triển khai thực hiện các đề án, dự án, về cơ bản Bình Dương đã từng bước xác định và kiểm soát được các nguồn thải gây ÔNMT trên lưu vực sông Đồng Nai.

Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết một số đề án mà tỉnh nhà đã và đang triển khai được sự đánh giá rất cao của Ủy ban BVMT lưu vực sông Đồng Nai. Cụ thể như Dự án hệ thống quan trắc tự động nước mặt (đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 1-2015); Dự án thoát nước và xứ lý nước thải cho các khu dân cư thượng nguồn kênh Ba Bò; Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương; Dư án xây dựng, cải tạo hệ thống xử lý chất thải y tế…

UBND tỉnh cũng đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong tỉnh thực hiện nhiệm vụ xử lý lục bình trên các sông thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương bằng Kế hoạch số 2473/KH-UBND ngày 23-8-2013. Kết quả cho thấy, mỗi năm các đơn vị liên quan đã thu gom hàng ngàn tấn lục bình trên lưu vực các sông, từ đó bảo đảm cho việc lưu thông dòng chảy.

Ông Nguyên cho biết thêm, sự nỗ lực của Bình Dương trong những năm qua đã giúp cho địa phương giảm bớt tác động đến môi trường tại lưu vực các con sông. Không riêng gì lưu vực sông Đồng Nai, lưu vực sông Sài Gòn cũng cần sự chung tay, góp sức của các tỉnh, thành thì mới đủ nguồn lực và đồng bộ thực hiện nhiệm vụ BVMT tại lưu vực các con sông.

Gần 170 tỷ đồng hỗ trợ bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai từ ngân sách Trung ương

Ủy ban BVMT lưu vực sông Đồng Nai cho biết, theo Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để xử lý các cơ sơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích tính từ năm 2008 tới hết năm 2014, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ gần 170 tỷ đồng cho 34 dự án xứ lý ô nhiễm môi trường tại 7 tỉnh, thành thuộc lưu vực sông Đồng Nai.

Trong số 34 dự án nói trên có 1 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; 20 cơ sở theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; 13 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được phân loại theo Thông tư số 07/2007/ TT-BTNMT và Thông tư số 04/2012/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đến nay, đã có 15 dự án hoàn thành; 19 dự án đang triển khai xử lý ô nhiễm triệt để.

 

 XUÂN VĨ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên