Bất chấp dịch bệnh, thu ngân sách 7 tháng đạt xấp xỉ 764.000 tỷ đồng

Cập nhật: 05-08-2021 | 16:40:34

(Ảnh minh họa/Nguồn: TCT)

Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thuế, tổng thu ngân sách Nhà nước lũy kế 7 tháng năm 2021 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 763.805 tỷ đồng, bằng 68,4% so với dự toán pháp lệnh, tương ứng 113,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Đây là mức thu khá cao, đến từ tình hình kinh tế hồi phục trong những tháng cuối năm 2020 duy trì cho đến nửa đầu năm 2021, bất chấp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và gây tác động không nhỏ lên nền kinh tế.

Đáng chú ý, thu ngân sách Nhà nước đã tăng thu đột biến từ một số nguồn thu-các nhóm ngành được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ được Chính phủ đã triển khai thực hiện trong năm 2020, như: Ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ôtô... 

Nhiều nguồn thu tăng trưởng khá

Cụ thể, thu từ dầu thô ước đạt 22.023 tỷ đồng, bằng 94,9% so với dự toán, bằng 95% so với cùng kỳ (trên cơ sở giá dầu thô bình quân ước đạt 60,8 USD/thùng, bằng 135,1% so với giá dự toán, bằng 125,1% so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 5,55 triệu tấn, bằng 69,2% dự toán, bằng 95,1% so với sản lượng cùng kỳ).

Bên cạnh đó, thu nội địa ước đạt 741.781 tỷ đồng, bằng 67,8% so với dự toán pháp lệnh và bằng 113,7% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó số thu từ thuế, phí nội địa ước đạt 590.373 tỷ đồng, bằng 66,9% so với dự toán pháp lệnh, bằng 118,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố gia hạn, miễn, giảm thuế thì số thu đã tăng 8,2% so với cùng kỳ.

Trên cơ sở đó, số thu ngân sách trung ương lũy kế bảy tháng đạt 327.500 tỷ đồng, bằng 63,9% dự toán và bằng 107,3% so với cùng kỳ; thu ngân sách địa phương ước đạt 436.305 tỷ đồng, bằng 72,2% dự toán và bằng 117,8% cùng kỳ.

Báo cáo của Tổng cụ Thuế cũng cho thấy một số nguồn thu ngân sách có mức tăng cao đột biến trong bảy tháng như nhóm ngành ngân hàng, lũy kế 7 tháng đầu năm tăng khoảng 72,9% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản tăng trưởng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, nhiều dự án bất động sản được chuyển nhượng, làm tăng thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản khoảng 61,7% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 9.500 tỷ đồng. Mặt khác, trong những tháng đầu năm 2021, sau đợt ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 năm 2020, hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng cao, theo đó, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động này gấp 2,6 lần cùng kỳ tương đương với tăng khoảng 3.500 tỷ đồng.

Thêm vào đó, thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán cũng đạt gấp 2,47 lần cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 3.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2020 đã hồi phục khá cộng với việc thực hiện chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020, dẫn đến lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ trong tháng 12/2020 gấp 2 lần so với cùng kỳ. Nhờ vậy, số thu ngân sách từ tiêu thụ xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng 47,1% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 11.200 tỷ đồng...

Theo Tổng cục Thuế, nếu loại trừ các yếu tố chính sách gia hạn thuế và những khoản tăng thu đột biến nêu trên thì tổng thu do cơ quan thuế quản lý bảy tháng chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ; trong đó số thu từ thuế, phí nội địa tăng 2,4%.

Đồng bộ giải pháp tạo nguồn thu

Theo đánh giá của ngành thuế, trong những tháng cuối năm, kinh tế trong nước đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, nhất là tình hình dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp đặc biệt là tại các địa phương trọng điểm kinh tế của cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu... năng lực nội tại của nền kinh tế còn thấp, phụ thuộc lớn vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, áp lực lạm phát trong trong nước tăng do chịu ảnh hưởng bởi tình hình quốc tế, rủi ro thiên tai, dịch bệnh, đời sống một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn, nếu dịch bệnh không được sớm kiểm soát sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế và thu ngân sách nhà nước trong thời gian tới.

Do đó, để phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2021 được Quốc hội, Chính phủ giao, cơ quan thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh....

Ngành thuế cũng tổ chức thực hiện tốt việc gia hạn, miễn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân; tổ chức dự báo sát tình hình phát triển nền kinh tế và khả năng thu ngân sách Nhà nước năm 2021 trên cả nước và từng địa bàn để báo cáo Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ tiếp tục ban hành các giải pháp hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục đà tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, ngành thuế cũng thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác kê khai thuế của người nộp thuế, tập trung kiểm tra các tờ khai có dấu hiệu rủi ro, những lĩnh vực kinh doanh có dấu hiệu tiềm ẩn kê khai không đủ thuế như hoạt động kinh doanh và thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định (đặc biệt là các tổ chức nước ngoài lớn như Facebook, Google, Youtube, Netflix...)./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=545
Quay lên trên