Bất động sản tại Bình Dương đang có nhiều đòn bẩy quan trọng để phát triển. Ngoài chính sách tốt, hạ tầng bài bản thì hạ tầng xã hội, cộng với các tiện ích, dịch vụ tốt đang dần hoàn thiện làm cho bất động sản tại đây có nhiều tiềm năng bứt phá trong thời gian tới.
Lợi thế từ quy hoạch
Theo quy hoạch xây dựng vùng TP.Hồ Chí Minh đến năm 2030, tỉnh Bình Dương sẽ được quy hoạch là tiểu vùng phía bắc của TP.Hồ Chí Minh với trục hành lang dọc quốc lộ 13 và là tiểu vùng khu đô thị trung tâm của thành phố. Theo đó, các thị xã Bến Cát, Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, TP.Thủ Dầu Một phát triển theo hướng đô thị - công nghiệp - dịch vụ - tài chính gắn với đầu mối đa phương tiện; các huyện Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo phát triển công nghiệp đa ngành, chế biến nông, lâm sản.
Khách hàng tìm hiểu về Dự án Khu đô thị vườn Midori Park tại thành phố mới Bình Dương. Ảnh: XUÂN THI
Hiện nay, tỉnh Bình Dương không chỉ đẩy mạnh về quy hoạch phát triển kinh tế mà còn là trung tâm đào tạo - giáo dục quốc tế, đầu mối giao thông quan trọng của khu vực phía Nam. Lãnh đạo tỉnh nhìn nhận, muốn thu hút được nhiều người đến sinh sống phải đầu tư đồng bộ về giáo dục, y tế, văn hóa... Trong những năm gần đây, hàng loạt các tiện ích về trường học, bệnh viện đã được tỉnh xây dựng. Những dự án tiêu biểu như trường Ngô Thời Nhiệm, trường Nguyễn Khuyến, trường Quốc tế Singapore, trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Dự án Bệnh viện Vạn Phúc, khách sạn Becamex, nhà hàng Nhật, chuỗi siêu thị...
Bên cạnh đó, một điểm tựa nữa để thị trường bất động sản tại Bình Dương phát triển là quy hoạch vùng TP.Hồ Chí Minh. Cụ thể, theo điều chỉnh quy hoạch liên kết vùng TP.Hồ Chí Minh năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) trở thành đô thị loại I. TP.Thủ Dầu Một là đô thị hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các chức năng là khu công nghệ cao, công nghiệp sạch có hàm lượng kỹ thuật cao; các tuyến, điểm du lịch quốc gia - quốc tế; trung tâm đào tạo của vùng; trung tâm dịch vụ cấp quốc gia...
Điểm cộng hạ tầng
Có thể nói, việc được công nhận là đô thị loại I sẽ tạo động lực quan trọng để TP.Thủ Dầu Một nói riêng và Bình Dương nói chung phát triển theo đúng chương trình định hướng phát triển đô thị quốc gia và tạo cú huých cho thị trường bất động sản địa phương này phát triển.
Một yếu tố tích cực nữa với thị trường địa ốc tại Bình Dương là tháng 11-2017, TP.Hồ Chí Minh quyết định phê duyệt việc kéo tuyến metro số 1 từ ga Suối Tiên đến TX.Dĩ An (Bình Dương). Trước đó, phương án kéo dài tuyến metro này cũng đã được tỉnh Đồng Nai và Bình Dương chấp thuận. Dự kiến, tuyến metro 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ được đưa vào khai thác từ năm 2020, kết hợp với hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương, cũng như các tỉnh nam Tây nguyên. Tuyến metro cũng giúp đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa và gia tăng giá trị bất động sản của Bình Dương.
Chưa hết, mới đây tỉnh Bình Dương đưa ra chương trình chiến lược đột phá kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2021, tầm nhìn 2030. Bên cạnh đó, Đề án thành phố thông minh Bình Dương cũng đã được khởi động năm 2016, sau khi Bình Dương kết nghĩa với thành phố Einhoven (Hà Lan). Đề án này thực hiện thành công sẽ giúp Bình Dương trở thành một đô thị hiện đại, phát triển đột phá dựa trên nền tảng kinh tế tri thức.
Theo ông Trần Thế Hưng, Tổng Giám đốc Thiên Phú Hưng Land, trong những năm qua tỉnh Bình Dương đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông, tạo kết nối thuận lợi với TP.Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và nam Tây nguyên. Nhiều tuyến giao thông quan trọng đã được đầu tư phát huy hiệu quả như đại lộ Bình Dương, đường Mỹ Phước- Tân Vạn, giúp nối liền các khu công nghiệp trong tỉnh với các cảng biển, sân bay... Đây là một điểm cộng về hạ tầng, giúp thị trường bất động sản tại Bình Dương phát triển bền vững trong thời gian tới.
MINH NGUYỄN