Cuộc bầu cử Tổng thống Colombia diễn ra vào ngày 27-5 vừa qua đã không thể bầu được tổng thống mới ngay từ vòng 1 khi không có ứng cử viên nào giành được trên 50% phiếu bầu theo luật định. Vì thế, 2 ứng cử viên dẫn đầu vòng 1 sẽ bước vào vòng 2 cuộc bầu cử vào ngày 17-6 tới.
Kết quả vòng 1 cho thấy, vòng 2 sẽ là cuộc đối đầu giữa 2 ứng cử viên có quan điểm chính trị trái ngược nhau về nhiều vấn đề, trong đó thỏa thuận hòa bình đã ký với lực lượng du kích cánh tả Các lực lượng Cách mạng vũ trang Colombia (FARC) có nguy cơ bị xé bỏ nếu người của cánh hữu cứng rắn giành chiến thắng.
Ivan Duque, ứng cử viên cánh hữu cứng rắn, chính là người đã tuyên bố chống lại thỏa thuận hòa bình. Duque hiện đang là ứng viên dẫn đầu cuộc đua vào Dinh Tổng thống Colombia. Tại vòng 1, ông giành được 39% số phiếu bầu, bỏ khá xa người về nhì là ứng cử viên cánh tả Guastavo Petro (25% phiếu). Ông Petro là cựu thành viên lực lượng du kích cánh tả M19 (đã giải tán từ lâu).
Petro là ứng cử viên sáng giá được cánh tả kỳ vọng sẽ làm nên lịch sử tại kỳ bầu cử này, nhưng ông đã bị người thứ ba “phá bĩnh” là Sergio Fajardo, một nhà cải cách và là cựu Thị trưởng thành phố Medellin. Fajardo theo sát nút Petro với 23% phiếu. 2 ứng cử viên còn lại chia nhau số phiếu còn lại.
Với kết quả trên, cuộc đua vòng 2 sẽ là sự đối đầu giữa 2 quan điểm chính trị tả-hữu trái ngược nhau. Ông Duque vận động với chủ trương kinh tế thân thị trường, có lợi cho giới doanh nghiệp, đầu tư, trong khi ở phía ngược lại, ông Petro có thiên hướng chống lại các doanh nghiệp tư bản đa quốc gia khai thác khoáng sản đang “bào mòn” tài nguyên quốc gia Colombia.
Dĩ nhiên, những cử tri theo khuynh hướng thị trường, giới doanh nghiệp không thể nào đồng quan điểm với ông Petro và họ còn lo ngại rằng vì ông Petro từng là người ủng hộ cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez rất nhiệt tình và đang có quan điểm chính trị khá giống ông Chavez nên nếu để Petro lên nắm quyền có nguy cơ đưa đất nước Colombia vào hoàn cảnh khó khăn như Venezuela hiện nay. Đây rõ ràng là sự đánh đồng sai trái của chính trị mù quáng.
Ông Ivan Duque.
Cuộc bầu cử Tổng thống Colombia nói chung có ý nghĩa quyết định số phận của thỏa thuận hòa bình đã ký giữa Chính phủ Colombia và FARC vào năm 2016. Thỏa thuận đã chính thức chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 50 năm ở Colombia làm chết 220.000 người và hơn 7 triệu người mất nhà cửa.
Tiến trình đàm phán đi đến ký kết thỏa thuận hòa bình là sáng kiến của Tổng thống đương nhiệm Juan Manuel Santos và với thành quả quan trọng này, ông đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 2016. Tuy nhiên, thỏa thuận hòa bình đã bị đa số người dân Colombia bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý cuối năm 2016 do người dân không đồng tình với một số điều khoản nhượng bộ quá nhiều cho FARC.
Mặc dù sau đó thỏa thuận đã được Quốc hội Colombia và FARC cùng điều chỉnh, nhưng nhiều người Colombia vẫn không hài lòng vì những điều khoản giảm nhẹ hình phạt cho các cựu thành viên FARC đồng thời bảo đảm số lượng ghế đại biểu cho FARC trong quốc hội. Vì thế, nhiều người đã xem cuộc bầu cử Tổng thống Colombia năm 2018 này là cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai đối với thỏa thuận hòa bình.
Thỏa thuận hòa bình đã trải qua một giai đoạn đầy chông gai trước khi số phận nó sẽ được quyết định tại cuộc bầu cử này. Tuy có những điều khoản gây tranh cãi, bị phản đối, nhưng ngoài ra thỏa thuận còn chứa đựng những điều khoản quy định những điều có ích cho dân chúng Colombia, hướng đến tạo sự phát triển cân bằng giữa các vùng, miền của đất nước nhằm triệt tiêu mầm mống làm nảy sinh sự bất bình và xung đột trong xã hội. Chẳng hạn, điều 1 của thỏa thuận nêu chính phủ cam kết “cải cách toàn diện nông thôn”, trong khi điều 4 thì đặt ra các yêu cầu tự nguyện và bắt buộc xóa bỏ, thay thế cây coca.
Cả hai vấn đề này đều là tác nhân gây nên bất ổn xã hội tại Colombia: đã có 160 lãnh đạo người da đỏ bản xứ và chủ đất đã bị ám sát, và cuộc chiến thật sự quanh việc sản xuất coca đã diễn ra giữa chính phủ với mafia ma túy cùng lực lượng FARC bất mãn chống chính phủ và các tổ chức tội phạm khác có quan hệ với các điền chủ lớn.
Vùng Tumaco nằm ven Thái Bình Dương là vùng trồng cây coca nhiều nhất, cũng là vùng bạo lực gay gắt nhất trong cuộc chiến ma túy. Tại vùng này, cây coca là nguồn kinh tế chủ yếu, nguồn sống của đại bộ phận người dân. Vì vậy, việc áp dụng điều khoản xóa bỏ cây coca đã đụng chạm nguồn sống của người dân nên họ không đồng tình.
Như vậy, cuộc bầu cử vòng hai ngày 17-6 tới sẽ là “cuộc chiến” giữa hai thái cực ủng hộ và chống thỏa thuận hòa bình Colombia. Phía chống do ông Duque dẫn dắt đang tỏ ra chiếm thế mạnh hơn so với phía ủng hộ. Duque đang là ứng cử viên sang giá nhất để trở thành tổng thống mới của Colombia.
Không những vậy, ông còn được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của “ông thầy” là cựu Tổng thống Alvaro Uribe, người vẫn đang là một thế lực mạnh trên chính trường Colombia và cũng là người chống thỏa thuận hòa bình gay gắt nhất. Duque đã tuyên bố, nếu ông trở thành Tổng thống Colombia, việc đầu tiên ông làm là sẽ hủy bỏ thỏa thuận hòa bình hiện tại, đàm phán lại để chỉnh sửa toàn diện thỏa thuận nhằm đáp ứng yêu cầu của đa số người dân Colombia là phải xét xử nghiêm những thành viên FARC từng gây ra nợ máu.
Ở phía ngược lại, nếu muốn duy trì thỏa thuận hòa bình như hiện nay thì ông Petro phải tìm cách đánh bại Duque - một việc khó khăn nhưng không phải không thể thực hiện. Để làm được việc này, Petro cần một điều kiện quan trọng là sự ủng hộ của ông Fajardo, một người có quan điểm cải cách, gần giống quan điểm thiên tả của Petro và cũng là người ủng hộ thỏa thuận hòa bình. Fajardo đã “chia điểm” ông Petro với tỉ lệ khá ấn tượng (23%), nhiều khả năng ông sẽ ủng hộ Petro, khi đó gần như toàn bộ cử tri ủng hộ ông sẽ quay sang ủng hộ Petro.
Theo CAND