Bệnh viện là nhà, bệnh nhân là người thân

Cập nhật: 05-10-2021 | 09:18:31

 Trong “cuộc chiến” chống Covid-19 tại Bình Dương có hàng ngàn y, bác sĩ (BS) đã cống hiến hết sức mình để giành sự sống về cho bệnh nhân, họ đã chiến đấu ngày đêm không ngơi nghỉ. Và cũng có không ít người cũng đã trở thành nạn nhân của Covid-19, bởi trong quá trình làm việc họ đã nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Chúng tôi xin được kể về câu chuyện của BS Thạch Xăm Nang, khoa nhiễm, Phó Bí thư Đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

 Bác sĩ Thạch Xăm Nang: “Dù có vất vả mình cũng phải làm việc hết sức mình để giành giật lại từng hơi thở cho bệnh nhân”

 Bệnh viện là nhà…

Khi chúng tôi liên lạc được với BS Nang cũng là lúc anh vừa được trở về nhà để thực hiện việc cách ly sau đợt điều trị Covid-19, trải lòng về quá trình chiến đấu với dịch bệnh, anh bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên sau hơn 3 tháng tôi được trở về nhà, những ngày tháng qua khi dịch bệnh bùng phát, tôi đã ở hẳn trong bệnh viện cho nên tôi xem bệnh viện như là nhà rồi. Mà lạ lắm, lúc ở bệnh viện thì có cảm giác nhớ nhà, nhưng khi về nhà thì tôi lại không yên tâm, lại muốn được trở lại bệnh viện làm ngay để tiếp tục chăm sóc cho bệnh nhân và đỡ đần công việc với các đồng nghiệp, bởi tôi biết họ đang rất vất vả”.

Là BS khoa nhiễm thế nên từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Bình Dương, BS Nang đã chiến đấu như một chiến binh dũng cảm, anh túc trực làm nhiệm vụ tại khu ICU (khu vực quan trọng trong bệnh viện dành cho bệnh nhân nặng được điều trị tích cực để duy trì sự sống) cũng là khu vực nguy hiểm nhất bởi nồng độ vi rút trong những bệnh nhân bệnh nặng là rất cao. Do lực lượng nhân viên y tế thiếu hụt, nên áp lực công việc vô cùng lớn. Ca làm việc mỗi ngày của anh phải kéo dài 12 giờ, công việc bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 19 giờ tối mới xuống ca và ngược lại, nhưng đó là chưa kể đến những trường hợp khẩn cấp thì chuyện làm việc quá 12 giờ mỗi ngày là chuyện thường như ở huyện. Mặc bộ đồ bảo hộ kín mít suốt cả ngày, cảm giác khó thở, nóng bức, mệt mỏi luôn xâm chiếm, công việc cứ cuốn chiếu, tất bật, thế nên những bữa ăn của BS trung bình cũng đến 13 - 14 giờ chiều, có ngày quá bận, quá mệt cũng không thể nào nuốt nổi bữa cơm.

Cả khoa nhiễm hiện có khoảng 8 BS và 22 điều dưỡng, trung bình 1 BS sẽ chăm sóc sức khỏe cho khoảng 40 bệnh nhân. Đa số bệnh nhân nằm ở khu này đều có bệnh rất nặng, phải đặt nội khí quản cho nên đa phần họ không thể tự chăm sóc bản thân vì thế điều đưỡng, BS ở đây phải kiêm luôn nhiệm vụ chăm từng muỗng cơm, cháo, ngụm nước đến vệ sinh, cắt tóc, gội đầu… giúp bệnh nhân. “Vất vả ra sao cũng được, điều chúng tôi mong mỏi nhất là chỉ mong sao họ vượt qua được bệnh tật, mạnh khỏe để trở về nhà…”, BS Nang tâm sự.

Phải cố gắng, phải chiến thắng Covid

Do hàng ngày tiếp xúc với nhiều ca nhiễm nặng ròng rã suốt nhiều tháng qua, vào một ngày chính BS Nang cũng không ngờ mình trở thành bệnh nhân Covid-19. Anh nhớ lại: “Lúc đó trong 2 ngày đầu tôi bắt đầu có triệu chứng sốt nhưng tôi vẫn mặc bồ bảo hộ vào làm bình thường, đến ngày thứ 3 tôi thực sự không thể chịu nổi nữa, tôi truyền 1 chai hạ sốt. Nhưng tới khuya hôm đó tôi sốt cao trở lại, khi lấy mẫu xét nghiệm PCR cho ra kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Lúc này, tôi phải ngưng lại mọi việc để nằm lên giường bệnh, chính thức trở thành bệnh nhân. Thực sự lúc đầu tôi không lo lắng mấy bởi vì quá quen với công việc, với căn bệnh này nhưng không may lúc ấy tôi vừa nhiễm Covid, vừa nhiễm sốt xuất huyết, bệnh chồng bệnh, nên tôi sốt cao liên tục suốt nhiều ngày liền, tôi cảm thấy thật sự kiệt sức, sức khỏe cảm thấy yếu dần, lúc này tôi phải thở máy HFNC (liệu pháp oxy lưu lượng cao qua ống thông mũi). Dù rất đuối sức nhưng trong lúc đó có điều gì đó luôn thôi thúc trong tôi là phải cố gắng, phải mau khỏe lại vì mình còn gia đình, người thân, bạn bè, còn biết bao nhiêu bệnh nhân đang chờ mình nên bằng mọi giá mình phải chiến thắng bệnh tật”…

 “Đạo đức ngành y, lương tâm BS luôn soi đường cho tôi, dù cho bất kỳ hiểm nguy, khó khăn nào chăng nữa cũng vẫn phải tận tâm, tận tụy với nghề, với bệnh nhân. Vượt qua đại nạn này tôi càng yêu quý cuộc sống này biết bao và tôi biết tất cả bệnh nhân đều như thế, vì thế mình cứ phải làm việc hết sức mình để giành giật lại từng hơi thở cho bệnh nhân”.

(BS Thạch Xăm Nang, khoa nhiễm, Phó Bí thư Đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh)

Sau 14 ngày điều trị tích cực, BS Nang đã chiến thắng được bệnh tật, những ngày theo dõi, cách ly anh luôn nóng lòng muốn trở lại công việc ngay chứ không muốn chờ đợi thêm nữa, bởi anh biết đồng nghiệp của mình đang chiến đấu vất vả ngày đêm. Khi được hỏi rằng anh có cảm giác sợ khi quay lại nơi đó không? Anh nói rằng: “Đạo đức ngành y, lương tâm BS luôn soi đường cho tôi, dù cho bất kỳ hiểm nguy, khó khăn nào chăng nữa cũng vẫn phải tận tâm, tận tụy với nghề, với bệnh nhân. Vượt qua đại nạn này tôi càng yêu quý cuộc sống này biết bao và tôi biết tất cả bệnh nhân đều như thế, vì thế mình cứ phải làm việc hết sức mình để giành giật lại từng hơi thở cho bệnh nhân”.

BS Hoàng Thị Kiều Hậu, Bí thư Đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nói: “BS Nang là cán bộ Đoàn xông xáo, nhiệt huyết tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn cơ sở cũng như Đoàn cấp trên tổ chức. Đặc biệt, anh luôn có tấm lòng nhân ái, luôn hướng về cộng đồng. Hàng năm, anh đều đặn tham gia các chương trình khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa trong và ngoài tỉnh. Trong cuộc chiến chống Covid-19 đầy gian nan, vất vả này làm nhiệm vụ tại khoa trọng yếu của bệnh viện, chuyên điều trị các ca bệnh nặng, anh đã chiến đấu ròng rã suốt nhiều tháng liền không mệt mỏi, cống hiến sức trẻ cho công cuộc giành lại hơi thở, sự sống cho bệnh nhân Covid-19”.

 NGỌC NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1023
Quay lên trên