Sau tết, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tăng cao và nhu cầu tìm việc làm mới của nhiều bạn trẻ cũng không kém phần sôi động. Nắm bắt được tâm lý nhiều người nôn nóng có được việc làm, một số hình thức lừa đảo qua việc tuyển dụng đã xuất hiện để lừa tiền người tìm việc.
Sau khi về quê, chị Nguyễn Thu Trang, ngụ phường Hiệp Thành, TX.TDM bắt đầu tìm công việc mới thích hợp hơn. Chị dò tìm việc trên mạng thấy thông tin tuyển dụng của Công ty M., tọa lạc tại đường Phạm Văn Bạch, quận Tân Bình, TP.HCM. Công việc làm tại nhà, yêu cầu có kết nối internet để kiểm tra mail, trả lời mail, giới thiệu sản phẩm, tư vấn qua mạng... với nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn; điều quan trọng là không ràng buộc thời gian. Vì vậy, dù ở Bình Dương nhưng chị vẫn nhanh chân chạy đến thành phố để xin việc. Khi đến nơi thì văn phòng công ty chỉ là căn phòng trọ, với hai chiếc máy vi tính và một số áp phích dán. Sau một vài câu hỏi thông thường, anh nhân viên đã đưa ra một tờ hợp đồng cho chị đọc, trên đó đã có sẵn chữ ký của giám đốc và dấu mộc. Khi đọc đến gần cuối hợp đồng ghi rõ “người xin việc phải đóng tiền đặt cọc đào tạo là 500.000 đồng. Sau khi đào tạo xong sẽ hoàn trả số tiền này”. Thấy công việc cũng tạm được, lại chủ động về mặt thời gian nên chị đồng ý đóng tiền và ký vào hợp đồng.
Khi thủ tục hoàn tất thì anh này có đưa ra một nickname và hẹn sáng 7 giờ 30 lên mạng chat thì sẽ có người hướng dẫn cho cách làm việc và đào tạo luôn. Lúc này chị Trang ngớ người vì cách đào tạo qua mạng này, có nghĩa là chị không hiểu gì cứ hỏi, người này sẽ trả lời, chứ không có lớp hoặc người hướng dẫn, theo như cách anh này nói thì đây là “đào tạo qua mạng”. Hẹn một tuần sau quay lại công ty sẽ giao việc cụ thể. Đúng như đã hẹn, chị quay lại thì thấy văn phòng này đóng cửa im ỉm. Lên mạng tìm thì nickname đó không hề sáng đèn nên không thể trò chuyện được. Chị ra về và biết rằng mình đã bị lừa!
Tương tự như trường hợp của chị Trang, anh Bùi Hữu Định, ngụ phường Chánh Nghĩa cũng rơi vào tình trạng như thế. Vì muốn chuyển chỗ làm với mức lương cao hơn để giúp đỡ gia đình, anh Định tìm kiếm trên mạng, trên báo thì thấy Công ty A. cũng tuyển vị trí phù hợp với mình. Thế là, anh nhanh chóng đến nộp đơn xin việc. Văn phòng rộng chừng 40m2, vài chiếc bàn được kê bên trong và đồ dùng cũng rất sơ sài, tọa lạc tại xã Thới Hòa, huyện Bến Cát. Anh Định cũng lo ngại nhưng cô nhân viên giải thích đây chỉ là nơi tiếp nhận hồ sơ, khi nào phỏng vấn trúng tuyển sẽ vào công ty làm việc tại KCN VSIP II. Nghe vậy, anh Định cũng tin tưởng nộp hồ sơ và cô nhân viên này cũng yêu cầu nộp thêm 500.000 đồng gọi là tiền đào tạo. Cô giải thích vì là người mới nên phải có người đào tạo, hướng dẫn, đây là tiền trả công cho họ. Anh thắc mắc không biết có được nhận vào công ty hay không mà phải đóng tiền, nếu lỡ không được nhận thì mất tiền ai chịu trách nhiệm. Chị ta chắc nịch rằng: “Công ty thiếu người nên tuyển hết, không phải lo, nếu không được nhận thì sẽ trả tiền lại, đó là quy định rồi”. Thấy cũng lạ nhưng vì nôn nóng có công việc làm sớm nên anh cũng đành nộp hồ sơ chờ ngày phỏng vấn. Đến ngày hẹn lên phỏng vấn thì anh cũng té ngửa vì văn phòng không còn hoạt động. Sang ngày hôm sau đến cũng thấy như vậy, không chỉ mình anh mà còn rất nhiều bạn trẻ khác tiu nghỉu ra về vì bị công ty “ma” này lừa tiền.
Với hình thức này, mỗi ngày bọn lừa đảo có thể kiếm được vài triệu đồng. Đến khi thấy “vừa đủ” thì chúng biến mất, chuyển sang nơi khác hoạt động. Vì vậy những người tìm việc phải cảnh giác với những khoản thu “lạ” ngay từ khi nộp hồ sơ.
THỦY TRINH