Bí thư chi bộ đưa nghị quyết vào cuộc sống bằng thơ

Cập nhật: 07-04-2020 | 10:26:07

Quay lại bến đò Tân Lương, phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên trong những ngày cả thế giới đang chống chọi với đại dịch Covid-19, chúng tôi gặp lại ông Mười Đông (Trần Văn Hô), Bí thư Chi bộ khu phố Tân Lương, phường Thạnh Phước- người mà gần 10 năm trước, Báo Bình Dương đã có bài viết về ông. Hàng ngày, ông bí thư chi bộ suy nghĩ ra đủ cách để đưa nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến từng ngõ hẻm, nhà dân bằng thơ ca...


Ông Mười Đông tặng tập thơ tuyên truyền cho người dân địa phương

Sáng tác thơ tuyên truyền

Vẫn những bước đi khập khiễng do bị tai nạn cách đây 34 năm nhưng ông Mười Đông luôn tươi cười vui vẻ khi kể những kỷ niệm của mình về cái duyên tình cờ yêu thơ ca. Ông bảo, ông không nhớ rõ yêu thơ ca từ khi nào, nhưng chỉ nhớ là đã làm những bài thơ đầu tiên cách đây trên 20 năm. Chắc có lẽ do ông sinh ra và gắn bó cả đời với bến đò Tân Lương, phường Thạnh Phước thơ mộng nên có nhiều cảm xúc làm thơ?

Những bài thơ đầu tiên của ông luôn gắn với công tác dân vận chính quyền, được người dân trong và ngoài địa phương đón nhận. Cụ thể bài thơ “Quê tôi”, ông viết: Quê tôi sông nước hữu tình/ Có cầu Tổng Bảng, có đình Tân Lương/ Hương thơm trái chín đầy vườn/ Có con đò nhỏ vấn vương đôi bờ/Quê tôi cảnh đẹp nên thơ/ Lũy tre xanh thẳm bên bờ đê cao/ Lời ru của mẹ ngọt ngào/Câu ca, tiếng hát dạt dào yêu thương/ Dù đi trăm nẻo, nghìn phương/ Lòng ta vẫn nhớ quê hương cội nguồn.

Cái duyên yêu thơ ca của ông bắt đầu phát triển mạnh trong giai đoạn ông làm Trưởng ấp Tân Lương từ năm 2007 (nay là khu phố Tân Lương). Nhiều bài thơ của ông đã được nhân dân địa phương TX.Tân Uyên ai cũng thuộc lòng để nhớ về lịch sử của vùng đất này. Hôm chúng tôi đến cầu Bà Kiên để viết bài về lịch sử oai hùng của vùng đất Tân Uyên, người dân ở đây ai cũng thuộc lòng bài “Binh chủng đặc công” do Mười Đông sáng tác nói về ông Hai Cà (tức Đại tá Trần Công An), ông Hồ Lung - hai người đã nghĩ ra cách đánh đặc công đầu tiên vào đêm 19- 3-1948, sau đó được Bác Hồ chọn ngày đó làm ngày truyền thống Binh chủng Đặc công Việt Nam. Ông viết: “Thăm bia mười chín tháng ba/ Nhớ cụ Hai Cà, nhớ bác Hồ Lung/ Địa linh, nhân kiệt, anh hùng/ Làm nên chiến thắng lẫy lừng vang danh/ Cầu Bà Kiên có tháp canh/ Giặc xây kiên cố, tường thành rất cao/ Kẽm gai làm tám lớp rào/ Chặn đường huyết mạch ra vào chiến khu/ Quyết tâm đánh dẹp bót thù/ Hai Cà xin lệnh, quân khu thuận lòng/ Điều nghiên thế trận ngoài, trong/ Nghĩ ra cách đánh đặc công tuyệt vời/ Đánh cho bót giặc tơi bời/ Từ đó ra đời binh chủng đặc công”.

Cảm nhận của tôi trong gần 100 bài thơ ông sáng tác thì những bài thơ mang tính tuyên truyền, cổ động về tình yêu quê hương, con người, lịch sử oai hùng vùng đất Tân Uyên, về nông nghiệp… chiếm tỷ lệ cao. Để tập hợp nhân dân, nói cho dân dễ hiểu, dễ nhớ trong việc hợp tác làm ăn, ông viết: “Muốn cho phát triển nước nhà/ Theo kịp thế giới trên đà đi lên/ Phải cần hợp tác bốn bên/ Nhà nông Nhà nước bên nhà kinh doanh/ Cùng nhà khoa học chuyên ngành/ Làm ra sản phẩm cạnh tranh thị trường/ Khoa học, công nghệ cao cường/ Mới mong đứng vững thương trường hiện nay/ Sản xuất nhỏ lẻ, chết dài/ Phải biết hợp tác từ ngay bây giờ…”

Đưa nghị quyết vào… thơ

Cái độc đáo của ông Mười Đông là đã mạnh dạn đưa những nội dung nghị quyết của Đảng vào trong thơ ca để tuyên tuyền cho nhân dân dễ nhớ và theo đó thực hiện dễ dàng. Ông kể, ở khu phố Tân Lương, có tổng cộng 212 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu, trong đó số dân tạm trú là 300 nhân khẩu. Để các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước dễ đi vào cuộc sống, ông đã in ra cả một tập thơ của mình để tặng cho mọi nhà. Mới đây, mừng Thạnh Phước lên phường, ông đã viết ngay bài thơ “Mừng Thạnh Phước lên phường”: Hôm nay Thạnh Phước lên phường/ Mốc son đánh dấu trên đường tương lai/ Tạo đà phát triển ngày mai/ Trở thành đô thị tương lai đẹp giàu/ Nhân dân phấn khởi làm sao/ Nghe lòng sung sướng, tự hào quê ta/ Nhờ công lãnh đạo phường nhà/ Thông minh sáng suốt, tài ba tuyệt vời/ Nhờ sự đồng thuận mọi người/ Chung tay xây dựng cho đời đẹp tươi…

Nói về ông Mười Đông, ở làng trên xóm dưới ai cũng quý mến. Hình ảnh một ông bí thư chi bộ chân đi khập khiễng với chiếc xe máy cà tàng đến tận từng nhà tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đã trở nên quen thuộc với mọi người. Trong đợt cả nước chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19, với vai trò là Bí thư Chi bộ khu phố Tân Lương, ông đã đến từng nhà dân vận động, tuyên truyền, nhắc nhở mọi người thực hiện tốt Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhất là việc không được tụ tập nơi công cộng, phải đeo khẩu trang, khai báo y tế… Nhờ cái tài vận động, tuyên truyền của ông nên cả khu phố Tân Lương ai cũng thực hiện tốt các chỉ đạo này. Nhiều người dân khi nhìn thấy ông Mười Đông là biết đến người luôn đi tuyên truyền nghị quyết của Đảng bằng văn vần, thơ ca, nên ai cũng tươi cười khi gặp và đồng thuận rất cao.

Cách làm của ông Mười Đông ở khu phố Tân Lương là tạo nhiều cảm tình tốt đẹp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân không chỉ trong phường Thạnh Phước mà còn lan tỏa mạnh mẽ toàn TX.Tân Uyên. Để vận động xóm trên làng dưới không có tệ nạn xã hội, người dân đoàn kết thương yêu, cùng nhau chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông đã viết nhiều bài thơ với ý căn dặn đừng sai vì rượu, chớ hư vì bài bạc… Những bài thơ này đã được nhân dân trong khu phố đón nhận và thuộc lòng. Ông viết: …Sống không trách nhiệm gia đình/ Suốt ngày chỉ biết cái bình với chai/ Nhỏ to tâm sự cùng ai/ Rượu tình rượu nghĩa xưa nay làm đầu/ Đừng nên mượn rượu giải sầu/ Thân tàn, ma dại còn đâu chính mình/ Giữa thời xã hội văn minh/ Đừng làm đệ tử Lưu Linh người cười…

Huy động sức mạnh tập thể

Trong các cuộc họp Chi bộ khu phố, gần 20 đảng viên ở khu phố ai cũng mến phục ông về những cách làm hay, đổi mới trong sinh hoạt chi bộ và đưa cả thơ văn vào công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương đổi mới của Đảng và nhà nước. Ở lĩnh vực nào ông cũng có thơ, từ xây dựng Đảng, đến vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị; từ nông nghiệp đến phát triển giao thông… ông đều sáng tác những bài thơ để vận động, tuyên truyền nhân dân. Ông kể, với cách làm này, người dân đồng thuận cao, tạo thành sức mạnh tập thể vận động nhân dân làm đường giao thông, gìn giữ nếp sống văn minh đô thị.

“Không chỉ dân vận bằng lý lẽ suông, ông Mười Đông còn trổ tài dân vận bằng thơ rất là hay và hiệu quả, được nhân dân chúng tôi đón nhận”, ông Nguyễn Văn Năm, nhà ở gần bến đò Tân Lương cho biết. Nhiều bà con ở bến đò Tân Lương định hình về ông bí thư khu phố mình bằng một câu dí dỏm: “Ông bí thư chi bộ khu phố khập khiễng làm thơ”, vận động dân nhân cùng đoàn kết, chung sức chung lòng xây dựng khu phố ngày càng văn minh, hiện đại, góp phần chung vào sự phát triển mạnh mẽ của TX.Tân Uyên năng động từng ngày, như chính bài thơ ông viết về Tân Uyên ngày nay: “Tân Uyên thành tựu của hôm nay/ Ý Đảng lòng dân tay nắm tay/ Cùng nhau xây dựng nông thôn mới/ Phát triển vươn lên những tháng ngày/ Đi lên thị xã nghĩ mình say/ Vẫn tưởng đang mơ giấc ngủngày/ Nơi đâu cũng thấy nhiều nhà máy/ Đồng ruộng cò bay lúc trải dài…

Chia tay với tôi, ông Mười Đông nở nụ cười tươi, rồi bảo sẽ tiếp tục đưa những chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống bằng thơ để giúp người dân dễ nhớ, dễ thực hiện. Khi tôi hỏi thêm câu cuối cùng rằng ông đã có bài thơ nào tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 chưa, ông nói: “Tôi đang nghĩ ra cái ý và sẽ có trong nay mai nhằm góp phần tuyên truyền cho mọi người chung tay phòng, chống dịch bệnh, tiếp tục đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống…”. Nói xong, ông lại nở một nụ cười thể hiện niềm tin mãnh liệt, bởi với sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân, Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19.

Ông Mười Đông, tên thật là Trần Văn Hô. Từ năm 2007 đến năm 2019, ông làm Trưởng ấp Tân Lương (nay là khu phố Tân Lương, phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên). Từ năm 2019 đến nay, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ khu phố Tân Lương. Ông là Chủ nhiệm thơ ca TX.Tân Uyên, hội viên Câu lạc bộ Sáng tác văn học nghệ thuật Việt Nam. Ông đã đạt nhiều giải thưởng về thơ ca, năm 2015 ông đạt giải nhất về thể loại thơ ca do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức với bài thơ “Đại thắng mùa xuân năm 1975”…

 HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3024
Quay lên trên