Ngày trước, có người hỏi ba tôi “bà ấy tính tình nóng nảy lại nói nhiều, làm sao ông chịu nổi”, ba tôi cười hề hề, bảo làm gì có ai hoàn hảo, ngoài cái tật nóng tính, hay càm ràm thì bà ấy cũng có rất nhiều điểm tốt.
Còn mẹ hay chê ba vụng về, hời hợt, chẳng làm gì vừa ý mẹ. Thế nhưng lúc vui, mẹ lại cười bảo, được cái ông ấy hiền lành, hết lòng với vợ con. Mẹ cũng công nhận ba sống nghiêm túc, dù có vài lần hiểu lầm, mẹ đùng đùng tức giận tới mức sắp thành... Hoạn Thư! Cuộc hôn nhân của ba mẹ tôi không ít lần sóng gió, nhưng rồi lại bình yên, cho đến bây giờ khi cả hai đã bước vào tuổi 80. Được vậy, có lẽ vì ông bà biết bằng lòng về nhau, chấp nhận những điều bạn đời mình không hoàn hảo như một lẽ tự nhiên: “Nhân vô thập toàn!”. Ba mẹ tôi thường nhắc chị em tôi như vậy.
Nhưng chị tôi lại nói, ba mẹ là thế hệ trước, có những suy nghĩ không còn hợp thời. Con người ta muốn sung sướng, hạnh phúc thì phải biết vươn lên, hướng tới những điều tốt đẹp, hoàn thiện. Cứ thỏa mãn, bằng lòng thì... “đụt” lắm! Có lẽ vì thế mà cuộc sống của chị tôi đầy đủ, sung sướng hơn người chăng? Chị làm tôi băn khoăn không biết tin ai. Anh rể là người hiền lành, nghiêm túc, lại chí thú làm ăn, vun vén gia đình, nhưng chị vẫn chê anh “cù lần”, “quê trất”. Anh rể là người đơn giản, quen thể hiện bằng việc làm nên có ráng mấy cũng không thể vừa ý chị tôi, người vốn thích “yêu bằng tai”. Chị tháo vát, năng động, thích giao lưu, nhưng ít khi đi đâu cùng anh, chị bảo đi với anh chỉ tổ mắc cỡ! Mẹ tôi mắng chị: “Đừng có mà được voi đòi tiên!”. Ba thì nhắc lại câu nói năm xưa: “Làm gì có ai hoàn hảo?”. Nhưng chị vẫn không để ý lời người lớn...
Chị tôi vốn xinh đẹp, cuộc sống an nhàn, không phải lo toan vất vả nên rất trẻ trung. Chị cũng chuộng hình thức, biết làm đẹp nên tuổi bốn mươi mà cứ phơi phới xuân sắc, trong khi anh rể củ mỉ cù mì, nhạt thếch trong mắt chị. Chị cũng biết chồng mình hết lòng với vợ con, nhờ anh luôn gần gũi, sát sao chuyện học hành của hai thằng con đang tuổi lỡ cỡ nên tụi nó học rất giỏi, thế là chị lại càng thảnh thơi. Nhưng hình như cũng vì thảnh thơi mà chị thấy cuộc sống của mình chán ngắt.
Chả biết có phải tại chị tôi sung sướng quá mà sinh hư, hay tại anh rể quá tẻ nhạt, vô vị, khiến chị chán chồng mà ngã vào vòng tay một gã hào hoa, sành điệu. Ba mẹ tôi vốn rất quý con rể, nay thấy con gái như thế thì khổ tâm lắm. Ba mẹ mắng chị, bảo chị về quỳ xuống mà xin lỗi chồng, may ra nó tha thứ cho. Nhưng chị ngang bướng nói: “Bọn nhỏ đã lớn, không còn phải chăm bẵm vất vả nữa. Giờ con cần được sống cho riêng mình!”. Chị nói vậy rồi xách gói theo gã kia, ba mẹ giận run, bảo từ nay chẳng có đứa con như chị!
Anh rể đã kiệm lời nay lại càng ít nói. Gương mặt anh chẳng biểu lộ điều gì, nhưng ai cũng biết anh rất đau lòng. Ba cha con lặng lẽ lo cho nhau trong căn nhà nay đã vắng mẹ. Ba mẹ tôi thương các cháu, thương con rể, thỉnh thoảng lại qua nhà chuyện trò, hỏi han. Có lẽ trong lòng các cụ thấy day dứt không yên vì điều con gái gây ra và muốn tìm cách bù đắp cho các cháu. Chắc anh rể cũng cảm nhận được điều đó, anh bảo chúng con lớn cả rồi, ba mẹ đừng suy nghĩ nhiều thêm mệt.
Không biết kết cục của chị với gã kia sẽ đi đến đâu, nhưng tôi không tin con người ấy. Gã chê vợ “nhàm” mà đến với chị tôi, nhưng trước chị đã có vài người đàn bà đi qua đời gã, chắc chắn gã chưa thể dừng lại. Tôi lo chị mình chẳng biết có còn lối về. Tôi cũng có những giây phút xao lòng, nhưng rồi tôi chọn cách nghĩ đến những điều tốt ở người đàn ông của mình, cũng là để quên đi những gì anh không có. Nhìn ba mẹ, tôi ngộ ra, bằng lòng với những gì mình có là liệu pháp hữu hiệu giúp mình vượt qua những cơn “say nắng”, để giữ cho các con một mái nhà...
Không kể đến những người có máu trăng hoa, có lẽ nguồn cơn của những cuộc ngoại tình phần nhiều do người ta “cầm lòng không đậu” trước điều bạn đời mình thiếu hụt. Khi không biết quý trọng những gì mình đang có, người ta cứ hay nhìn ngó, khát khao những gì của người khác. Để thỏa mãn những khát khao đó, có khi người ta phải đánh đổi. Đến khi hiểu ra mình “thả mồi bắt bóng” thì đã muộn màng.
Theo PNO