Thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới (BĐG), quan tâm, chăm lo cho lao động nữ (LĐN), trong thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã có những chế độ ưu đãi riêng để họ yên tâm lao động, sản xuất.
Tạo sự bình đẳng cho cả nam, nữ lao động thông qua các hoạt động. Trong ảnh: Hội thi cắm hoa do Công đoàn VSIP tổ chức
DN thực hiện BĐG
Công Ty TNHH Apparel Far Eastern (KCN VSIP), chuyên gia công hàng may mặc nên có đến 80% trong tổng số hơn 6.000 công nhân lao động là nữ. Để người lao động (NLĐ) an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với công ty, những năm qua, công tác BĐG luôn được công ty thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Ngoài các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật, LĐN còn được hưởng thêm nhiều chế độ ưu đãi, như được nghỉ 30 phút trong kỳ kinh nguyệt. Phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ đều được nghỉ theo đúng quy định. Đối với Công ty TNHH Hài Mỹ - Nhà máy Sài Gòn (TX.Thuận An), với số lượng LĐN khá đông, công ty cũng đã xây dựng khu vực nhà vệ sinh, nhà tắm riêng cho họ. Để hạn chế việc NLĐ, nhất là LĐN mắc các bệnh nghề nghiệp do phải ngồi làm việc lâu, công ty cho phép NLĐ nghỉ ngắn trong giờ làm việc để tập thể dục tại chỗ, thư giãn. Ngoài ra, công đoàn phối hợp với công ty thường xuyên tổ chức cho NLĐ đi du lịch; tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.
Không chỉ quan tâm chăm lo đời sống, sinh hoạt cho LĐN, nhiều DN còn phát động phong trào thi đua trong toàn thể NLĐ để cả nam và nữ đều có cơ hội được đưa ra những sáng kiến cải tiến áp dụng sản xuất. Những sáng kiến hữu ích được áp dụng sẽ được khen thưởng. Song song đó, DN cũng tổ chức các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho NLĐ. Sau khóa học, những lao động xuất sắc được bố trí vào nhiều vị trí cao hơn như tổ trưởng, quản lý, trong đó có nhiều LĐN. Điển hình như Công ty TNHH Chí Hùng, Công ty TNHH Hoya Lens, Công ty TNHH ASG Vina… Chị Đào Thị Anh Thy, công nhân Công ty TNHH ASG Vina, cho biết chị rất thích môi trường làm việc tại công ty. Tại đây, nam, nữ đều như nhau, đều được hưởng các quyền lợi và được học tập, nghiên cứu nâng cao tay nghề. Riêng chị trong suốt thời gian làm việc đã nghiên cứu và tạo ra những phần mềm thống kê hàng, sản phẩm ngắn gọn, dễ hiểu hơn, bên cạnh đó giúp việc thống kê được nhanh và chính xác. Nhờ đó, chị được ban giám đốc khen thưởng, nâng lương và được chọn là công nhân tiêu biểu, được nhận bằng khen của UBND tỉnh năm 2018.
Hoạt động hiệu quả của Ban nữ công
Góp phần tạo nên sự BĐG trong các DN phải nói đến vai trò của Ban nữ công. Theo thống kê, đến nay, tổng số công đoàn cơ sở (CĐCS) đủ điều kiện thành lập Ban nữ công là 2.205 CĐCS, đạt 85.63%. Ban nữ công đã chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho LĐN. Các thành viên Ban nữ công đã cùng cán bộ CĐCS hướng dẫn, triển khai công tác BĐG, tổ chức nhiều hoạt động truyền thông về BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, công tác dân số; tổ chức các lớp truyền thông gắn với hỗ trợ dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; tuyên truyền các chế độ, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan đến LĐN... Chỉ tính năm 2018 đã tổ chức 1.356 cuộc, với 91.915 lượt nữ cán bộ, công nhân lao động tham dự; phát hành 1.542 cuốn sổ tay nữ công đến các CĐCS.
Riêng các ngày lễ lớn dành cho nữ như Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, Ban nữ công cùng các cấp công đoàn đã phối hợp với chuyên môn tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi như họp mặt, nói chuyện chuyên đề, thi hái hoa dân chủ, cắm hoa, nấu ăn, tặng quà… cho đoàn viên, LĐN. Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong LĐN tiếp tục được đẩy mạnh. Kết quả, năm 2018 đã có 1.102 CĐCS đăng ký (trong đó có 425 CĐCS ngoài Nhà nước) với 48.308 đoàn viên, LĐN tham gia. Kết quả có 40.698 chị đạt danh hiệu “Phụ nữ hai giỏi”, đạt 84,2%. Vận động Ban nữ công CĐCS duy trì, bổ sung, thành lập các nguồn quỹ như “Quỹ xoay vòng”, “Quỹ tương trợ khó khăn”, “Quỹ vì nữ công nhân lao động nghèo” với tổng số tiền gần 30 tỷ đồng, giúp trên 14.859 người trong năm 2018.
Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh kiêm Trưởng ban nữ công (Liên đoàn Lao động tỉnh) nhấn mạnh, thúc đẩy và thực hiện các quyền của LĐN, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của chị em luôn là mối quan tâm hàng đầu và là một trong những ưu tiên trong hoạt động nữ công. Muốn thúc đẩy BĐG và cải thiện điều kiện làm việc của LĐN, công đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về BĐG, nâng cao nhận thức của cả nam và nữ lao động tại nơi làm việc.
Bình Dương hiện có trên 1,1 triệu lao động (theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh), trong đó LĐN chiếm gần 60%. Tại các DN chuyên về may mặc, tỷ lệ LĐN có nơi lên đến 80%.
TỐ TÂM