Kỳ 2: Công nghiệp làm nền tảng đột phá
Ngược dòng thời gian khoảng 20 năm về trước, Bình Dương sau khi tái lập, tách ra từ Sông Bé, chỉ là một tỉnh thuần nông, người dân nhiều đời gắn bó với ruộng đồng, cây trái. Ít ai nghĩ rằng Bình Dương sẽ vượt lên trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu cả nước như hôm nay. Kỳ tích này có được một phần là nhờ vào định hướng rất đúng đắn của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ: Lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá.
Công nghiệp đã đóng góp to lớn trong quá trình phát triển kinh tế của Bình Dương thời gian qua. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH KWANG YANG Việt Nam (Khu công nghiệp Đại Đăng, TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: PHƯƠNG AN
Đi lên từ công nghiệp hóa
Vào những năm đầu của thập niên 90, Bình Dương vẫn còn là tỉnh nghèo, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Tuy nhiên từ thời điểm tách tỉnh (1997), Bình Dương đã bắt đầu trỗi dậy với chủ trương đổi mới được cụ thể hóa bằng những chính sách thông thoáng, mở đường cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương.
Thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), tỉnh Sông Bé đã tiến hành quy hoạch 15 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích trên 6.000 ha. Sau khi tách tỉnh vào ngày 1-1-1997, Bình Dương còn 13 KCN với diện tích 4.033 ha, mà hạt nhân là KCN Sóng Thần I được thành lập vào tháng 9-1995. Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước chảy mạnh về Bình Dương. Nhờ đó kinh tế - xã hội của tỉnh nhà đã đạt được những thành tựu lớn, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, bộ mặt đô thị hóa đã được hình thành rõ nét.
Có thể nói, Bình Dương đã tận dụng và khai thác triệt để các lợi thế nguồn lực trong và ngoài tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực công nghiệp. Nếu như sau khi tái lập tỉnh, ngành công nghiệp chỉ chiếm 43,7% trong cơ cấu kinh tế thì đến nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có sự chuyển dịch lớn với tỷ trọng công nghiệp là 63%. Chỉ số phát triển ngành công nghiệp trong những năm gần đây đều đạt trên 10%/năm.
Có được kết quả này, một nguyên nhân quan trọng là nhờ hầu hết các dự án đầu tư vào Bình Dương trong thời gian qua đều thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến. Vấn đề này rất phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương trong hành trình vươn lên thành một tỉnh đi đầu về công nghiệp của khu vực Đông Nam bộ mà tỉnh đã đề ra.
Vững bước phát triển
Suốt trong thời gian thực hiện đường lối đổi mới, lấy công nghiệp làm nền tảng phát triển, Bình Dương đã tìm ra con đường đi phù hợp cho mình trong phát triển ngành công nghiệp. Điều đáng nói, trong phát triển công nghiệp, Bình Dương luôn chú trọng đến việc huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) gắn với đô thị hóa và công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn làm
đòn bẩy phát triển. Nhờ vậy đến nay, toàn tỉnh đã có 28 KCN tập trung với tổng diện tích 10.560 ha và 10 cụm công nghiệp với diện tích 707 ha. Có thể kể đến các KCN đã đi vào hoạt động hiệu quả, làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như Việt Nam - Singapore, Đồng An, Việt Hương, Sóng Thần, Mỹ Phước…
Sự thành công của chính sách phát triển công nghiệp làm đòn bẩy hôm nay của Bình Dương chính là nhờ những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà. Nhìn lại chặng đường phát triển đã qua, tuy gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng với ý chí phấn đấu vươn lên, Bình Dương đã huy động được sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, phát huy được lợi thế so sánh của địa phương về vị trí địa lý... để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển công nghiệp.
Sau ngày tái lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đã quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững, đưa ngành công nghiệp đạt được những kết quả to lớn. Với thành quả đã đạt được trong 20 năm qua, Bình Dương có thể tự hào với một nền công nghiệp sản xuất hàng hóa mạnh và bền vững. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để Bình Dương vươn lên tầm cao mới trong thời gian tới.
Kỳ 3: Điểm nhấn các tuyến đường huyết mạch
KHÁNH VINH