Khoảng thời gian 4 năm sau khi tái lập tỉnh, những năm cuối thế kỷ XX là giai đoạn có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng nền tảng, định hướng phát triển cho một Bình Dương đầy tiềm năng. 4 năm sau khi tái lập tỉnh cũng là thời gian mà Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, đó là quá trình bền bỉ vượt qua mọi khó khăn để Bình Dương nhanh chóng đuổi kịp các tỉnh trong khu vực…
Trong 4 năm sau khi tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Dương đã đoàn kết , đồng thuận vượt qua khó khăn thách thức, tạo thế và lực mới, vững bước tiến vào thế kỷ XXI. Trong ảnh: Một tuyến đường tạo lực dẫn vào KCN Mỹ Phước Ảnh: Q.CHIẾN
Ngay sau khi tái lập tỉnh, cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở các nước trong khu vực xảy ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế cả nước, trong đó có Bình Dương. Song, kế thừa và phát huy thành quả của tỉnh Sông Bé, với tinh thần đoàn kết, đồng thuận và quyết tâm cao độ, Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực vượt khó khăn, thử thách và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực.
Trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn này, tỉnh có 49 đơn vị và 29 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 6 trường hợp được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động (3 tập thể, 3 cá nhân). Trong đó, có 2 tập thể (Công ty Cao su Dầu Tiếng, Công ty Vật liệu và Xây dựng), 2 cá nhân là ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Becamex (nay là Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp TNHH MTV Becamex IDC) và ông Huỳnh Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Vật liệu và Xây dựng được tuyên dương Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới… |
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, Bình Dương đã ra sức phát triển kinh tế, tạo bước đột phá và trở thành một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nền kinh tế luôn giữ mức tăng trưởng ổn định, tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng trưởng bình quân 14%/năm; thu ngân sách tăng 9%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng 10,4%. Cơ cấu kinh tế năm 2000 của tỉnh là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 58% - 25,1% - 16,9%.
Với chính sách và môi trường đầu tư thông thoáng, Bình Dương đã thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư cả trong và ngoài nước. Tính đến năm 2000, toàn tỉnh có 1.077 doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động với tổng số vốn 4.420 tỷ đồng. Đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; toàn tỉnh có 323 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư 2,2 tỷ USD. Tỉnh đã quy hoạch 13 khu công nghiệp, trong đó có 7 khu đã đi vào hoạt động, đạt tỷ lệ cho thuê đất khoảng 90%; góp phần giải quyết việc làm cho gần 35.000 lao động…
Lĩnh vực văn hóa xã hội có chuyển biến tốt với những tiến bộ đáng kể, cả về đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng hoạt động. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển, chất lượng dạy và học được nâng lên. Năm 1997, tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia về về cập tiểu học. Năm 2000 đã có 28/79 xã, phường được công nhận hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Chủ trương xã hội hóa trong giáo dục được thực hiện tốt. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai thực hiện có hiệu quả. 100% số xã có trạm y tế, trong đó có 39/79 xã có bác sĩ. Tỉnh cũng thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình thương binh, liệt sĩ. Đến năm 2000, toàn tỉnh đã vận động xây dựng được 508 căn nhà tình nghĩa, 384 nhà tình thương và gần 3.100 sổ tiết kiệm, tổng trị giá gần 30 tỷ đồng. Đặc biệt, phong trào đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nếp sống mới ở cơ sở, khu ấp văn hóa có chuyển biến tích cực…
Những thành tựu trên là kết quả phấn đấu liên tục của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Đây là những tiền đề quan trong và thuận lợi cơ bản để Bình Dương tạo thế và lực mới, vững bước tiến vào thế kỷ XXI, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của giai đoạn tiếp theo. (Còn tiếp)
NHÓM P.V CHÍNH TRỊ