Kỳ 4: Cây cao su, chăn nuôi phát huy vai trò chủ lực trong nông nghiệp
Giai đoạn 1997-2000 ngành nông nghiệp của Bình Dương đã có sự phát triển mạnh nhờ tốc độ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp khá nhanh, các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh được xây dựng phù hợp. Trong đó, cây cao su và chăn nuôi đã phát huy vai trò chủ lực trong phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Khai thác mủ cao su tại Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (huyện Phú Giáo). Ảnh: Q.NHIÊN
Cao su trở thành cây công nghiệp chủ lực
Trong giai đoạn 1997-2000, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh tăng bình quân 5,5%/năm. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa với các vùng chuyên canh cây lâu năm. Trong đó, cây cao su đã trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của tỉnh.
Trong những ngày đầu tái lập tỉnh, diện tích cao su của Bình Dương bị thu hẹp, nhưng tỉnh nhà vẫn khẳng định cao su là cây công nghiệp thế mạnh của tỉnh. Đến năm 2000, diện tích cây cao su của tỉnh đạt 94.600 ha, chiếm gần 25% diện tích cây cao su của cả nước. Trong đó, Công ty Cao su Dầu Tiếng và Công ty Cao su Phước Hòa là hai công ty dẫn đầu về năng suất, sản lượng và chất lượng mủ cao su.
Năm nay 74 tuổi, Đại tá, cựu chiến binh Đoàn Minh Chiến, ở xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên đã có 32 năm gắn bó với cây cao su. Chia sẻ là người từng chiến đấu giữa bạt ngàn cao su của Chiến khu Đ, năm 1984 ông khai hoang, phục hồi vùng đất trống đồi trọc tại Chiến khu Đ, thay thế vào đó là những vườn cao su, vì ông nhận thấy cây cao su phù hợp với khí hậu địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ cây cao su mà gia đình ông đã ổn định cuộc sống, từng bước xây dựng nên trang trại tổng hợp gần 54 ha như ngày hôm nay.
Chăn nuôi phát triển mạnh
Tỷ trọng ngành chăn nuôi của tỉnh đã tăng từ 13,8% trong giá trị sản xuất nông nghiệp năm 1997 lên 19,6% năm 2000. Trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh giai đoạn này, ngành chăn nuôi tăng tỷ trọng và có sự chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm. Giai đoạn 1997-2000, ngành chăn nuôi của Bình Dương phát triển theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp. Việc phát triển đàn heo và đàn gia cầm của tỉnh gắn với việc triển khai các dự án đầu tư nước ngoài; đồng thời Bình Dương chú trọng phát triển đàn bò sữa ở hai huyện Bến Cát và Tân Uyên; thực hiện chương trình phát triển đàn bò thịt và bò sinh sản ở các huyện, thị phía bắc của tỉnh. Riêng về số lượng đàn heo trên địa bàn tỉnh tăng từ trên 87.000 con năm 1997 lên gần 179.000 con năm 2000.
Trong giai đoạn này, chăn nuôi công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh. Đến năm 2000, toàn tỉnh có 114 trang trại và 2 đơn vị đối tác nước ngoài tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi. Sản phẩm chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa được đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, cung cấp ra thị trường và đem lại nguồn thu nhập tương đối cao cho nông dân.
Từ năm 1997, chương trình “nạc hóa” đàn heo cũng đã được các địa phương trong tỉnh thực hiện. Nhờ đó, tỷ lệ heo hướng nạc tăng từ 13% năm 1997 lên 22% năm 2000. Các trang trại chăn nuôi tập trung chủ yếu ở các huyện Phú Giáo, Bến Cát, Dầu Tiếng. Bên cạnh đó, số lượng tổng đàn gia cầm tăng từ hơn 1,7 triệu con năm 1997 lên hơn 2,2 triệu con năm 2000. Có thể nói, ngành chăn nuôi của tỉnh trong giai đoạn này có sự phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, sự xuất hiện của các trang trại với phương thức sản xuất tiên tiến đã góp phần thay đổi bộ mặt ngành chăn nuôi tỉnh nhà.
Có thể khẳng định giai đoạn 1997-2000, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từ đó tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây công nghiệp (chủ yếu là cây cao su), cùng với đó thực hiện đa dạng cây trồng, vật nuôi. Nhờ vậy, cơ cấu kinh tế nông thôn của tỉnh đã có những thay đổi quan trọng, trong đó chăn nuôi và trồng cây công nghiệp đóng vai trò chủ lực. Đây là kết quả quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
QUỲNH NHIÊN
Kỳ 5: Khu công nghiệp-đòn bẩy phát triển kinh tế