Ấm lòng người có công

Cập nhật: 05-12-2016 | 09:10:43

Trong 2 cuộc kháng chiến, Bình Dương có hàng ngàn người con ra đi, hy sinh xương máu để giành lấy hòa bình, độc lập. Hòa bình lập lại, Bình Dương tích cực chăm lo cho người có công (NCC), đối tượng chính sách (ĐTCS) bằng những việc làm thiết thực. Những nỗ lực đó của tỉnh được Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) công nhận 100% xã, phường, thị trấn “Làm tốt công tác thương binh liệt sĩ - người có công” vào năm 2003 và duy trì đến nay.


Ông Phan Thành Sơn, nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh tặng quà cho gia đình chính sách.
Ảnh: T.VY

Nỗ lực từ địa phương

Phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một được tách ra từ phường Phú Hòa năm 2003. Tiếp nhận những nhiệm vụ mới, trong đó có công tác chăm lo ĐTCS, NCC, lãnh đạo phường xác định phải hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lãnh đạo phường đã chỉ đạo sát các hoạt động để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCC. Cũng trong năm đó, phường đã được công nhận phường “Làm tốt công tác thương binh liệt sĩ - NCC” góp phần để Bình Dương đạt danh hiệu 100% xã, phường, thị trấn “Làm tốt công tác thương binh liệt sĩ - NCC”.

Bà Nguyễn Thị Trúc Phương, Phó Chủ tịch UBND phường, cho biết theo số liệu báo cáo, trước giai đoạn 2003, sau khi tách phường, phường còn gia đình chính sách thuộc hộ nghèo, khó khăn. Sau đó, thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy, phường đã vận động các nhà hảo tâm, trích ngân sách xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ vốn cho ĐTCS phát triển kinh tế. Đến nay, đời sống ĐTCS, NCC trong phường đã khá hơn. Con em ĐTCS, NCC đều được đến trường với những chính sách miễn giảm. NCC còn được chăm sóc sức khỏe, thăm và tặng quà hàng năm.


Công ty CPTM Sabeco Miền Đông tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách.
Ảnh: T.VY

Dầu Tiếng là huyện vùng xa của tỉnh, sau khi tách tỉnh, huyện cũng đã nỗ lực để chăm lo tốt công tác NCC. Theo đó, hàng năm, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã lên kế hoạch cụ thể để hướng dẫn, chỉ đạo cán bộ thương binh - xã hội các xã, thị trấn làm tốt công tác NCC. Bà Ngô Thị Xuyến, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện, cho biết huyện hiện đang quản lý 4.114 ĐTCS. Từ trước đến nay, lãnh đạo huyện luôn xác định công tác “Đền ơn đáp nghĩa” là nhiệm vụ trọng tâm. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo huyện, Phòng LĐ- TB&XH thực hiện tốt công tác chăm lo để gia đình chính sách, NCC sống vui, sống đầy đủ, hạnh phúc. Đến nay, huyện không còn hộ chính sách thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh, cơ bản xóa xong nhà tạm cho hộ chính sách.

Ấm lòng NCC

“Ăn quả nhớ người trồng cây” là truyền thống đạo lý của dân tộc ta nói chung và của nhân dân tỉnh Bình Dương nói riêng. Trong những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là từ năm 2003 sau khi được công nhận danh hiệu xã, phường, thị trấn “Làm tốt công tác thương binh liệt sĩ - NCC”.

Ngành LĐ-TB&XH đặc biệt quan tâm và luôn phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể thực hiện chính sách chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ - NCC, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng; tuyên truyền phổ cập các chính sách, gương điển hình các xã phường, cơ quan, cá nhân làm tốt công tác đối với NCC, làm cho lĩnh vực này mang tính xã hội hóa ngày càng sâu sắc, vững chắc và hiệu quả.

Trong năm 2003, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng mới 171 căn nhà tình nghĩa với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng, sửa chữa 43 căn khác với kinh phí gần 295 triệu đồng và tặng 17 sổ tiết kiệm. Việc thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách trong các dịp lễ, tết như ngày 27-7, tết âm lịch trở thành truyền thống tốt đẹp. Ngành trang cấp đồ dùng niên hạn cho 193 thương bệnh binh nặng; cấp 8.040 thẻ bảo hiểm y tế cho các ĐTCS. Ngành LĐ- TB&XH cũng đã tiếp nhận, trình UBND tỉnh và Bộ LĐ-TB&XH xem xét, giải quyết cho 1.489 hồ sơ đối tượng chính sách, điều chỉnh ngưng hưởng trợ cấp cho 297 trường hợp gia đình liệt sĩ, NCC; đồng thời, trợ cấp khó khăn đột xuất cho 60 trường hợp gia đình chính sách và hỗ trợ tiền tàu xe cho 95 trường hợp gia đình liệt sĩ khác đến thăm viếng mộ. Trong năm 2003, ngành đã quy tập được 72 mộ liệt sĩ vào an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ huyện, thị.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, nguyên Phó Giám đốc Sở LĐ- TB&XH, cho biết những năm tháng mới tách tỉnh, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng luôn được tỉnh quan tâm đặc biệt và được cụ thể hóa bằng nhiều chủ trương, chính sách. Theo đó, các ngành, đoàn thể, các cấp ủy Đảng và chính quyền; các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã tăng cường chăm sóc NCC và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa để họ và thân nhân họ có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Nhiều tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân ngày càng thể hiện nhiều hơn tấm lòng tri ân thông qua những việc làm thiết thực đối với các ĐTCS. Qua đó giúp NCC cảm thấy “ấm lòng” trước những hy sinh của bản thân, thân nhân cho địa phương, cho đất nước.

Từ năm 1997 đến 2015, Bình Dương quản lý gần 13.000 hồ sơ NCC, qua nhiều lần chính sách ưu đãi được bổ sung, Sở LĐ-TB&XH đã giải quyết mới hơn 39.000 hồ sơ, nâng tổng số hồ sơ đang quản lý trên 52.000; đang thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho 8.862 đối tượng với kinh phí bình quân trên 12 tỷ đồng/tháng.

 

 T.LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=905
Quay lên trên