(BDO) Ngày 15-5-2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ký ban hành Kế hoạch số 2363/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử (TMĐT) tỉnh Bình Dương năm 2024.
Kế hoạch nhằm triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh giao dịch TMĐT xuyên biên giới, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm công nghiệp chủ lực, nông sản, thực phẩm và sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về lĩnh vực TMĐT và xử lý các hành vi vi phạm hành chính. Nắm bắt tình hình phát triển TMĐT làm cơ sở cho việc triển khai chính sách và thực thi pháp luật về TMĐT trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch bao gồm 14 nhiệm vụ trọng tâm và 20 nhiệm vụ cụ thể được giao cho các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; các Hội, Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện.
Các nhiệm vụ trọng tâm của Sở Công thương được UBND tỉnh giao như sau:
- Phối hợp Bộ Công thương, các cơ quan có liên quan triển khai các sự kiện thúc đẩy phát triển hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh (Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday) và các sự kiện khác theo đề nghị của Bộ Công thương. Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tăng cường triển khai các chương trình xúc tiến: quảng bá hình ảnh sự kiện hội chợ, triển lãm, hội thảo, giao thương, kết nối doanh nghiệp... trên môi trường trực tuyến.
- Hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiếp cận các hoạt động TMĐT; lựa chọn các doanh nghiệp đủ năng lực kết nối đưa sản phẩm lên sàn TMĐT trong và ngoài nước, tham gia chương trình “Gian hàng Việt Nam” trên các sàn TMĐT; tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ năng TMĐT, xuất nhập khẩu trực tuyến cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với các sàn TMĐT lớn, uy tín (Voso, Postmart, Sendo, Shopee, Lazada, Tiki,...) tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo kết nối, hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân mở gian hàng trên sàn TMĐT nhằm mở rộng thị thường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng.
- Phối hợp với các hệ thống bán lẻ/bán buôn thương mại điện tử: Amazon Global Selling, Google, Alibaba … tổ chức các sự kiện kết nối về TMĐT kết hợp khu trưng bày sản phẩm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các sàn giao dịch TMĐT quốc tế, nhằm hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
- Chủ động rà soát các website/ứng dụng nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm quy định trong hoạt động thương mại điện tử. Phối hợp với Cục QLTT kiểm tra hoạt động TMĐT của các cá nhân/tổ chức tại địa phương.
- Phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương quản lý cơ sở dữ liệu tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghĩa vụ đăng ký/thông báo theo quy định tại địa chỉ http://online.gov.vn; tổ chức tập huấn cho cán bộ phụ trách quản lý nhà nước về TMĐT, tổng quan và xử lý vi phạm trong TMĐT.
Diệu Hằng – Phòng QLTM