Bình Dương có nhiều thuận lợi khi khởi nghiệp

Cập nhật: 21-11-2017 | 08:45:07

Theo đánh giá, Bình Dương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển công nghiệp và dịch vụ. 20 năm qua, nhờ những cách làm sáng tạo, Bình Dương đã có sự bứt phá ngoạn mục và trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế của cả nước. Song song với thu hút đầu tư nước ngoài, lãnh đạo tỉnh cũng quan tâm xây dựng môi trường kinh doanh, hệ sinh thái khởi nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa phát triển.   

Các bạn sinh viên tham gia chương trình giao lưu khởi nghiệp dành cho thanh niên - sinh viên Bình Dương. Ảnh: TIỂU MY

Cơ hội cho các bạn trẻ khởi nghiệp

Tháng 9-2017, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Theo đó, giai đoạn 2017-2018, tỉnh sẽ từng bước hoàn thiện cơ chế, hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực của các thành phần tham gia hoạt động khởi nghiệp; thành lập trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh; hỗ trợ phát triển 30 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ cho biết, hiện đơn vị có Quỹ phát triển khoa học - công nghệ, trong đó có tài trợ nghiên cứu khoa học cho các bạn sinh viên. Tuy nhiên, lâu nay các hoạt động khoa học - công nghệ của Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng, việc gắn kết thương mại hóa sản phẩm khoa học - công nghệ còn yếu. Sở đã nhận thấy vấn đề này. Do đó, trong năm 2018, chủ đề hoạt động của Sở Khoa học - Công nghệ là “kết nối” nhằm làm cầu nối gắn kết giữa các nhóm nghiên cứu, các trường với DN, kết nối các nhóm khởi nghiệp với các DN đang hoạt động. Hiện Bình Dương cũng đang triển khai đề án thành phố thông minh theo mô hình “3 nhà” gắn kết: Nhà nước - doanh nghiệp - nhà trường, tạo ra nhiều cơ hội để kết nối với thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học.

Tại diễn đàn chương trình “Giao lưu khởi nghiệp năm 2017” do báo Diễn đàn Doanh nghiệp và trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp tổ chức mới đây, nhà báo Phạm Hùng, Trưởng ban Chương trình Khởi nghiệp quốc gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho biết, để thực hiện được mục tiêu Bình Dương là một trong những địa phương đi đầu trong khởi nghiệp, trở thành trung tâm khởi nghiệp của cả nước, trường Đại học Thủ Dầu Một cần đẩy mạnh đào tạo lý thuyết đi liền với triển khai, áp dụng thực tiễn để sinh viên ra trường nhanh chóng biết vận dụng kiến thức của mình vào sản xuất, kinh doanh, làm giàu. Từ đây, nhiều DN trẻ khởi nghiệp tiêu biểu của tỉnh sẽ xuất hiện.

Không có công thức chung cho khởi nghiệp

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, ông Đặng Đức Thành, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư thảo dược xanh (Bến Tre) nhìn nhận, để khởi nghiệp thành công, điều quyết định là phải xây dựng cho được đề án kinh doanh khả thi. Muốn xây dựng đề án kinh doanh khả thi, có hai điều quan trọng; thứ nhất đó là đổi mới sáng tạo. Ví dụ, chúng ta muốn đề án kinh doanh của mình có cái gì khác với các công ty cùng ngành đã làm, tức là trong đề án kinh doanh quan trọng nhất là phải có ý tưởng đổi mới sáng tạo; thứ hai muốn xây dựng đề án kinh doanh khả thi cần phải có chữ “thời” trong kinh doanh. Nếu chúng ta kinh doanh trong một ngành “hết thời” thì sẽ vô cùng khó khăn, vì nhu cầu thị trường không có nhiều mà quá nhiều ngành đã và đang làm trong ngành đó rồi. Từ đó dẫn tới hàng tồn kho, vốn chìm vào hàng và cơ sở vật chất sản xuất ra sản phẩm.

Theo ông Thành, vấn đề quan trọng nhất là đề án kinh doanh khả thi ở ngành mình yêu thích và phải hợp thời, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đi vào nhu cầu thật.

Ông Hà Huy Cường, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình thì đưa ra thực tế, trong số các DN trong nước hiện nay có đến 95% là DN nhỏ và vừa. Bình quân 100.000 DN khởi nghiệp thì năm đầu tiên “chết” 70% số lượng DN khởi nghiệp, năm tiếp theo tiếp tục rơi rụng thêm 10% và tới năm thứ ba chỉ còn lại chừng 10% số lượng DN khởi nghiệp phát triển được.

Ông Hà Huy Cường chia sẻ, các bạn trẻ cần phải có sự đam mê, sẵn sàng đầu tư thì mới nên khởi nghiệp, chứ đừng làm khởi nghiệp theo trào lưu. Mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2020, cả nước sẽ có 1 triệu DN. Trong số này, chỉ cần 0,5% số DN khởi nghiệp sáng tạo đã là một sự thành công. Ngân hàng An Bình hiện đang có gói hỗ trợ vốn tín chấp cho DN khởi nghiệp lên tới 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng tiếp cận được nguồn vốn, mà chỉ những dự án thật sự khả thi, nghiêm túc trong kinh doanh mới được ngân hàng lựa chọn rót vốn. Ông Cường khẳng định “Nếu ý tưởng và đề tài khởi nghiệp nghiêm túc, tiềm năng thì có lẽ người trẻ khởi nghiệp không cần phải tìm tới ngân hàng mà các nhà đầu tư, các quỹ khởi nghiệp họ sẽ tìm tới các bạn để rót vốn. Đó là một phương thức huy động vốn hiệu quả nhất”. 

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=515
Quay lên trên