Bình Dương- Dấu ấn 1/4 thế kỷ

Cập nhật: 21-12-2021 | 08:50:22

LTS: Tiếp nối mạch nguồn, sau khi tỉnh Sông Bé được chia tách để thành lập 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước, trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đã đoàn kết, đồng lòng ra sức đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa. Bình Dương hôm nay đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh, thành có nền sản xuất công nghiệp hiện đại hàng đầu và đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

Bình Dương khởi đầu hành trình 25 năm bằng một con đường đã chọn, đó là tiến hành đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tư duy nền tảng “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”, “trải thảm đỏ thu hút nhân tài”. Đó chính là chủ trương, tư duy đột phá, đặt nền móng cho tỉnh bước vào một giai đoạn bứt phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, được ví như chàng Phù Đổng vươn mình…

Bài 1: Khởi đầu cho hành trình bứt phá

Từ ý Đảng, lòng dân

Cách đây 25 năm, tỉnh Sông Bé (vốn được nhập lại từ một số tỉnh khác như Phước Long, Bình Long, Thủ Dầu Một), diện tích rộng, người thưa, gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phát triển. Trước tình hình đó, Trung ương đã tính toán việc chia tách tỉnh Sông Bé để mở ra không gian phát triển. Đây cũng chính là ý Đảng hợp với lòng dân, khi chủ trương này đã tạo tiền đề để Bình Dương từng bước vươn lên, bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.

Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I (TP.Thuận An), một trong những khu công nghiệp đầu tiên tại Bình Dương, tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ảnh: Q. CHIẾN

ại kỳ họp thứ 10 (từ ngày 15-10 đến 12-11-1996), Quốc hội khóa IX đã ra Nghị quyết về việc chia tách và điều chỉnh địa giới các tỉnh, trong đó có tỉnh Sông Bé. Thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội về việc chia tách tỉnh, ngày 26- 11-1996, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sông Bé ra Nghị quyết số 13/NQ-TU về việc chia tách tỉnh Sông Bé thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Ngày 1-1-1997, tỉnh Bình Dương được hình thành, bước vào giai đoạn xây dựng và phát triển, có diện tích 2.718,50km2, với 4 đơn vị hành chính là TX.Thủ Dầu Một và các huyện Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát.

Kể về sự kiện chia tách tỉnh Sông Bé để thành lập 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước cách đây 25 năm, đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, chia sẻ: “Khi đó, tôi cũng có “lý sự” một chút, Trung Quốc to thế nhưng có 30 tỉnh thôi, nước mình nhỏ mà có 60 tỉnh rồi, nên tách hay không? Tuy nhiên, qua trao đổi thì thấy tách ra, địa bàn gọn lại, đi lại thuận tiện. So với trình độ, điều kiện của mình lúc bấy giờ, tách ra thuận lợi cho việc làm ăn, chỉ đạo, nên đồng ý tách và thực hiện rất nhanh. Theo chỉ đạo của Trung ương, chúng tôi về tìm hiểu, tính toán, lập bản đồ chia tách và Trung ương duyệt. Đầu năm 1997, Sông Bé được tách làm 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước…”.

Còn đồng chí Nguyễn Minh Đức, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cho biết: “Thời kỳ cuối của tỉnh Sông Bé, tôi đang là Chủ tịch UBND tỉnh, anh Sáu Phong (đồng chí Nguyễn Minh Triết) là Bí thư Tỉnh ủy. Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ V, chỉ vài tháng sau, Trung ương đặt vấn đề chia tách tỉnh, để hướng theo đà tiến lên của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho phù hợp giai đoạn đó. Bộ Chính trị đã quyết định thì chúng tôi thống nhất, chấp hành nghiêm túc…”.

Đồng thời với việc chia tách tỉnh Sông Bé, ngày 12-12-1996, Bộ Chính trị ra Quyết định số 118-QĐNS/TW thành lập Đảng bộ tỉnh Bình Dương và chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời gồm 37 đồng chí, trong đó Ban Thường vụ lâm thời có 11 đồng chí; đồng chí Nguyễn Minh Đức được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phan Văn Đương là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Hồ Minh Phương là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Tiếp nối mạch nguồn Sông Bé

Ngay sau khi có quyết định thành lập Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Bình Dương khẩn trương ổn định tổ chức, phân công các đồng chí trong Ban Chấp hành, kịp thời bố trí lại đội ngũ cán bộ, bảo đảm thực hiện vai trò lãnh đạo của Tỉnh ủy trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, lãnh đạo chính quyền, MTTQ, các đoàn thể nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Minh Đức kể: “Hình thành bộ máy xong, tỉnh nhanh chóng tiến hành công tác quy hoạch lại, một quy hoạch hoàn toàn mới, trong đó có bước đi trước mắt, có bước đi quá độ 5 - 10 năm. Khi đó, Trung ương đã đánh giá rất cao quy hoạch này bởi có tầm vóc quốc gia, quốc tế. Chiều hướng phát triển vậy là rất thuận lợi. Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ, tỉnh quyết liệt trong nội bộ Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, đặc biệt nhấn mạnh nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Mọi công việc đều có sự thống nhất, xuyên suốt từ cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể…”.

Khi bước vào giai đoạn mới xây dựng và phát triển, Bình Dương có những thuận lợi cơ bản, đó là ánh sáng từ Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng; các cơ chế, chính sách về kinh tế - xã hội đang dần hoàn thiện; sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thu được những kết quả bước đầu; nền kinh tế nhiều thành phần phát triển đúng định hướng; cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật bắt đầu được đầu tư theo hướng hiện đại… Đặc biệt, Bình Dương còn có vị trí địa lý thuận lợi trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam… Bên cạnh thuận lợi, nhiều khó khăn, thách thức cũng đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh như xuất phát điểm thấp về nhiều mặt so với các địa phương khác, nguồn nhân lực còn hạn chế…

Tuy nhiên, bằng ý chí quyết tâm cao độ, tư duy dám nghĩ biết làm, tinh thần đoàn kết, thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực trong thời kỳ đầu bắt tay vào quá trình xây dựng và phát triển. Những thành tựu ban đầu đã khẳng định đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, con đường phát triển mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh đã chọn, cũng như đặt nền móng vững chắc để Bình Dương bắt đầu bứt phá, vươn lên trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa… (còn tiếp)

Chỉ trong 1 năm (1997) thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lâm thời, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao và phát triển tương đối toàn diện. So với năm 1996, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 17,5%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 42%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,4%; giá trị dịch vụ - du lịch tăng 10,4%; kim ngạch xuất khẩu tăng 41%; thu ngân sách tăng 29%; bình quân thu nhập đầu người đạt khoảng 5,8 - 6 triệu đồng. Đặc biệt, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp - dịch vụ -nông nghiệp, với tỷ trọng tương ứng: 50% - 27% - 23%.

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2194
Quay lên trên