Bài 8: Giáo dục - Đào tạo phát triển vượt bậc
Bài cuối: Nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân
Cùng với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ, hạ tầng, Bình Dương đặc biệt quan tâm chăm lo cho các đối tượng gia đình chính sách, hộ nghèo và thực hiện tốt giải quyết việc làm. Từ đó, thu nhập bình quân của người dân không ngừng được năng cao qua từng năm.
Xóa hộ nghèo, chăm lo gia đình chính sách
Những năm qua, Bình Dương đã thực hiện tốt công tác giảm nghèo thông qua việc kết hợp nhiều giải pháp, như: Ưu tiên đầu tư nguồn lực tập trung cho các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng và công trình phúc lợi khác đối với các xã vùng khó khăn; thực hiện chính sách ưu đãi đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo như cho vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ về bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí và các khoản đóng góp khác. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện chính sách bảo lưu đối với hộ vừa thoát nghèo, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm xây dựng, tặng nhà đại đoàn kết, tặng quà, khám chữa bệnh miễn phí, nhân rộng mô hình sinh kế cho hộ nghèo....
Từ những chính sách cụ thể, thiết thực trên, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh. Từ năm 1997 đến nay, Bình Dương có khoảng 46.000 hộ thoát nghèo và tỉnh đã 9 lần nâng mức chuẩn nghèo cao hơn so với chuẩn nghèo quốc gia. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, nâng thu nhập gấp khoảng 1,5 lần so với chuẩn nghèo thu nhập của quốc gia. Đến nay, Bình Dương là tỉnh duy nhất không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.
Việc chăm lo cho các gia đình chính sách luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong ảnh: Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 3, từ phải sang) thăm, tặng quà một gia đình chính sách ở phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một nhân dịp đầu năm mới 2021
Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Việc Bình Dương nâng thu nhập so với chuẩn nghèo quốc gia cũng đồng nghĩa thu nhập bình quân của người dân trên toàn tỉnh tăng cao so với nhiều tỉnh, thành. Để không có hộ tái nghèo, cán bộ cơ sở thường xuyên quan tâm, bám sát hộ nghèo để kịp thời giúp đỡ như tạo điều kiện vay vốn sản xuất, tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định. Công tác này được thực hiện thường xuyên”.
Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt quan tâm, chăm lo cho gia đình chính sách. Tỉnh đã vận động, tập trung nhiều nguồn vốn xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa, trao nhiều sổ tiết kiệm và nhà đại đoàn kết cho các đối tượng chính sách trong tỉnh. Các chính sách xã hội đối với các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội được các cấp, các ngành, các đoàn thể quần chúng quan tâm và thực hiện tốt.
Tạo việc làm, nâng thu nhập
Song song với tập trung mọi nguồn lực chăm lo tốt đời sống hộ nghèo, gia đình chính sách, giúp họ có nhà, ổn định cuộc sống, việc tạo việc làm cho người dân để nâng cao thu nhập cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trung bình mỗi năm tỉnh tạo việc làm mới cho hàng chục ngàn lao động tại địa phương với thu nhập bình quân đạt từ 8 - 10 triệu đồng/ người/tháng. Với người dân vùng nông thôn, khi đã quá tuổi vào nhà máy làm công nhân, họ sẽ được địa phương tạo vốn vay để kinh doanh nhỏ, lẻ hoặc trồng trọt, chăn nuôi hay có thể tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn như cắt tóc, chăm sóc cây kiểng, nấu ăn, trang điểm...
Từ những lớp dạy nghề này, đã có không ít người trở thành ông chủ của những vườn cây đặc sản, cửa hàng kinh doanh mang lại tiền tỷ mỗi năm. Cũng có không ít thanh niên đã sớm trở thành đầu bếp giỏi cho các nhà hàng tại địa phương với thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Điển hình như anh Lê Chiến Công ở xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng. Cách đây 7 năm, khi huyện Dầu Tiếng thông tin về việc mở lớp đào tạo nghề nấu ăn, anh Công mạnh dạn đăng ký, vì trước đó không có nghề nghiệp ổn định. Qua lớp nghề này, anh đã xin làm việc tại một vài nhà hàng nhỏ với mức lương cơ bản 7 - 8 triệu đồng/tháng. Vừa làm vừa học hỏi, nâng cao tay nghề trong nhiều năm, bây giờ anh trở thành đầu bếp chính kiêm quản lý một nhà hàng lớn ở xã Long Tân với thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng.
Với các bạn trẻ ở các đô thị lớn như TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An, TX.Bến Cát... nếu có trình độ học vấn cao sẽ có nhiều cơ hội việc làm mở ra khi tham gia học ở các trường nghề, nơi cung ứng nguồn lao động cho nhiều nhà máy, xí nghiệp trên toàn tỉnh. Điển hình như Trung cấp Việt - Hàn; trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore; Cao đẳng nghề Đồng An... Mỗi năm, các trường đã đào tạo và cung ứng cho các khu, cụm công nghiệp hàng ngàn lao động có tay nghề cao.
Ông Lê Quang Sơn, Trưởng khoa Cơ khí trường Cao đẳng nghề Đồng An, cho biết: “Để nâng cao thu nhập cho người lao động, những năm qua, trường luôn hướng đến nâng cao tay nghề cho sinh viên. Một khi sinh viên ra trường có chất lượng nghề nghiệp, chắc chắn sẽ được tuyển dụng và trả lương cao, thậm chí các doanh nghiệp đến tuyển dụng tại trường. Hiện tại, 80% giáo viên của trường có trình độ thạc sĩ. Nhà trường không ngừng thay đổi trong cách dạy và học. Đó là giảm lý thuyết, tăng thực hành, đầu tư máy móc hiện đại lên đến hàng chục tỷ đồng để sinh viên có cơ hội cọ xát thực tế. Khi ra trường, được nhận vào làm các công ty lớn, các em không bị lúng túng, bắt nhịp rất nhanh”.
Có thể nói, từ việc chăm lo tốt cho gia đình chính sách, nâng cao thu nhập hộ nghèo, không để tái nghèo và giải quyết tốt việc làm, không để lao động dư thừa, Bình Dương đã không ngừng nâng mức sống toàn xã hội. Qua đó, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Người dân ngày càng đồng thuận chung sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển văn minh, hiện đại.
QUANG TÁM