Kỳ 1: Tập trung nguồn lực để bảo vệ môi trường
Trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, tỉnh Bình Dương rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Quan điểm của tỉnh về BVMT đã được khẳng định rõ trong suốt quá trình công nghiệp hóa, đó là phát triển phải đi đôi với BVMT; phải tạo môi trường sống lành mạnh và thân thiện cho người dân.
Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã đạt được kết quả tốt trong công tác BVMT. Trong ảnh: Dự án cải tạo hệ thống xử lý nước thải của Khu công nghiệp Việt Hương 1 (TX.Thuận An) Ảnh: P.V
Đầu tư mạnh cho công tác BVMT
Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Bình Dương đã huy động nguồn vốn 3.875 tỷ đồng cho công tác BVMT, trong đó nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là 1.938 tỷ đồng. Kết quả, đến nay toàn tỉnh đã có 13 dự án về BVMT được triển khai thực hiện, trong đó có 8 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các dự án tiêu biểu như: Dự án đầu tư nhà máy phân composite; dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương; dự án thoát nước khu vực các Khu công nghiệp An Tây, Mai Trung và Việt Hương II; dự án đầu tư hệ thống quan trắc động thái nước dưới đất...
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, các dự án này đi vào hoạt động đã góp phần đáng kể cải thiện môi trường tại các khu công nghiệp và khu dân cư. Nhờ đó, Bình Dương đã được các tỉnh, thành bạn và Trung ương đánh giá rất cao về công tác BVMT. Bên cạnh đó, việc lồng ghép các yêu cầu về BVMT vào các quy hoạch, kế hoạch đã được tỉnh Bình Dương thực hiện tốt như: Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị; đồ án quy hoạch tổng thể quản lý - xử lý chất thải rắn; quy hoạch phát triển khu công nghiệp… Ngoài ra, tỉnh còn lồng ghép tiêu chuẩn BVMT vào quy chế công nhận gia đình văn hóa, đơn vị văn hóa.
Đối với hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu môi trường của các cơ sở công nghiệp cũng đã được thiết lập. Đến nay, tỉnh Bình Dương đã cơ bản hoàn thành cập nhật xong cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp (DN) với hơn 2.500 cơ sở sản xuất cấp tỉnh, 1.200 cơ sở cấp huyện; đạt tỷ lệ 60% tổng số cơ sở công nghiệp cần quản lý. Trong khi đó, công tác thanh kiểm tra, giám sát môi trường cũng được tỉnh vào cuộc nghiêm túc và rất quyết liệt. 5 năm qua, ngành chức năng đã tiến hành thanh kiểm tra 4.545 đơn vị, xử phạt 1.315 đơn vị vi phạm với số tiền trên 30 tỷ đồng. Kết quả này cho thấy, công tác BVMT đã được các cấp, các ngành trong tỉnh vào cuộc rất quyết liệt.
Nâng cao nhận thức BVMT
Đánh giá về những mặt hạn chế trong công tác BVMT của tỉnh Bình Dương thời gian qua, ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, vấn đề cốt lõi vẫn là nhận thức của một số DN, người dân chưa được nâng cao. BVMT là vì con người, chủ thể là con người nhưng việc nhận thức kém của một số DN và cả người dân khiến cho công tác BVMT chưa được thực thi một cách đồng bộ và hiệu quả nhất. Thực tế cho thấy, mức độ ô nhiễm môi trường được kiềm chề chậm lại, chất lượng các thành phần môi trường trên địa bàn tỉnh có xu hướng được cải thiện. Tuy nhiên, có lúc, có nơi tình trạng ô nhiễm vẫn còn xảy ra như: ô nhiễm nước mặt trên các kênh rạch phía nam của tỉnh; ô nhiễm nước dưới đất tại một số khu vực có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao; ô nhiễm bụi và tiếng ồn tại các nút giao thông và các khu vực khai thác khoáng sản…
UBND tỉnh thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua công tác quản lý nhà nước về BVMT đã được tăng cường nhưng vẫn còn một số bất cập. Trong khi đó, khả năng dự báo diễn biến chất lượng môi trường cũng còn hạn chế; hệ thống quản lý chất thải rắn kiện toàn còn chậm, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, công tác khai thác nguồn thu trong lĩnh vực môi trường còn chưa tương xứng với tiềm năng. Một khó khăn nữa là, việc huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ sở về cấp thoát nước, xử lý chất thải rắn tuy đã được đẩy mạnh nhưng vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Nguyễn Hồng Nguyên chia sẻ, khủng hoảng kinh tế toàn cầu thời gian qua đã ảnh hưởng đến việc huy động nguồn vốn đầu tư cho công tác BVMT. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số DN chưa cao; mạng lưới cấp thoát nước chưa theo kịp tốc độ công nghiệp hóa làm ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch BVMT trong giai đoạn 2011-2020. Theo ông Nguyên, trong giai đoạn 2016-2020, ngoài nhiệm vụ xử lý triệt để và nghiêm khắc các hành vi gây nguy hại tới môi trường tại các cơ sở sản xuất, khu dân cư, công tác BVMT cần phải được tuyên truyền mạnh mẽ và sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế. Trong giai đoạn tới, kinh tế - xã hội nói chung, công nghiệp - đô thị của Bình Dương nói riêng sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ khi Việt Nam tham gia vào sân chơi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các FTA khác thì công tác BVMT cần được nâng tầm cho tương xứng với nhu cầu phát triển. Trong đó, nhiệm vụ tối quan trọng là chuẩn bị đưa Bình Dương trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Khi đó, Bình Dương phải trở thành đô thị văn minh - sạch đẹp, là đô thị đáng sống trong suy nghĩ của người dân trong tỉnh, trong nước và bạn bè quốc tế.
Kỳ 2: Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường
PHÙNG HIẾU