Kỳ 2: Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường
Trong giai đoạn 2016- 2020, nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT) của Bình Dương dự kiến gần 13.230 tỷ đồng. Giai đoạn này Bình Dương sẽ phải tập trung đẩy nhanh cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần xây dựng thành công thành phố Bình Dương văn minh - sạch đẹp.
Công tác tuyên truyền BVMT sẽ tiếp tục được tỉnh Bình Dương chú trọng trong thời gian tới. Trong ảnh: Đoàn viên, thanh niên, lực lượng vũ trang tham gia mít tinh Ngày Môi trường thế giới 5-6-2015 Ảnh: PHÙNG HIẾU
Thu hút đầu tư có chọn lọc
Theo UBND tỉnh, sắp tới 14 dự án về BVMT được tỉnh nhà ưu tiên đầu tư để góp phần cải thiện môi trường như: Dự án mua sắm trang thiết bị phục vụ cho ứng cứu sự cố môi trường do cháy nổ; đề án xử lý chất thải y tế Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn 2025; dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương… Tổng kinh phí cho 14 dự án này là 13.226 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là 7.619 tỷ đồng.
Giai đoạn 2016-2020, mục tiêu của Bình Dương là tiếp tục phấn đấu giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế 13,3%/năm, dân số dự kiến là 2,5 triệu người vào năm 2020, số khu công nghiệp sẽ tăng lên 31 khu. Đặc biệt, Bình Dương sẽ trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Một trong những nhiệm vụ đang được tỉnh Bình Dương thực thi trong công tác BVMT đó là đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - kỹ thuật vào quản lý môi trường nhằm nâng cao năng lực quan trắc thông tin môi trường, kiểm kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải để có biện pháp kiểm soát, xử lý khắc phục ô nhiễm kịp thời.
Trong giai đoạn tới, Bình Dương sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng tối đa. Bình Dương sẽ không tiếp nhận những dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường; đồng thời hạn chế bố trí các dự án sản xuất công nghiệp ở những khu vực chưa có hệ thống hạ tầng thoát nước.
Chủ trương của tỉnh là kiên quyết không cấp phép cho những cơ sở sản xuất chưa có hệ thống xử lý nước thải; không cấp phép cho các cơ sở trong khu công nghiệp xả nước thải trực tiếp ra môi trường; bên cạnh đó các khu công nghiệp, khu dân cư chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật liên quan tới môi trường thì chưa cho đi vào hoạt động.
Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu
Bình Dương phấn đấu đến năm 2020: 100% khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải; 70% đô thị loại 4 trở lên có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 95% chất thải rắn đô thị và chất nguy hại và 100% chất thải y tế được thu gom, xử lý; kiểm soát 100% hoạt động khai thác sử dụng nước dưới mặt đất, bảo đảm 100% tầng chứa nước dưới đất không suy thoái, cạn kiệt; 100% dân số trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch... |
Lãnh đạo Sở Tài nguyên- Môi trường cho biết để bảo đảm nguồn tài nguyên khoáng sản ổn định, tỉnh Bình Dương đang nỗ lực xây dựng hoàn thành sớm quy hoạch khai thác khoáng sản đến năm 2020; đồng thời nghiêm túc thực hiện khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên khoáng sản theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Địa phương cũng sẽ kiên quyết đóng cửa một số mỏ khoáng sản không theo quy hoạch, cùng với đó thực hiện các biện pháp phục hồi cảnh quan môi trường sau khai thác.
Trong khi đó, chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến đang được tỉnh Bình Dương khuyến khích và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư; đồng thời nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bình Dương cũng đang khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp thuộc chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…
Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, cho biết một nhiệm vụ quan trọng của công tác BVMT là bảo tồn và đa dạng sinh học. Về nhiệm vụ này, Bình Dương đang hướng tới bảo vệ, phục hồi và đẩy mạnh trồng rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn tại huyện Dầu Tiếng, rừng sản xuất, rừng trồng tại 2 huyện Phú Giáo và Bắc Tân Uyên nhằm bảo đảm giữ nguyên diện tích và độ che phủ toàn tỉnh. Bên cạnh đó, các dự án trong kế hoạch hành động đa dạng sinh học của tỉnh như: Đề án xây dựng công viên và trồng cây xanh theo quy hoạch đô thị Bình Dương; đề án phục hồi, bảo vệ hệ sinh thái vườn cây ăn trái Lái Thiêu; dự án Làng Tre - Phú An; dự án làng bưởi Bạch Đằng… cũng đang được tỉnh nhà quan tâm sâu sát.
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), đến năm 2020 Bình Dương sẽ hoàn thành tốt các chỉ tiêu về môi trường nhằm bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững; các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý các cấp và cộng đồng trong việc chủ động hạn chế tác động của biến đổi khí hậu trước tác động của triều cường, xâm nhập mặn, ngập lụt do nước biển dâng cao đối với các khu vực ven sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.
PHÙNG HIẾU