Bình Dương nỗ lực phát triển nhà ở xã hội

Cập nhật: 05-09-2015 | 08:40:27

“Ở quê cuộc sống còn nhiều khó khăn nên chúng tôi quyết định đến Bình Dương mưu sinh. Đối với những người xa quê, để sở hữu được căn nhà luôn là ước mơ lớn lao. Với chương trình phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) của Bình Dương, chúng tôi cảm thấy an tâm khi được hỗ trợ mua nhà, sớm biến mơ ước đó thành hiện thực”, anh Nguyễn Văn Thịnh, công nhân Công ty Điện tử Foster (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore ) chia sẻ.

Nhà ở an sinh xã hội Becamex (TP.Thủ Dầu Một) Ảnh: T.PHÚC

Hơn 19.000 tỷ đồng đầu tư NƠXH

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình phát triển NƠXH tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011- 2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bình Dương đã thu hút 82 dự án phát triển NƠXH với tổng diện tích sàn nhà ở là 3.899.949m², đáp ứng cho 238.325 người, tổng mức đầu tư là 19.034 tỷ đồng; trong đó có 43 dự án thuộc Đề án nhà ở an sinh xã hội Becamex do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex.IDC) làm chủ đầu tư. Đến nay, đã có 22 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu cho 36.860 người, đạt 24,01% so với chương trình đề ra. Dự kiến, đến cuối năm 2015 sẽ có 34 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 63.933 người, đạt 59,3% so với chương trình đề ra.

Chương trình phát triển NƠXH tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015 cũng đã phân loại đối tượng được sở hữu những căn NƠXH. Cụ thể, nhà ở cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, Bình Dương đã chấp thuận đầu tư 2 dự án với tổng diện tích sàn nhà ở là 12.838m², đáp ứng cho 1.200 người; đến nay đã có 1 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng cho khoảng 600 người, đạt 4,4% so với chương trình đề ra. Nhà ở học sinh, sinh viên, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án, đáp ứng cho 18.712 người; đến nay đã có 1 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng cho 1.600 học sinh, sinh viên. Nhà ở công nhân, địa phương đã chấp thuận chủ trương đầu tư 20 dự án, đáp ứng cho 29.131 người; đến nay đã có 13 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng cho 17.389 công nhân. Ngoài ra, có trên 200 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân với tổng diện tích sàn là 269.982m², đáp ứng cho khoảng 46.974 người. Dự kiến, tổng diện tích sàn nhà ở công nhân phát triển trong giai đoạn 2011-2015 là 449.118m², đáp ứng cho 65.234 người.

Đối với việc hỗ trợ người có công về nhà ở, tổng số hộ được hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở là 265 hộ, tương đương khoảng 7.860m² sàn; tính đến nay đã xây dựng mới là 40 trường hợp và sửa chữa 225 trường hợp.

Ngoài dự án của tỉnh, các hộ gia đình và cá nhân đã đầu tư xây dựng nhà trọ cho công nhân lao động, học sinh, sinh viên, người lao động thuê ở với tổng diện tích nhà trọ khoảng 3 triệu m2 sàn.

Phát triển NƠXH bền vững

Ông Phạm Văn Cành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết mục tiêu Chương trình phát triển NƠXH tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015 là phát triển NƠXH theo hướng đô thị hóa, đáp ứng nhu cầu bức xúc về nhà ở của đa số tầng lớp nhân dân lao động tại các đô thị trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình thực hiện chương trình vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nhằm tạo điều kiện cho người thu nhập thấp sở hữu nhà, Bình Dương đã triển khai thực hiện gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Tính đến nay (tháng 6-2015), các ngân hàng trên địa bàn Bình Dương đã thẩm định và giải quyết cho 739 trường hợp được vay vốn mua nhà ở với tổng số tiền là 184 tỷ đồng; trong đó vay mua NƠXH là 403 trường hợp với số tiền là 70 tỷ đồng, vay mua nhà ở thương mại là 336 trường hợp với số tiền là 114 tỷ đồng.

Cụ thể, Bình Dương là tỉnh có tốc độ gia tăng dân số cơ học cao so với cả nước. Với số lượng công nhân, người lao động ngoài tỉnh lớn, yêu cầu về giải quyết NƠXH là hết sức lớn và cấp bách; trên thực tế việc phát triển NƠXH chưa theo kịp với tốc độ gia tăng dân số. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu nên hoạt động của thị trường bất động sản đã bộc lộ nhiều hạn chế, phát triển thiếu lành mạnh, không ổn định; tình trạng phát triển bất động sản của một số tổ chức, doanh nghiệp chưa phân loại, phân khúc thị trường đúng hướng. Cùng với đó, tình hình biến động và suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng đến việc đầu tư và phát triển của thị trường bất động sản trong nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng nên việc triển khai các dự án nhà ở, đặc biệt là NƠXH bị chậm lại...

Để khắc phục những khó khăn này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đưa ra giải pháp đó là: Trước hết, xác định ưu tiên dành quỹ đất cho NƠXH với vị trí thuận lợi, phù hợp với yêu cầu phát triển công nghiệp và đô thị. Bên cạnh đó, chương trình phát triển NƠXH phải gắn với việc xã hội hóa; đặc biệt việc phát triển nhà ở phải đa dạng các loại hình để đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp xã hội, trong đó phát triển NƠXH là trọng tâm. Bình Dương sẽ huy động các nguồn lực khác nhau để giải quyết các vấn đề nhà ở, nhất là NƠXH, bảo đảm sự phát triển bền vững trong quá trình phát triển công nghiệp, phát triển đô thị. Bình Dương cũng sẽ tổ chức tổng kết Chương trình phát triển NƠXH tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015 để từng ngành, từng cấp, đơn vị rà soát quá trình thực hiện vừa qua, phát huy những ưu điểm, khắc phục các tồn tại, thiếu sót để thực hiện tốt hơn nữa việc phát triển NƠXH trên địa bàn Bình Dương.

Ngoài ra, Tỉnh ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo, thông qua cơ chế chính sách thông thoáng hơn để các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là các hộ gia đình, cá nhân tham gia xây dựng nhà ở với số lượng, chất lượng tốt hơn cho công nhân, người lao động, người thu nhập thấp... ở ổn định, gắn bó lâu dài tại Bình Dương; đề xuất, kiến nghị các cơ quan Trung ương trong việc bổ sung, sửa đổi một số cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế của Bình Dương…

 

 LÊ THÀNH PHÚC

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1248
Quay lên trên