Bình Dương tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả

Cập nhật: 11-07-2015 | 09:57:44

Sáng qua (10-7), ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi gặp gỡ với đại diện doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tham dự buổi gặp về phía Nhật Bản có Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh Satomi Nakjima, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh.

Đại diện DN Nhật Bản nêu ý kiến tại buổi gặp lãnh đạo tỉnh Bình Dương

Tạo môi trường đầu tư hiệu quả

Tại buổi gặp, ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, Bình Dương là một trong những địa phương năng động trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay của Việt Nam. Phát huy lợi thế về vị trí địa lý, là cửa ngõ giao thương giữa các tỉnh Tây nguyên, miền Trung với TP.Hồ Chí Minh, có các trục lộ giao thông huyết mạch của quốc gia chạy qua, Bình Dương luôn xem vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh luôn cầu thị, năng động và đối thoại, giải quyết khó khăn cho DN; vận dụng tốt, linh hoạt các quy định của Trung ương về thu hút đầu tư. Tỉnh cũng quy hoạch phát triển mạng lưới hạ tầng kinh tế - xã hội, kết hợp quy hoạch hạ tầng khu công nghiệp với phát triển đô thị khá đồng bộ và từng bước hiện đại. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính được công khai, minh bạch và thực hiện nhanh, gọn. Chủ trương của tỉnh là hướng đến tạo môi trường tốt nhất cho nhà đầu tư.

“Quan hệ hai nước Việt Nam - Nhật Bản đang trong giai đoạn hết sức tốt đẹp. Hiện nay, khoảng hơn 200 DN Nhật Bản đang đầu tư tại Bình Dương. Bình Dương có môi trường đầu tư hấp dẫn. Trong thời gian tới các DN Nhật Bản khác sẽ tiếp tục đầu tư vào Bình Dương”

(Ông SATOMI NAKJIMA, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh) 

Về thu hút vốn đầu tư để phát triển, đặc biệt là trong xây dựng và phát triển các khu công nghiệp tập trung, thời gian qua Bình Dương đã đạt được những kết quả lớn. Đến nay, toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích quy hoạch 9.423 ha, tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 65%; đến năm 2020 Bình Dương có 35 KCN với diện tích hơn 13.919 ha.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư, đến nay Bình Dương đã có 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư, trong đó Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 4,87 tỷ đô la Mỹ. Điều này chứng tỏ môi trường đầu tư năng động và thuận lợi của tỉnh luôn là điểm đến hấp dẫn đối với các DN Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung.

Đánh giá về môi trường đầu tư tại Bình Dương, ông Tsutomu Sakagami, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, Bình Dương là một trong 4 tỉnh, thành phía Nam thu hút lớn vốn đầu tư của DN Nhật Bản. Có thể nói đây là tỉnh có môi trường đầu tư tốt. Với những chính sách mà Bình Dương đang thực hiện đã và đang tạo sự an tâm cho người lao động sống và làm việc tại Bình Dương.

Ông Nakata Yasuya Ki, Tổng Giám đốc Công ty Becamex Tokyu nói, FDI vào Bình Dương ngày một tăng trưởng cao. Có được điều này là nhờ vào các chính sách đúng đắn của tỉnh Bình Dương. “Chúng tôi với tư cách là nhà DN Nhật Bản cũng như các DN nước ngoài khác đánh giá rằng, môi trường đầu tư của tỉnh Bình Dương là rất tốt. Becamex Tokyu đã thành lập các dự án như dự án Sora Gardens - dự án căn hộ cao tầng, tiếp theo là dự án Hikari với khu ẩm thực và mua sắm tại Thành phố mới Bình Dương, khai trương tuyến xe buýt nối liền trung tâm TP.Thủ Dầu Một với Thành phố mới Bình Dương. Để đạt được những kết quả như trên, chúng tôi nghĩ rằng đó là nhờ nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh Bình Dương và đối tác của chúng tôi là Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC). Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục cùng với tỉnh thực hiện các dự án nhằm góp phần phát triển Thành phố mới Bình Dương”, ông Nakata Yasuya Ki nói.

Kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho DN

Trao đổi tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, các DN Nhật Bản cho biết hiện nay họ còn gặp những khó khăn, vướng mắc về kê khai thuế qua mạng, đăng ký sản phẩm, triển khai Luật Doanh nghiệp 2014, chính sách về thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp... Đại diện Công ty DNP cho biết, thời gian qua công ty tiếp cận thông tin khai thuế qua điện tử chưa được kịp thời. Còn đại diện Công ty Roto nêu những băn khoăn về việc kê khai thuế qua điện tử, vấn đề giấy phép đăng ký kinh doanh, việc triển khai Luật Doanh nghiệp 2014 đến DN.

Chia sẻ những khó khăn này, ông Lê Văn Trang, Cục trưởng Cục Thuế cho biết sẽ rà soát lại toàn bộ danh sách các DN đóng trên địa bàn để triển khai gửi đến ngay cho DN những thông tin về khai thuế qua điện tử một cách nhanh nhất, chính xác nhất. Liên quan về những chính sách thuế mới, Cục Thuế sẽ tổ chức một buổi gặp gỡ, đối thoại DN vào cuối tháng 7 này để lắng nghe những ý kiến, góp ý của DN cũng như mong muốn được hỗ trợ DN tìm hiểu về những chính sách thuế, góp phần tạo thuận lợi cho DN hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Trang cũng cho biết thêm, nộp thuế qua điện tử là chủ trương của Chính phủ Việt Nam. Đối với các quốc gia có nền kinh tế phát triển, hầu hết là thực hiện nộp thuế qua điện tử. Mục tiêu của nộp thuế qua điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN trong quá trình nộp thuế. Theo quy định của Chính phủ Việt Nam, cuối tháng 9-2015, hầu hết DN đang hoạt động sản xuất ở Việt Nam đều phải kê khai nộp thuế qua điện tử.

Bên cạnh đó, các thắc mắc của DN về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp... cũng đã được các sở, ngành chức năng giải đáp một cách thỏa đáng.

Phát biểu kết luận tại buổi gặp gỡ, ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận những ý kiến của các DN. Một số vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh chưa được giải đáp hết tại cuộc gặp này, đề nghị các sở, ngành có văn bản trả lời cụ thể cho DN. Riêng đối với những vấn đề liên quan đến thẩm quyền của các bộ, ngành, tỉnh sẽ tổng hợp để kiến nghị xem xét, giải quyết.

Ông Nam đánh giá, thời gian qua các DN Nhật Bản đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật Việt Nam, quan tâm, chăm lo đến đời sống người lao động và tham gia tích cực vào các hoạt động của địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương. Ông cũng mong rằng, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh tiếp tục là cầu nối hữu hiệu giữa chính quyền địa phương và các DN, thông tin kịp thời, chính xác những khó khăn, vướng mắc của các DN Nhật Bản để tỉnh có hướng giải quyết một cách nhanh nhất. “Bình Dương luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư và tạo mọi điều kiện tốt nhất để các DN sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại Bình Dương”, ông Nam khẳng định.

Hiện tại, các DN Nhật Bản đã đầu tư vào 49/63 tỉnh, thành trong cả nước. Bình Dương đứng thứ 2 (sau Thanh Hóa) về thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản với 231 dự án, tổng số vốn đầu tư 4,86 tỷ đô la Mỹ.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, các DN Nhật Bản đã đầu tư 8 dự án mới với tổng số vốn 82,2 triệu đô la Mỹ và 11 dự án đầu tư bổ sung vốn với 28,6 triệu đô la Mỹ.

 

PHƯƠNG LÊ 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên