Kỳ 1: Phát triển bền vững, đẩy lui cái nghèo
Sau 20 năm tái lập tỉnh, kiên trì đường lối đổi mới, Bình Dương đã có nhiều thành công trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điều đáng mừng là trên bước đường phát triển mạnh mẽ ấy, người nghèo trong tỉnh luôn được quan tâm, giúp đỡ vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống.
Người nghèo ở Bình Dương luôn được các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ để vươn lên trong cuộc sống. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi heo của chị Nguyễn Thị Thanh, ở xã Long Tân, huyện Phú Giáo.
Ảnh: Q.NHIÊN
Giảm nghèo có căn cơ
Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, khi tách tỉnh năm 1997, Bình Dương có 904 hộ đói, 14.662 hộ nghèo, chiếm 12% trên tổng số dân; thu nhập bình quân đầu người mới đạt 5,8 triệu đồng/năm. Gần 20 năm sau, suốt hơn 50km dọc quốc lộ 13, san sát những nhà máy, xí nghiệp, khu đô thị đã mọc lên. Nay Bình Dương có TP.Thủ Dầu Một và mở rộng 4 TX.Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và Bến Cát. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 của tỉnh gấp nhiều lần so với thời điểm tách tỉnh.
Điều đáng vui mừng là người nghèo trong tỉnh luôn được các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ. Chỉ riêng trong giai đoạn 2011-2015, Bình Dương có trên 11.000 hộ thoát nghèo là một nỗ lực to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà. Điều đáng nói là có đến 31 xã, phường, thị trấn và 4 huyện, thị trong toàn tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1% trở lên.
Theo kết quả điều tra hộ nghèo đầu giai đoạn 2016- 2020, Bình Dương không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương và tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí riêng của tỉnh còn rất thấp (1,32% trên tổng số hộ dân toàn tỉnh). Qua đó, Bình Dương trở thành tỉnh đầu tiên và duy nhất của cả nước không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương. Đây là một nỗ lực to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh trong suốt chặng đường thực hiện xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Có thể nói, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của Bình Dương đã đạt được những thành quả như hôm nay, trước hết phải nói đến là những thành tựu vượt bậc trong thu hút đầu tư vào tỉnh. Đặt biệt, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tác động mạnh mẽ, tích cực đến tăng trưởng kinh tế, phát triển công nghiệp, đến các mặt của đời sống xã hội. Kinh tế phát triển đã tạo ra nhiều nguồn lực, tiền đề, điều kiện thuận lợi để địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, trong đó có việc chăm lo cho người nghèo.
Theo ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, một trong những công tác quan trọng trong thời gian tới để hướng đến những cột mốc mới trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của tỉnh chính là việc xây dựng các mô hình sinh kế hiệu quả cho người nghèo để tổ chức nhân rộng phù hợp với đặc điểm, điều kiện sống của từng hộ nghèo, người nghèo. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tích cực triển khai tốt công tác vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của chính các hộ nghèo, của cộng đồng, người dân để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Đây cũng chính là giải pháp căn cơ để giúp người nghèo có điều kiện tốt nhất để vươn lên trong cuộc sống. |
Ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, vai trò quyết định mang lại thành công hôm nay chính là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh qua các thời kỳ đối với công tác giảm nghèo với quan điểm “gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh, giải quyết các vấn đề xã hội”. Có thể nói, những thành quả đạt được vừa qua là nhờ sự thẩm thấu lâu dài, qua nhiều thời kỳ trong thực hiện chính sách giảm nghèo với quan điểm, chủ trương mang tính bền vững của lãnh đạo tỉnh; sự triển khai thực hiện đồng bộ, linh hoạt phù hợp với thực tiễn và có chiều sâu của các cấp, các ngành và địa phương.
Người nghèo, cận nghèo trong tỉnh qua các thời kỳ luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt từ các cấp chính quyền, hội, đoàn thể ở địa phương... Qua đó, người nghèo không bị tụt hậu so với tiến trình đổi mới mà vươn lên cải thiện thu nhập và đóng góp một phần không nhỏ vào sự bứt phá, vươn vai phát triển của tỉnh nhà. Đây cũng là sự thành công lớn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của tỉnh.
Tiếp tục tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên
Từ năm 2006, tỉnh Bình Dương không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương. Tuy nhiên, nói như ông Hà Minh Trung thì giảm nghèo đã khó, giúp cho dân không tái nghèo lại càng khó hơn. Đặc thù của Bình Dương chính là tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế lại diễn ra quá nhanh, chỉ cần thiếu quan tâm sâu sát trong một thời gian ngắn, việc tái nghèo sẽ diễn ra rất khó kiểm soát, dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho cả nền kinh tế - xã hội. Chính vì thế, từ năm 2010 đến nay, Bình Dương đã 2 lần nâng chuẩn nghèo của tỉnh cao gấp 1,5 - 2 lần so với chuẩn của Trung ương. Đó cũng là bước đột phá mới giúp cho người nghèo, cận nghèo trong tỉnh có điều kiện tiếp tục vươn lên.
Trong giai đoạn 2016- 2020, chuẩn nghèo được tỉnh xây dựng theo phương pháp tiếp cận đa chiều. Đây là phương pháp tiếp cận mới; theo đó ngoài việc căn cứ vào mức thu nhập còn đo lường mức độ thiếu hụt trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin… Với cách tiếp cận này, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ như thời gian qua, Bình Dương sẽ mở rộng việc thực hiện các chính sách gắn với những giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo.
Với quy định mới về chuẩn nghèo trong giai đoạn 2016-2020, Bình Dương sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những thành công đã đạt được để tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo. Cụ thể, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện cải thiện cơ sở hạ tầng những vùng còn khó khăn; đồng thời thúc đẩy phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, hỗ trợ để hộ nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống. Thực hiện tốt những mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ thực hiện tốt hơn nữa Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015- 2020 đã đề ra.
Tới đây, để giảm nghèo bền vững hơn, Bình Dương sẽ triển khai hiệu quả chương trình khuyến nông - lâm - ngư, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người nghèo, đổi mới công tác dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người nghèo theo hướng thiết thực, hiệu quả thông qua các hình thức học nghề, dạy nghề phi chính thức dựa vào cộng đồng.
Giữa giai đoạn 2016-2020, Bình Dương sẽ tổ chức tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, đồng thời xem xét nâng mức chuẩn nghèo mới phù hợp với khả năng cân cân đối ngân sách của địa phương để tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giảm nghèo; hạn chế, giảm thiểu rơi vào tình trạng nghèo của nhóm dân cư có mức thu nhập thấp.
Kỳ 2: Nâng cao mức sống của người dân
KHÁNH VINH