Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư 

Cập nhật: 24-08-2016 | 08:47:18

Trong những năm qua, công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Bình Dương đã có nhiều khởi sắc. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn FDI, xem đây là một nguồn lực quan trọng để đẩy mạnh phát triển trong giai đoạn mới.

Vốn FDI - nguồn lực quan trọng

Từ một tỉnh thuần nông nghèo khó, phải dựa vào nguồn ngân sách phân bổ từ Trung ương, Bình Dương đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một trong 5 tỉnh có mức thu hút FDI vượt 20 tỷ USD.

Theo báo cáo mới đây của Sở Kế hoạch và Đầu tư, chỉ tính trong giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 257.668 tỷ đổng, tăng bình quân 18%/năm; trong đó vốn FDI chiếm tỷ trọng cao nhất với 48,4%. Đặc biệt trong năm 2015, toàn tỉnh đã thu hút được gần 3,3 tỷ USD vốn FDI, đạt 328% kế hoạch năm; trong đó các khu công nghiệp thu hút hơn 3 tỷ USD.


Bình Dương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nguồn vốn FDI phục vụ cho sự nghiệp phát triển tỉnh nhà.
Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Kumho Việt Nam (vốn Hàn Quốc - Khu công nghiệp Mỹ Phước, TX.Bến Cát). Ảnh: XUÂN THI

Riêng trong 7 tháng qua, Bình Dương tiếp tục là một trong những địa phương thu hút được dòng vốn FDI cao của cả nước, khoảng gần 1,5 tỷ USD, hoàn thành vượt kế hoạch của cả năm 2016 do UBND tỉnh đặt ra. Qua đó, đưa Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về thu hút FDI từ đầu năm đến nay. Trong đó, hầu hết nguồn vốn này được đầu tư vào các khu công nghiệp và các ngành công nghiệp sản xuất có hàm lượng kỹ thuật cao, ít thâm dụng lao động… đúng theo định hướng của tỉnh.

Sự thành công của năm 2015 cho thấy triển vọng tăng tốc thu hút đầu tư phục vụ nhu cầu phát triển của Bình Dương trong những năm tiếp theo. Điều này đặc biệt có ý nghĩa hơn trong bối cảnh Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), ký kết ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)...

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Tính từ đầu năm đến nay, đã có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương. Trong đó, các nhà đầu tư Singapore dẫn đầu với 7 dự án mới và 8 lượt tăng vốn với số vốn đầu tư là 360 triệu USD. Hàn Quốc đứng vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư 150 triệu USD. Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với số vốn 85 triệu USD. Tính đến ngày 15-8, Bình Dương có 2.700 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 24,7 tỷ USD; trong đó đầu tư vào các khu công nghiệp là 1.625 dự án với tổng vốn đầu tư 16,3 tỷ USD.

Có thể thấy, công tác thu hút vốn FDI vào tỉnh trong thời gian qua tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Điều đáng nói, môi trường đầu tư của tỉnh đã được cải thiện ngày càng tốt hơn và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Cũng nhờ đó, các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế như công nghiệp điện, điện tử, cơ khí, dược phẩm, hóa chất, thương mại - dịch vụ... đang được các nhà đầu tư quan tâm.

Để tiếp tục thu hút thành công nguồn vốn FDI phục vụ nhu cầu phát triển trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; cùng với đó tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh công tác vận động, xúc tiến đầu tư các thị trường trọng điểm. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng cường cải cách hành chính; rà soát, triển khai chuẩn hóa dữ liệu và đồng bộ thông tin doanh nghiệp…

Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai chủ trương, quan điểm của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp; kịp thời giải quyết kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, điện, cấp nước, xử lý môi trường... để làm hài lòng nhà đầu tư khi đến Bình Dương làm ăn.

KHÁNH VINH

Việt Nam đứng đầu các thị trường mới nổi về thu hút FDI

Theo Văn phòng FDI Intelligence thuộc tạp chí The Financial Times (FT), Việt Nam đứng đầu danh sách 14 quốc gia thu hút vốn đầu tư nước ngoài - FDI (6,45 điểm), tiếp theo là Hungary (4,32 điểm) và Romania (3,48 điểm). Các đối thủ của Việt Nam tại Đông Nam Á là Malaysia (2,86 điểm) và Thái Lan (2,43 điểm). Với số điểm 6,45, vốn FDI đổ vào Việt Nam cao gấp hơn 6 lần lượng vốn kỳ vọng dựa trên quy mô nền kinh tế. Văn phòng FDI Intelligence nhận định, Việt Nam có được kết quả này là nhờ nhiều năm nỗ lực cải thiện sức hấp dẫn của nền kinh tế trong con mắt nhà đầu tư. Các tiêu chí như khả năng tiếp cận nguồn điện, tiếp cận thông tin tín dụng và thanh toán đều tăng hạng; trong khi đó thời gian đăng ký kinh doanh và thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm xuống. 47,8% số dự án FDI mà Việt Nam thu hút được trong năm 2015 thuộc về lĩnh vực chế tạo, tiếp theo là ngành dịch vụ tài chính và sản xuất linh kiện điện tử.

Hãng tin Bloomberg cũng nhận xét, lĩnh vực y tế của Việt Nam có sức hút đặc biệt kể từ khi Chính phủ nới lỏng quy định về đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, thị trường lao động Việt Nam cũng tạo nhiều thuận lợi về sức cạnh tranh... Cụ thể là rất nhiều người có bằng cấp được đào tạo phù hợp với các công ty đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau…

K.T (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=557
Quay lên trên