Thực tế, với lãi suất cho vay trên 10%/năm như hiện nay, để tồn tại và duy trì hoạt động, doanh nghiệp (DN) cũng đã rất áp lực, không những thế, câu chuyện vay vốn sản xuất, kinh doanh cũng chẳng dễ dàng. Dù room tín dụng được nới rộng so với cuối năm 2022, song khả năng tiếp cận vốn của DN vẫn khó khăn hơn khi tỷ lệ hoàn vốn nội bộ đủ lớn để thực hiện dự án tăng lên. Đồng thời, rủi ro nợ xấu tăng lên cùng hạn mức tín dụng không quá dư thừa khiến các ngân hàng thương mại sẽ lựa chọn kỹ càng hơn với danh mục phê duyệt tín dụng. Dư địa tăng với lãi suất cho vay tiếp diễn, tuy nhiên có độ trễ và mức tăng có thể thấp hơn lãi suất huy động khi được kiểm soát chặt chẽ từ nhà điều hành.
Không thể phủ nhận xu hướng lãi suất tăng vọt gần đây đã phần nào ảnh hưởng đến việc mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh của DN. Tuy nhiên, theo phân tích của giới chuyên gia vấn đề cốt yếu là hiện nay là hoạt động cho vay gặp khó, ách tắc về giải ngân vốn đầu tư công, thiếu vắng các biện pháp mang tính hỗ trợ thị trường trái phiếu DN và bất động sản đang khiến tình trạng “nghẽn” thanh khoản chưa thể sớm cải thiện. Như vậy, môi trường vĩ mô chưa ủng hộ cho một xu hướng giảm về lãi suất trong ít nhất 6 - 12 tháng tới.
Liên quan đến câu chuyện lãi suất cho vay, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng trong điều kiện lạm phát tăng lên, lãi suất cao sẽ tiếp tục tác động tới khu vực nội địa của nền kinh tế, các DN sẽ rất khó tồn tại. Trong khi đó, những điều kiện khách quan và chủ quan khiến các ngân hàng không thể hạ lãi suất, ảnh hưởng tới DN. Trong bối cảnh khó khăn này, một điều rất then chốt là việc bơm vốn cho nền kinh tế qua kênh đầu tư công quá chậm sẽ rất khó đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Cần đẩy mạnh giải ngân vốn cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cấu trúc thị trường tài chính, tiền tệ liên quan đến vốn tín dụng và thị trường trái phiếu DN.
KHẢI ANH