Hạng nhì U23 châu Á, lọt vào top 4 đội mạnh nhất tại ASIAD 2018, biến những cái tên như Công Phượng, Văn Hậu, Quang Hải… từ thất bại ở SEA Games 29 tại Malaysia 2017 thành những ngôi sao thực thụ. Vậy bóng đá Việt Nam, người hâm mộ và chúng ta nên cảm ơn ai?
Không phải đến thời điểm này, khi Olympic Việt Nam ngồi cùng với 3 đội bóng hàng đầu châu Á khác gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và UAE ở ASIAD 2018, luồng dư luận rằng HLV Park Hang Seo xem thành tích là cứu cánh của ông. Luận điệu đó xuất phát từ việc HLV Park Hang Seo mang đến ASIAD 2018 đủ 3 cầu thủ trên 23 tuổi, cùng lối chơi phòng ngự phản công đôi lúc khiến người xem khó chịu. Hai quan điểm này được nhắc đến khá nhiều ở VCK U23 châu Á hồi tháng 1, giải đấu thầy trò HLV Park Hang Seo lập nên kỳ tích với ngôi Á quân châu Á. Bài viết: “Đừng để Việt Nam trở thành một Hy Lạp tiếp theo” của phóng viên thể thao người Australia - Scott McIntyre cũng ra đời từ đây.
HLV Park Hang Seo đưa bóng đá Việt Nam bước sang trang sử mới Ảnh: H.A
Olympic Việt Nam và Hàn Quốc là hai trong số nhiều những đội bóng tại ASIAD 2018 mang theo đủ 3 cầu thủ trên 23 tuổi. Trong khi những Thái Lan, Nhật Bản hay Bahrain đều từ chối 3 suất trên 23 tuổi, Nhật Bản mang đội hình U21 sang dự giải. Có phải, cả Việt Nam và Hàn Quốc đều mắc “bệnh thành tích” còn Thái Lan hay Nhật Bản xem nhẹ giải đấu này? Nếu ai có suy nghĩ này thì đã hoàn toàn sai lầm. Sự khác nhau chỉ nằm ở định hướng của mỗi nền bóng đá là khác nhau, nên cách họ tiếp cận với giải đấu này một cách khác nhau. Đấy là lựa chọn, không phải là tiêu chí để đánh giá động lực của nhau.
Với Hàn Quốc, không hẳn là họ dùng đội tuyển U23+3 để hỗ trợ cho việc ngôi sao Son Heung Min giành được quyền miễn nghĩa vụ quân sự, mà họ tôn trọng giải đấu và quyết tâm bảo vệ ngôi vương bằng mọi cách. Việt Nam, đây là cơ hội quá tốt để thế hệ của Quang Hải, Công Phượng, Tiến Dũng, Văn Toàn... được một lần ghi tên mình vào lịch sử ở cấp châu lục....
Sau hơn 18 tháng dưới bàn tay của HLV Hữu Thắng, bóng đá Việt Nam đã kịp xóa đi bằng sạch những gì tốt đẹp, đáng tự hào nhất và thay vào đó bằng một đống đổ nát ngổn ngang. Ngày HLV Mai Đức Chung tiếp quản tạm quyền chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG, có mấy người Việt Nam dám tin rằng đội tuyển có thể thắng được Campuchia trên sân khách. Kỳ tích mang tên U23 Việt Nam đã kéo niềm tin vào bóng đá của người hâm mộ nước nhà. Những viên gạch xây móng luôn là những viên gạch tốt nhất, HLV Park Hang Seo đã đúng khi xây lại bóng đá Việt Nam từ những Công Phượng, Quang Hải...
Có thể gọi thế hệ hiện tại là “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam. Bởi thế hệ này đã đứng nhì châu Á, lọt vào top 4 đội mạnh nhất tại ASIAD 2018. Chúng ta đã vượt qua cả cái ao làng Đông Nam Á. Nhưng dưới bàn tay của HLV Park Hang Seo, ông vẫn phải “liệu cơm gắp mắm” để có được một đội hình ưng ý và sự chênh lệch giữa các vị trí chính thức và dự bị vẫn còn khá lớn. Không thể phủ nhận rằng, dưới thời HLV Park Hang Seo Olympic Việt Nam vẫn có những trận đấu chưa được đẹp mắt. Lối chơi phòng ngự phản công đôi khi ru ngủ người xem. Nhưng, chính những trận đấu như vậy, Olympic Việt Nam mới cho người hâm mộ thấy rõ được tinh thần quật cường và sức chiến đấu bền bỉ đáng ngạc nhiên của họ.
Phòng ngự chặt chẽ hay tấn công sắc bén không phải là điều quan trọng nhất với vị thuyền trưởng người Hàn Quốc. Điều hay nhất của các tuyển thủ Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo là họ thích nghi cực nhanh với sự chuyển đổi sơ đồ chiến thuật, họ “chơi bóng bằng tư duy, bằng cái đầu”. Đấy là cả một cuộc cách mạng. HLV Park Hang Seo rất biết cách truyền lửa cho học trò, để giờ đây bóng đá Việt Nam luôn sẵn sàng đối đầu với mọi đối thủ, mọi trình độ và đẳng cấp khác nhau.
HÙNG CƯỜNG (từ Indonesia)